Mỹ và Nhật Bản nhất trí theo dõi hành động của Trung Quốc trên biển
Sau cuộc gặp với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Mark Esper tại Căn cứ Không quân Andersen (đảo Guam), ông Taro Kono phát biểu: "Đối với khu vực Biển Đông và Biển Hoa Đông, chúng tôi khẳng định Nhật Bản và Mỹ sẽ ra sức phản đối các nước đơn phương thay đổi hiện trạng bằng vũ lực".
Theo Nikkei Asian Review, Trung Quốc đang liên quan đến tranh chấp lãnh thổ trên biển với Nhật Bản và một số quốc gia châu Á khác, như Việt Nam.
Các quan chức Lầu Năm Góc xác nhận rằng, vào ngày 26/8, Trung Quốc đã bắn 4 tên lửa đạn đạo vào Biển Đông nhằm cảnh báo các máy bay do thám của Mỹ đang bay gần các khu vực mà Bắc Kinh tiến hành tập trận hải quân.
Cùng ngày 26/8, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thông báo, Washington sẽ áp dụng các hạn chế về thị thực mới đối với các cá nhân và doanh nghiệp thực hiện hoặc đồng lõa trong việc cải tạo, xây dựng hoặc quân sự hóa qui mô lớn các tiền đồn đang tranh chấp ở Biển Đông.
"Lệnh hạn chế thị thực cũng có hiệu lực với các cá nhân và doanh nghiệp liên quan đến việc Trung Quốc gây hấn với Đông Nam Á để ngăn cản các nước này tiếp cận nguồn tài nguyên ngoài khơi", ông nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Bộ Thương mại Mỹ còn thêm 24 công ty Trung Quốc vào danh sách mà các doanh nghiệp Mỹ không được phép giao dịch cùng, trừ khi có giấy phép đặc biệt từ chính phủ Mỹ. CCCC Dredging - công tycon của Công ty Xây dựng Truyền thông Trung Quốc (CCCC) - cũng thuộc danh sách.
Tại cuộc gặp ngày 29/8, ông Kono nói với người đồng cấp Esper rằng vụ phóng tên lửa có thể gây mất ổn định khu vực Biển Đông. Ngoài ra, Nikkei dẫn lời một quan chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết ông Kono cam kết Nhật Bản sẽ tiếp tục theo dõi tình hình.
Khi bắt đầu cuộc hội đàm, ông Esper đã lên án hành động của Trung Quốc tại Biển Đông. Đáp lại, ông Kono nhận định: "Tôi nghĩ thế giới đang thay đổi nhanh chóng không chỉ vì đại dịch COVID-19 mà còn do một số nỗ lực nhằm thay đổi cục diện chung thông qua vũ lực và cưỡng ép".
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản nói ông và Bộ trưởng Esper đã tái khẳng định Điều 5 của Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật có thể áp dụng cho quần đảo Senkaku. Hiện tại, Nhật Bản kiểm soát quần đảo nhưng Trung Quốc đang tuyên bố chủ quyền với tên gọi Điếu Ngư.
Ngoài ra, ông Kono còn thông báo ông và người đồng cấp Mark Esper đã nhất trí hợp tác thiết lập một hệ thống phòng thủ tên lửa mới sau khi Tokyo quyết định hoãn kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore do Mỹ phát triển.