|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

[Phần 2] Trung Quốc mất đi sức hút nhưng doanh nghiệp Mỹ cũng không quay về quê nhà

10:42 | 04/09/2019
Chia sẻ
Dưới tác động của làn sóng doanh nghiệp Mỹ đang rời đi, ánh hào quang từng một thời phủ khắp Trung Quốc đang lụi tàn dần. Trớ trêu thay, loạt doanh nghiệp Mỹ này không trở về quê hương mà lại chọn điểm đến mới ngay tại Việt Nam, Campuchia, Malaysia,...
20181212105355-US-China

Ảnh: Shutterstock

Trung Quốc - trung tâm sản xuất toàn cầu đang mất dần ánh hào quang

Ngay cả trước khi chiến tranh thương mại nổ ra vào năm ngoái, một số nhà máy đã bắt đầu rời bỏ Trung Quốc vì nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chững lại, chi phí lao động tăng và loạt qui định liên quan đến môi trường bị siết chặt.

Tuy nhiên, trong tháng 8 vừa qua, áp lực nói trên đã gia tăng đáng kể. Khi Tổng thống Trump tăng cường chỉ trích, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ đã nêu lên thực trạng mà họ trông thấy là hoàn cảnh cấp thiết, ngay tại buổi công bố lợi nhuận của công ty.

Để thích ứng với một sân chơi ngày càng biến động, bộ máy lãnh đạo đang bị buộc phải tư duy lại chuỗi cung ứng của doanh nghiệp.

Trong một cuộc khảo sát thường niên do Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Trung tiến hành hồi tháng 6, gần 30% trong số 220 doanh nghiệp tham gia cho biết họ đã trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch đầu tư tại Trung Quốc hoặc Mỹ vì bất ổn thương mại.

1

Nguồn: Ủy ban Kinh doanh Mỹ - Trung/CNBC

Mặc dù chỉ có 13% cho hay họ đang lên kế hoạch chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc ở mức độ đáng kể, con số này đã tăng đều đặn từ mức 10% năm 2018 và 8% năm 2017.

Quá trình dịch chuyển có thể còn rõ rệt hơn vào lúc này, bởi cuộc khảo sát được thực hiện vào thời điểm quan chức Mỹ và Trung Quốc nối lại đàm phán thương mại.

"Mặc dù Trung Quốc vẫn là thị trường ưu tiên của hầu hết doanh nghiệp tham gia khảo sát, mức độ lạc quan của nhà đầu tư cũng đã giảm đi phần nào", khảo sát này lưu ý. Trong số các doanh nghiệp quyết định giảm đầu tư mới, có 60% lấy lí do là chi phí gia tăng và bất ổn xoay quanh quan hệ thương mại Mỹ - Trung.

Hơn nữa, các công ty Mỹ cũng đưa ra một viễn cảnh ảm đạm về triển vọng dài hạn ở Trung Quốc.

Cụ thể, 14% doanh nghiệp được hỏi cho hay họ "bi quan" hoặc "có phần bi quan" về môi trường kinh doanh tại Trung Quốc trong 5 năm tới, trong khi kết quả của năm ngoái là 9%.

Doanh nghiệp rời bỏ Trung Quốc nhưng không quay lại Mỹ

Khi có ngày càng nhiều công ty dịch chuyển sản xuất, chỉ một nhóm nhỏ là quay trở lại Mỹ. Theo bản Khảo sát Kinh doanh Mỹ - Trung mới đây, chỉ 3% doanh nghiệp lên kế hoạch chuyển sản xuất về quê nhà Mỹ.

Đối với các công ty như Mattson (Honolulu), quay trở lại Mỹ còn gian khổ hơn, bất chấp triển vọng kinh doanh khắc nghiệt tại Trung Quốc.

"Chúng tôi rất ít khi nghe đến khả năng doanh nghiệp rời Trung Quốc là để quay trở về Mỹ", CEO Matthew Cox của Mattson cho hay. "Tôi nghĩ đây là tình trạng chung đối với rất nhiều mặt hàng mà công ty chúng tôi đang phân phối".

Ngay cả khi phải vật lộn để xây dựng chuỗi cung ứng công nghệ cao trong nước, Việt Nam dường như là một trong những nước hưởng lợi nhiều nhất từ tranh chấp thương mại Mỹ - Trung.

Điều này được phản ánh trong loạt dữ liệu gần đây. Nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,7% trong quí II, vượt xa mức tăng trưởng 6,2% của Trung Quốc. Còn theo IHS Markit, năm ngoái, Việt Nam cũng chứng kiến một sự gia tăng hoạt động sản xuất mà khó nền kinh tế lớn nào ở châu Á bì kịp.

Số lượng đơn xin giấy phép đầu tư nước ngoài cũng gia tăng, cụ thể tăng 26% trong nửa đầu năm 2019 so với cùng kì năm trước.

Trong tháng 8, hãng bán lẻ quần áo Chico's, nhà sản xuất nước hoa Sensient Technologies, nhà cung ứng linh kiện ô tô Genuine Parts Company, và hãng chế tạo máy công nghiệp Ingersoll-Rand đều cho biết họ đang thúc đẩy hoạt động sản xuất ở Việt Nam.

Công ty Leggett & Platt (Carthage, Missouri) ngày càng phụ thuộc vào Việt Nam hơn, tuy nhiên họ cũng thừa nhận năng lực sản của Việt Nam vẫn chưa thể đuổi kịp Trung Quốc.

Các quốc gia Đông Nam Á khác có thể sẽ sớm nhận được lợi ích tương tự.

iRobot, công ty đứng sau robot hút bụi Roomba, đang lên kế hoạch chuyển sản xuất dòng robot đầu tiên đến Malaysia và dự kiến đi vào chế tạo sản phẩm vào cuối năm nay.

Hãng thời trang Steven Madden (Long Island City) đã bắt đầu dịch chuyển qui trình sản xuất túi xách từ Trung Quốc sang Campuchia từ năm 2015. Các nhà điều hành của Steven Madden gần đây chia sẻ với nhà đầu tư rằng họ kì vọng Campuchia sẽ chiếm khoảng 30% tổng sản lượng của hãng vào cuối năm 2019.

Yên Khê