|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Những yếu tố nào sẽ vực dậy thị trường BĐS sau dịch COVID-19?

08:30 | 03/04/2020
Chia sẻ
Nhu cầu về nhà ở lớn, nhiều chính sách được khơi thông, giá cả có thể được điều chỉnh theo hướng hợp lí hơn,… đang được xem là những yếu tố có lợi cho thị trường BĐS hậu dịch.
Những yếu tố nào sẽ vực dậy thị trường BĐS sau dịch COVID-19? - Ảnh 1.

Dịch COVID-19 đang tạo ra nhiều thách thức lớn cho các doanh nghiệp địa ốc. (Ảnh: Zing News)

Dưới tác động của dịch COVID-19, nhiều lĩnh vực trong đó có bất động sản đang gặp không ít khó khăn. Kéo theo đó, tất cả các doanh nghiệp bất động sản đều bị tác động rõ rệt; các sự kiện như quảng bá tiếp thị, bán hàng đều bị hủy bỏ.

Thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng và thị trường bất động sản cho thuê bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là tình trạng các mặt bằng cho thuê tại khối đế các tòa nhà cao tầng và nhiều mặt bằng nhà phố cho thuê đang bỏ trống do nhiều khách thuê trả lại…

Đối với phân khúc căn hộ chung cư, báo cáo thị trường BĐS quí I/2020 của JLL cho biết, lượng căn hộ để bán trong quí này tại TP HCM chỉ đạt 1.980 căn, thấp hơn một nửa so với quí trước và cùng kì năm trước, chỉ bằng 54% tổng lượng hàng sẵn có trong cả quí, là mức thấp nhất kể từ quí II/2017.

Trong khi đó, Hiệp hội BĐS TP HCM (HoREA) cho rằng, đại dịch COVID-19 đang tạo ra một số thách thức lớn cho các doanh nghiệp địa ốc.

Chẳng hạn, làm sụt giảm nghiêm trọng doanh thu, lợi nhuận, thậm chí có thể khiến doanh nghiệp bị mất thanh khoản; làm tăng chi phí đầu tư, chi phí vốn, chi phí lãi vay và nguy cơ bị chuyển nhóm nợ thành nợ xấu.

Bên cạnh đó, làm tăng chi phí quản lí doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có nhiều lao động; tăng khả năng doanh nghiệp bị nợ thuế, nợ bảo hiểm xã hội, nợ lương người lao động. Đặc biệt, làm tăng nguy cơ doanh nghiệp bị rơi vào thua lỗ, phá sản.

Lực cầu mạnh là yếu tố có lợi cho thị trường sau dịch

Theo một số chuyên gia, những thách thức của dịch COVID-19 đặt ra cho thị trường BĐS có thể sẽ còn kéo dài nhưng một khi dịch bệnh được đẩy lùi, thị trường sẽ sớm phục hồi trở lại nhờ vào một số yếu tố thuận lợi.

Trao đổi với PV về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội môi giới BĐS Việt Nam (VARs) cho biết, có 4 yếu tố đóng vai trò là đòn bẩy giúp vực dậy thị trường BĐS sau giai đoạn khó khăn.

Thứ nhất là lực cầu mạnh. Cụ thể, nhu cầu về nhà ở của người dân vẫn rất nhiều, đặc biệt là nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà ở cho những người thu nhập thấp.

"Có thể trong giai đoạn dịch đã làm suy yếu bớt lực cầu đi nhưng đây vẫn là nhu cầu của rất nhiều hộ gia đình, đặc biệt là những cặp vợ chồng trẻ, mới lập nghiệp. Theo thống kê, có thể nói đây là lứa dân số vàng của Việt Nam", ông Đính cho hay.

Yếu tố thứ hai đó là chính sách BĐS được khơi thông. Vị chuyên gia này cho biết, nếu thị trường BĐS năm 2019 gặp không ít những vướng mắc liên quan đến thủ tục pháp lí thì sang đến năm 2020, Chính phủ đã ban hành một số chính sách tháo gỡ một số nút thắt cho thị trường. Đây được xem là một trong những yếu tố thuận lợi tạo đà cho các dự án đang bị bế tắc từ năm trước.

