|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Nikkei: Phần lớn đồng tiền châu Á bị định giá thấp so với đồng USD

07:46 | 29/06/2019
Chia sẻ
Tính toán của Nikkei Asian Review cho thấy 5 đồng tiền châu Á bao gồm đồng won của Hàn Quốc, đồng rupiah của Indonesia, đồng ringgit của Malaysia, đồng dollar Singapore và đồng Đài tệ đều bị định giá thấp so với đồng USD.
1

Ảnh: Nikkei Asian Review

Các đồng tiền châu Á đang bị định giá thấp so với đồng USD, và mặc dù đồng nhân dân tệ không rơi vào nhóm này, đồng tiền tệ của Trung Quốc cũng đang trong xu thế sụt giảm và có thể trở thành yếu tố gây tranh cãi trong chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, theo phân tích của Nikkei Asian Review và Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản.

Mặc dù đã bị định giá quá thấp từ năm 2015, đồng yen đã mạnh lên ngưỡng 107 so với đồng USD trong tuần này, theo tính toán của Nikkei và JCER dựa trên thông tin kinh tế vĩ mô gần đây nhất. Ngưỡng 107 này được xem là tỷ giá cân bằng.

5 đồng tiền châu Á khác vẫn bị định giá thấp so với tỷ giá cân bằng được tính toán từ số liệu tháng 1 - 3/2019.

Trong số các đồng tiền được phân tích, chỉ có đồng bath và đồng euro cao hơn so với mức theo tính toán của mô hình cân bằng. Tại Thái Lan, đồng bath ổn định nhờ việc mỗi năm có hàng chục triệu du khách đến Thái Lan và mang theo ngoại tệ vào đất nước này.

Kết quả phân tích được công bố trước thềm hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka, giờ đây các thành phần tham gia thị trường đang tranh cãi về việc các nhà lãnh đạo và các nhà hoạch định chính sách sẽ thảo luận và ứng phó như thế nào trong các buổi họp G20.

Giới đầu tư và kinh doanh tiền tệ đang dành sự quan tâm đặc biệt đến Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trong tuần trước, ông chỉ trích ông Mario Draghi, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), trên Twitter.

"Ông Mario Draghi mới thông báo về các gói kích thích, theo đó họ sẽ hạ tỷ giá đồng EUR/USD và như vậy họ sẽ có thể cạnh tranh thiếu công bằng với Mỹ. Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc và nhiều nước khác đã làm điều này suốt nhiều năm", ông Trump đăng tải.

Trên thực tế, Tổng thống Trump đã không ngừng chỉ trích chính sách tiền tệ của các nước đối tác lớn của Mỹ từ khi ông bắt đầu vận động tranh cử Tổng thống Mỹ 4 mùa hè trước đây. Những dòng trạng thái gần đây của ông là để đáp lại cái mà ông Draghi nói rằng sẽ cần thêm các biện pháp kích thích để giúp EU vượt qua biến động về kinh tế.

Tỷ giá thường xuyên biến động bởi nó chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố, trong đó phải kể đến điều kiện kinh tế và sự kiện chính trị.

Quĩ tiền tệ quốc tế (IMF) đã dự báo về khả năng Trung Quốc sẽ bắt đầu đối diện với thâm hụt tài khoản vãng lai từ đầu năm 2022. Khi cân nhắc đến điều này, điểm cân bằng tỷ giá sẽ nằm quanh khoảng 6,8 CNY/USD.

Do đó, đồng nhân dân tệ đang bị định giá thấp quá mức. Nhiều khả năng tỷ giá sẽ trở thành điểm then chốt trong đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc xoay quanh vấn đề thương mại và nhiều vấn đề khác.

Tính toán của Nikkei Asian Review cho thấy 5 đồng tiền châu Á bao gồm đồng won của Hàn Quốc, đồng rupiah của Indonesia, đồng ringgit của Malaysia, đồng dollar Singapore và đồng Đài tệ đều bị định giá thấp so với đồng USD.

Sự suy yếu của loạt tiền tệ này có thể là do động thái tăng lãi suất của Mỹ vào năm ngoái. Ngân hàng trung ương Mỹ từng muốn dùng cách này để khiến dòng vốn chảy ra khỏi nhiều thị trường mới nổi của châu Á.

Các ngân hàng trung ương lớn đang bày tỏ mong muốn nới lỏng chính sách tiền tệ để đáp ứng với triển vọng kinh tế toàn cầu ngày càng ảm đạm.

Vào ngày 19/6, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã chỉ ra những bất ổn kinh tế và cho biết sẵn sàng hạ lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2008. Ủy ban Thị trường Mỹ (FOMC) cũng tuyên bố "sẽ hành động phù hợp để duy trì khả năng phát triển của nền kinh tế Mỹ".

Tại châu Á, Thống đốc Ngân hàng Nhật Bản (BoJ) Haruhiko Kuroda cũng phát đi tín hiệu sẵn sàng cung cấp thêm biện pháp kích thích nếu tỷ giá không đi lên.

Yên Khê