|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Trung Quốc phá giá đồng tiền, linh kiện, vải may giá rẻ tràn vào Việt Nam

07:43 | 25/06/2019
Chia sẻ
Để đối phó với cuộc chiến thương mại với Mỹ, Trung Quốc đã thực hiện phá giá đồng nhân dân tệ như một hình thức hạn chế rủi ro. Việc này kéo theo việc nhập khẩu hàng của Trung Quốc vào Việt Nam nhiều hơn, với giá rẻ hơn.

Các loại hàng hóa như máy móc, linh kiện điện tử, vải thô nguyên liệu của Trung Quốc đang không ngừng gia tăng vào Việt Nam. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, hết 5 tháng đầu năm, 5 nhóm hàng trọng điểm của Trung Quốc đã xuất vào Việt Nam đạt giá trị 18 tỷ USD.

Trung Quốc phá giá đồng tiền, linh kiện, vải may giá rẻ tràn vào Việt Nam - Ảnh 1.

Linh kiện điện tử, máy móc, thiết bị Trung Quốc đổ bộ ồ ạt về Việt Nam

Đáng nói, do Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ nên mặc dù lượng nhập một số mặt hàng nước này về Việt Nam gia tăng song kim ngạch có xu hướng giảm đi.

Cụ thể, mặt hàng than, 5 tháng qua, Việt Nam đã nhập hơn 488.000 tấn than từ Trung Quốc, tăng hơn 50.000 tấn so với cùng kỳ năm trước, song số kim ngạch giảm đi. Mức giá mua than của Trung Quốc về Việt Nam chỉ 6,7 triệu đồng/tấn, thấp hơn 1,5 triệu đồng/tấn so với cùng kỳ năm trước.

Mặt hàng xăng dầu cũng vậy, mức giá nhập xăng dầu từ Trung Quốc cũng rẻ đi chỉ còn 14,78 triệu đồng/tấn, thấp hơn mức giá 15,5 triệu đồng/tấn ở thời điểm tháng 5 năm 2018.

Quặng sắt và khoáng sản khác, giá nhập về Việt Nam cũng rẻ hơn chỉ 4,78 triệu đồng/tấn, trong khi đó cùng kỳ năm trước mức giá là 5,3 triệu đồng/tấn.

Theo số liệu của hải quan Việt Nam, các loại hàng nhập của Trung Quốc hiện tập trung lớn vào linh kiện, thiết bị điện tử, có giá trị cao và có nhu cầu lớn.

Do nhiều hãng điện tử, điện dân dụng tại Việt Nam không thể nội địa hóa linh phụ kiện, do đó nguồn nhập từ Trung Quốc về vẫn là chủ yếu.

Thiết bị vi tính, điện tử và linh kiện điện tử Trung Quốc xuất vào Việt Nam trong 5 tháng qua cao nhất với trị giá 5 tỷ USD, tăng 1,6 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, tăng hơn 47% về giá trị.

Tiếp theo là mặt hàng linh kiện điện thoại, có kim ngạch tăng hơn 900 triệu USD so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 3,4 tỷ USD. Mặt hàng máy móc, thiết bị cũng có giá trị hơn 5,6 tỷ USD, tăng hơn 300 triệu USD so với cùng kỳ năm trước.

Cuối cùng là mặt hàng vải may, theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, kim ngạch mặt hàng vải may từ Trung Quốc vào Việt Nam 5 tháng qua đạt hơn 3 tỷ USD, bằng với cùng kỳ năm trước.

Trên thực tế, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc về Việt Nam thời gian 1 - 2 năm trở lại đây không có xu hướng tăng cao đồng loạt mà chỉ giữ vững ở một số mặt hàng chính, có giá trị cao.

Các loại hàng hóa như sắt thép, than, khoáng sản, rau quả hay phôi thép... không tăng thêm, thậm chí có xu hướng giảm đi. Thay vào đó là các loại hàng hóa giá trị như máy móc, linh kiện điện tử, thiết bị điện tử được nhập khẩu nhiều hơn.

Việc nhập khẩu ngày càng nhiều thiết bị, linh kiện điện tử, vi tính hay linh kiện ô tô là do quy mô các nhà máy lắp ráp thiết bị này ở Việt Nam đang mở rộng mạnh mẽ. Nguyên nhân chính là do Mỹ đánh thuế mạnh vào Trung Quốc nên đã xuất hiện một số doanh nghiệp chuyển qua Việt Nam để lắp ráp và xuất đi nước thứ 3. Bên cạnh đó, một số hãng điện tử lớn như Samsung, LG, Panasonic, Foxcom... do mở rộng quy mô sản xuất, đã nhập nhiều thiết bị từ Trung Quốc với gia rẻ hơn từ các công ty mẹ hoặc doanh nghiệp gia công lớn tại đây để có lợi về giá thành.

An Linh

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.