"Từ quí III đổ đi có thể sẽ có một số dự án trước đó bị vướng về pháp lí được hoàn thành và cung cấp ra thị trường một lượng hàng mới, giúp đa dạng hóa nguồn cung và hồi phục thị trường", vị  này nói.

Yếu tố thứ ba, thị trường có thể thiết lập mặt bằng giá mới. Theo đó, những khó khăn của nền kinh tế thời hậu dịch cộng với nguồn hàng tăng, chưa kể đến nguồn hàng tồn đọng từ trước sẽ làm tăng nguồn cung, kéo theo đó là áp lực cạnh tranh. Do đó, giá BĐS có thể sẽ được điều chỉnh theo hướng theo hướng hợp lí hơn.

Theo ông Đính, khi giá cả hợp lí thì chắc chắn sẽ tiệm cận gần hơn với nhu cầu và người dân sẽ có nhiều cơ hội hơn trong việc mua nhà, đặc biệt là những người gặp khó khăn về tài chính.

Và yếu tố thứ tư là các giải pháp pháp ổn định và kích thích sự phát triển kinh tế của Chính phủ. "Khi kinh tế ổn định thì kéo theo đó là các nhu cầu về an sinh xã hội và nhà ở được duy trì. Đặc biệt, Thủ tướng cũng đã chỉ đạo việc đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội", ông Đính cho hay.

Cũng theo vị chuyên gia này, đây sẽ là giai đoạn ít áp lực hơn của các doanh nghiệp trong việc cạnh tranh trên thị trường. Nhiều doanh nghiệp sẽ tận dụng cơ hội này để hướng đến việc tái cấu trúc, tinh giản bộ máy, giảm chi phí đầu vào, chi phí quản lí,…

Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, ông Nguyễn Mạnh Phong, Giám đốc sàn giao dịch BĐS Vân Đồn Star cho rằng, niềm tin chính là một yếu tố quan trọng của thị trường BĐS hậu dịch.

"Khi niềm tin của người dân trở lại thì niềm tin về thị trường cũng sẽ tốt lên, dòng tiền vào bất động sản mới quay trở lại", ông Phong nhận định.

Bên cạnh đó, sau một thời gian dài ở nhà tránh dịch, nhu cầu đi du lịch của người dân sẽ tăng cao. Kéo theo đó, ngành du lịch sẽ phát triển trở lại, thị trường BĐS nghỉ dưỡng nhờ đó cũng sẽ được hồi phục.

Một yếu tố nữa mà vị chuyên gia này chỉ ra đó là nhu cầu về nhà ở vẫn rất lớn.Tuy nhiên, trong giai đoạn khủng hoảng vì dịch bệnh, nhiều người sẽ tập trung vào những nhu cầu thiết yếu như lương thực, đồ bảo hộ,… khiến cho giá trị của bất động sản không được khai thác nhiều.

"Theo tôi, phải mất vài tháng sau dịch, khi dòng tiền của người dân ổn định thì nhu cầu đầu tư BĐS mới tăng trở lại. Nếu như dịch được đẩy lùi sớm thì phải sang quí III, quí IV thị trường mới có thể hồi phục", ông Phong nhận định.

Trên thực tế, do áp lực về thanh khoản và để duy trì hoạt động, thời gian vừa qua, nhiều chủ đầu tư dự án đã phải thay đổi kế hoạch kinh doanh để ứng phó diễn biến của dịch. Đồng thời, tìm cách xoay sở để vượt qua khó khăn như thay đổi phương thức bán hàng, tung các gói khuyến mãi, hỗ trợ người mua, giảm giá thuê mặt bằng,…

"Bản thân các doanh nghiệp phải thay đổi để thích nghi với hoàn cảnh. Tuy thời gian đầu sẽ có những khó khăn nhất định nhưng rõ ràng, nếu không thay đổi thì sẽ bị đào thải", ông Đính nhấn mạnh.

Hà Lê

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.