|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Doanh nghiệp BĐS kì vọng gì từ chính sách trong mùa dịch dịch COVID-19?

20:26 | 28/03/2020
Chia sẻ
Theo chuyên gia của Savills, Chỉ thị 11 của Chính phủ đã mở ra những nút thắt trọng tâm. Biện pháp kích cầu này chỉ thực sự làm tốt vai trò của nó khi giúp doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng để đóng thuế và duy trì ‘sức đề kháng.’
Gói kích cầu 250.000 tỉ đồng trong đại dịch COVID-19: Doanh nghiệp bất động sản kì vọng lấy lại phong độ? - Ảnh 1.

Khi COVID-19 qua đi, dư âm của dịch bệnh và 'sức đề kháng' của doanh nghiệp để họ phát triển trở lại mới là những câu chuyện chính. Ảnh: Nguyên Ngọc.

Các chuyên gia của Savills đánh giá, dịch bệnh COVID-19 có thể gây thiệt hại lớn gấp 3 - 4 lần so với dịch SARS vào năm 2003. Trong đó Việt Nam, một trong những quốc gia trong khu vực ASEAN bị ảnh hưởng nặng nhất.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 ngày một tác động mạnh mẽ và rõ rệt đến nền kinh tế, ngày 4/3 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội.

Theo TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, "Chỉ thị 11 của Chính phủ đã mở ra những nút thắt trọng tâm. Đây là một động thái rất tích cực của Nhà nước, trong đó các doanh nghiệp bất động sản cũng sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ gói kích cầu này."

Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cũng dẫn ra ba vấn đề cụ thể cho thấy doanh nghiệp bất động sản có thể hưởng lợi.

Thứ nhất, doanh nghiệp bất động sản có thể kì vọng về việc Chính phủ và các Bộ, các cơ quan liên quan thực hiện rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Với mọi doanh nghiệp, thủ tục hành chính được xem là gánh nặng nhiều năm. Đây thực sự là chính sách giúp vực dậy doanh nghiệp trong giai đoạn dịch bệnh, yếu tố mà bất kì doanh nghiệp nào cũng luôn cần.

Thứ hai, các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương được yêu cầu đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh, giúp tăng tốc độ phát triển kinh tế và phát triển cơ sở hạ tầng.

Thứ ba, việc đẩy mạnh truyền thông minh bạch, khách quan về kết quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Việt Nam là một điểm cộng rất lớn trong gói kích cầu của Chính phủ.

"Đây là một trong những chính sách ứng phó và ngăn ngừa dịch bệnh khiến chúng ta có thể tự tin rằng khả năng phục hồi của thị trường Việt Nam là khá tốt so với các nước khác, ông Sử Ngọc Khương khẳng định.

Theo Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, về bản chất, doanh nghiệp nói chung đặt trọng tâm vào vấn đề lợi nhuận. Song, ở giai đoạn dịch COVID-19, doanh nghiệp trong từng ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khác nhau sẽ có khó khăn riêng và mỗi khó khăn đòi hỏi cách giải quyết phù hợp thay vì đứng trên bình diện chung. 

Thực tế này đòi hỏi nhu cầu về sự ra đời của các ban tư vấn chính phủ riêng rẽ, nhằm giải quyết cho từng nhóm ngành phù hợp.

Ông Khương lấy ví dụ, đơn cử như doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần giải quyết vấn đề về thủ tục, tỉ giá hối đoái, mua bán ngoại tệ. Hoặc doanh nghiệp vận tải công cộng sẽ gặp các vấn đề phát sinh về giá xăng dầu, số lượng khách...

"Việc giảm thuế có thể tác động tích cực với các doanh nghiệp có lợi nhuận nhưng không có tác dụng hiệu quả với doanh nghiệp làm ăn thua lỗ.

Biện pháp kích cầu kinh tế chỉ thực sự làm tốt vai trò của nó khi giúp doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng để đóng thuế và duy trì 'sức đề kháng.'

Khi COVID-19 qua đi, dư âm của dịch bệnh và 'sức đề kháng' của doanh nghiệp để họ phát triển trở lại mới là những câu chuyện chính", Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam chốt vấn đề.

Nguyên Ngọc