Nikkei: Grab sẽ IPO tại Mỹ trong vài ngày tới, định giá công ty 40 tỷ USD
Grab có thể sẽ chính thức niêm yết trên sàn Mỹ vào đầu tháng 12 sau khi công ty thâu tóm, sáp nhập chuyên dụng (SPAC) mà Grab đang lên kế hoạch sáp nhập, cho biết sẽ chính thức bỏ phiếu cho thương vụ này vào tuần tới, theo Nikkei.
Altimeter Growth Corp., công ty SPAC đang được nhắc tới, sẽ tổ chức cuộc họp bất thường vào ngày 30/11 (giờ Mỹ) để xin ý kiến cổ đông về việc sáp nhập với Grab. Grab cũng sẽ tổ chức cuộc họp cổ đông bất thường cùng ngày. Nếu như cả hai bên đều được cổ đông phê duyệt sáp nhập, Grab có thể thực hiện sáp nhập và chính thức giao dịch trên sàn Nasdaq.
Trong hồ sơ quản lý được đệ trình hồi tuần trước, Altimeter Growth Corp. khuyến khích các cổ đông chấp thuận đề xuất. Hồ sơ này nói rằng Uỷ ban Giao dịch và Sàn chứng khoán Mỹ đã tuyên "hiệu lực" hồ sơ đăng ký của Grab để mở đường cho thương vụ.
Hôm 11/11, ông Peter Oey, giám đốc tài chính Grab, chia sẻ rằng với các lệnh chấp thuận được đưa ra tại các cuộc họp cổ đông bất thường, Grab sẽ có thể chốt thương vụ sáp nhập với Altimeter Growth Corp và sẽ thực hiện niêm yết "trong một vài ngày tới". Trước đó, Grab khẳng định sẽ thực hiện hoàn tất niêm yết vào quý 4 năm nay, sau khi hoãn một lần trước đó từ kế hoạch ban đầu là vào quý 3.
Là một trong những startup công nghệ đáng chú ý nhất Đông Nam Á, việc Grab niêm yết sẽ tạo cơ hội hoàn toàn mới cho các nhà đầu tư Mỹ tiếp cận thị trường có tốc độ tăng trưởng nhanh như Đông Nam Á.
Nikkei nhận định rằng định giá thị trường của Grab sẽ được theo dõi chặt chẽ bởi đây sẽ là một "thước đo" khi các startup Đông Nam Á niêm yết trên thị trường Mỹ trong tương lai gần. Khi công bố thương vụ sáp nhập hồi tháng 4, Altimeter Growth Corp định giá Grab ở mức gần 40 tỷ USD.
Theo hồ sơ đăng ký, ông Anthony Tan, CEO Grab, sẽ tiếp tục là chủ tịch và CEO của công ty mới, trong khi đó bà Tan Hooi Ling, người đồng sáng lập Grab, sẽ là giám đốc và giám đốc vận hành của công ty. Công ty sau sáp nhập cũng sẽ có 4 giám đốc độc lập bao gồm cả ông Dara Khosrowshahi, CEO của Uber Technologies.
Được thành lập vào năm 2012, Grab cung cấp đa dạng các dịch vụ như gọi xe, giao đồ, giao đồ ăn hay thanh toán điện tử. Nó theo đuổi mô hình chiến lược "siêu ứng dụng". Hiện tại, Grab tập trung vào các thị trường Đông Nam Á và hoạt động ở Singapore, Malaysia, Indonesia, Việt Nam, Thái Lan, Philippines, Campuchia và Myanmar.
Hôm 11/11, Grab báo cáo doanh thu trong quý 3 giảm 9% trong bối cảnh Đông Nam Á chịu nhiều ảnh hưởng từ làn sóng COVID-19 mới, theo Reuters.
COVID-19 khiến mảng vận tải của Grab tại Đông Nam Á tụt lại phía sau so với mảng giao đồ. Theo đó, mảng vận tải/di chuyển mang về 88 triệu USD doanh thu, goảm 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, doanh số mảng giao đồ tăng 58%.
"Dịch vụ vận tải/di chuyển và dịch vụ giao đồ ăn dừng hoạt động tại Việt Nam trong phần lớn quý 3 và 6 trong số các quốc gia lõi chúng tôi hoạt động đều đối mặt với các biện pháp quản lý di chuyển chặt chẽ hơn", ông Peter Oey, giám đốc tài chính Grab, chia sẻ.
Cùng thời điểm, Grab cũng chứng kiến cạnh tranh ngày càng lớn hơn từ các "siêu ứng dụng" khác, ví dụ như GoTo của Indonesia.