|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Trước thềm G20: Cảnh báo nguy cơ khai thác tiền mã hóa để rửa tiền, tài trợ khủng bố

07:19 | 28/06/2019
Chia sẻ
Dù các loại tiền mã hoá hiện không gây rủi ro cho sự ổn định tài chính, nhưng những lỗ hổng có thể xuất hiện khi tiền mã hoá vẫn đang nằm ngoài phạm vi thẩm quyền của các nhà quản lý.

TTXVN đưa tin vào ngày 26.6, Chủ tịch Hội đồng Ổn định Tài chính quốc tế (FSB) Randal Quarles, người phụ trách việc điều phối các quy tắc tài chính cho các nước thành viên Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), đã phát đi cảnh báo nguy cơ các loại tiền mã hoá có thể bị khai thác trong các hoạt động rửa tiền và tài trợ khủng bố.

Trong thư gửi tới các nhà lãnh đạo G20 trước thềm hội nghị diễn ra cuối tuần này tại Nhật Bản, ông Quarles cho rằng mặc dù các loại tiền mã hoá hiện không gây rủi ro cho sự ổn định tài chính toàn cầu, nhưng những lỗ hổng có thể xuất hiện khi chúng nằm ngoài phạm vi thẩm quyền của các nhà quản lý hoặc do không có các tiêu chuẩn quốc tế.

Ông nhấn mạnh việc sử dụng rộng rãi các loại tiền mã hoá mới cho mục đích thanh toán bán lẻ sẽ cần sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng nhằm đảm bảo rằng tiền số tuân theo các tiêu chuẩn quy định cao.

Cũng theo ông Quarles, FSB cùng những tổ chức thiết lập tiêu chuẩn khác sẽ theo dõi sát sao và có sự phối hợp đồng bộ trong vấn đề này, đồng thời xem xét đưa ra các phản ứng đa phương bổ sung nếu cần thiết.

Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra trong bối cảnh mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook hồi giữa tháng 6 tuyên bố sẽ phát hành đồng tiền số với tên gọi Libra vào cuối tháng 6.2020.

Ngay sau đó, nhà đồng sáng lập Facebook Chris Hughes đã đưa ra nhận định rằng, tiền mã hoá Libra của Facebook một khi ra đời sẽ đẩy phần lớn quyền kiểm soát chính sách tiền tệ từ các ngân hàng trung ương sang các công ty tư nhân, đồng thời cảnh báo nếu nhà chức trách toàn cầu không hành động ngay bây giờ, thì sẽ là quá muộn.

Theo giới phân tích, việc Facebook ra mắt tiền mã hoá riêng có khả năng vấp phải sự giám sát chặt chẽ hơn về quy định, trong bối cảnh mạng xã hội này đang hứng chịu búa rìu dư luận do thu thập thông tin cá nhân của người dùng, cũng như tràn lan tin tức giả mạo.

Trong khi đó, Bitcoin - loại tiền mã hoá được giao dịch phổ biến nhất thế giới hiện nay, trong phiên giao dịch ngày 26.6 đã có lúc lên mức gần 13.000 USD - ngưỡng cao nhất của nó trong vòng 18 tháng qua. Kể từ đầu năm nay, loại tiền mã hoá này đã tăng 240% giá trị nhưng vẫn thấp hơn so với mức cao kỷ lục gần 20.000 USD.

Mức nhảy vọt này được cho là do tâm lý lo ngại của các nhà giao dịch muốn tìm kiếm một hình thức đầu tư thay thế an toàn trong khi hy vọng rằng tiền mã hoá Libra của Facebook có thể biến thành xu thế.

Libra cũng đã khơi lại mối quan tâm của các nhà đầu tư đối với tiền mã hoá, trong khi các nhà đầu tư muốn tìm kiếm sự an toàn đã góp phần đẩy giá Bitcoin lên.

Bitcoin đã thất bại trong việc trở thành một đồng tiền ổn định (stablecoin) - đồng tiền được thiết kế để chống lại sự biến động mạnh và thiếu ổn định về giá trên thị trường tiền mã hoá, do biến động khó đoán định và dao động giá mạnh trong khoảng thời gian ngắn. Giá trị của Bitcoin dao động theo xu hướng đầu cơ và mục đích mà các nhà giao dịch sẵn sàng mua bán.

A.T.T