|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Nikkei: Mỹ - Trung 'đọ' thuế quan, nhà sản xuất hợp đồng Nhật Bản đắc lợi ở Đông Nam Á

17:08 | 05/09/2019
Chia sẻ
Mặc dù cuộc chiến thuế quan Mỹ - Trung buộc các nhà sản xuất phải tư duy lại chuỗi cung ứng của mình, biến động đột ngột này lại mang đến cơ hội lớn cho nhiều hãng sản xuất thiết bị điện tử theo hợp đồng của Nhật Bản tại Đông Nam Á.
1

Ảnh: Nikkei Asian Review

Trung Quốc bất lợi vì thương chiến với Mỹ, Nhật Bản vô tình "trúng đậm"

Kaga Electronics có kế hoạch đầu tư 500 triệu yen Nhật (4,71 triệu USD) để xây dựng nhà máy thứ hai tại tỉnh Chonburi (Thái Lan), dự kiến khánh thành vào tháng 12. Được công bố hôm 3/9, dự án này đặt mục tiêu đáp ứng nhu cầu bảng mạch ngày càng lớn của các hãng máy in đang mở rộng sản xuất tại Thái Lan.

Do nhiều doanh nghiệp chuyển sản xuất khỏi thị trường Trung Quốc để tránh bị "vạ lây" bởi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, Kaga dự tính đạt doanh thu 10 tỉ yen từ nhà máy này trong hai năm tới.

Theo kế hoạch trung hạn, Kaga kì vọng ghi nhận doanh thu 140 tỉ yen từ hoạt động sản xuất thiết bị điện tử trong năm tài khóa 2021, tăng 50% so với năm tài khóa 2018.

Được mệnh danh là "công xưởng của thế giới", Trung Quốc là trung tâm sản xuất thiết bị điện tử lớn nhất trên toàn cầu. Tuy nhiên, chi phí nhân công tăng và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang đang đẩy chi phí sản xuất lên cao đối với nhiều công ty.

Nhờ được các nhà sản xuất theo hợp đồng của Nhật Bản chú tâm từ lâu, các quốc gia Đông Nam Á có thể trở thành trung tâm cung ứng thay thế cho nhiều doanh nghiệp đang tháo chạy khỏi Trung Quốc để "trốn" thuế quan Mỹ.

Vào hôm 3/9, Meiko Electronics, công ty chuyên sản xuất mạch in tại Việt Nam, đã kí kết thỏa thuận mua lại chi nhánh Việt Nam của Tập đoàn Towada (Nhật Bản). Cụ thể, Meiko đã chi 800 triệu yen để mua 60% cổ phần tại đơn vị sản xuất theo hợp đồng này.

Theo Nikkei Asian Review, thỏa thuận của Meiko là bước đón đầu xu thế, khi mà nhiều công ty chuyên sản xuất linh kiện ô tô, loa thông minh,... tại Trung Quốc ngày càng bày tỏ mối quan tâm đối với Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á.

Nhiều doanh nghiệp trong số này lo ngại rằng họ sẽ không thể gánh được chi phí gia tăng vì thuế quan nếu tiếp tục gắn bó với các nhà cung ứng Trung Quốc.

Vào ngày 1/9, Washington đã áp thuế bổ sung 15% lên khoảng 110 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc, trong đó có nhiều mặt hàng tiêu dùng như đồng hồ thông minh và máy in. Ngoài ra, Mỹ còn dự định tăng thuế suất đang áp vào 250 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc, từ 25% hiện nay lên 30% vào tháng 10.

Vào năm tài khóa 2020, Meiko kì vọng doanh thu từ hoạt động sản xuất thiết bị điện tử sẽ tăng hơn gấp đôi từ mức dự kiến của năm tài khóa hiện tại là 8,9 tỉ yen.

Ưu thế và bất lợi của các hãng sản xuất hợp đồng Nhật Bản

Khác với các đối thủ nước ngoài thường sử dụng Trung Quốc làm trung tâm sản xuất chính, các nhà sản xuất hợp đồng Nhật Bản có xu hướng đổ dồn vào Đông Nam Á, nơi nhiều công ty thiết bị điện tử và hãng xe hơi Nhật Bản đã có mặt từ trước.

Năng lực kĩ thuật, bí quyết quản trị chuỗi cung ứng và nhà máy của các nhà cung ứng này đã biến họ thành lựa chọn ưa thích của các công ty đang tìm kiếm giải pháp thay thế cho Trung Quốc.

Một số công ty còn chọn các nhà sản xuất hợp đồng Nhật Bản để thay thế cho cơ sở sản xuất nội bộ (in-house) cho họ ngay tại Trung Quốc.

Tuy nhiên, Nhật Bản vẫn chỉ là một "hạt cát nhỏ" trong lĩnh vực sản xuất theo hợp đồng. Siix, nhà cung cấp dịch vụ sản xuất thiết bị điện tử lớn nhất Nhật Bản, chỉ xếp thứ 15 trên thế giới. Doanh thu năm 2018 của Siix là 242,8 tỉ yen (tương đương 2,29 tỉ USD).

Trong khi đó, Hon Hai Precision Industry (hay Foxconn) - "người anh cả" trong lĩnh vực sản xuất hợp đồng, đã thu về 169 tỉ USD doanh thu hoạt động trong cùng kì.

Nhằm tận dụng sức mạnh của khu vực Đông Nam Á, Siix có kế hoạch chuyển một phần hoạt động sản xuất linh kiện máy in và ô tô từ Trung Quốc sang Indonesia và Thái Lan vào đầu năm nay.

Công ty nghiên cứu Technavio của Anh nhận định, kể từ năm 2018, thị trường sản xuất thiết bị điện tử theo hợp đồng sẽ tăng trưởng 17% lên 556 tỉ USD vào năm 2022. Đồng thời, thị phần của Đông Nam Á trong lĩnh vực nói trên dự kiến tiếp tục tăng mạnh bởi căng thẳng thương mại và chi phí nhân công tại Trung Quốc có xu hướng đi lên.

Các nhà sản xuất hợp đồng từ Đài Loan và Trung Quốc đại lục cũng đang gấp rút chuyển sang Đông Nam Á. Mặc dù họ có thể cần thời gian để thích nghi, chẳng hạn như về vấn đề ngôn ngữ, các công ty này nhiều khả năng sẽ là đối thủ đáng gờm của các doanh nghiệp Nhật Bản.

Yên Khê

ĐHĐCĐ Nam Long: Doanh số quý I ước đạt 1.160 tỷ đồng, có thể đưa ra thị trường 15.000 sản phẩm trong ba năm tới
HĐQT Nam Long định hướng phát triển trong năm 2024 tập trung vào dòng sản phẩm nhà ở vừa túi tiền và hợp với nhu cầu thị trường, mục tiêu bán trên 3.100 sản phẩm với doanh số kỳ vọng đạt 9.554 tỷ đồng.