|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Chủ sở hữu lo chữa bệnh hụt thanh khoản thời COVID-19, cơ hội mua nhà giá tốt đang đến rất gần?

09:48 | 20/03/2020
Chia sẻ
Nếu tình hình dịch bệnh kéo dài, rất có thể các chủ đầu tư dự án gặp khó khăn về thanh khoản sẽ phải tính đến đến phương án giảm giá bán trực tiếp trên các sản phẩm.
Bất động sản gặp khó vì dịch COVID-19: Doanh nghiệp cần thanh khoản có thể sẽ giảm giá bán căn hộ - Ảnh 1.

Dịch COVID-19 đang tác động trực tiếp đến tất cả các phân khúc của thị trường bất động sản. (Ảnh: Zing News)

Lực cầu suy yếu

Theo khảo sát của một số đơn tư vấn và nghiên cứu, thị trường BĐS trên khắp cả nước đang chững lại do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Số liệu thống kê chưa đầy đủ của Hội môi giới BĐS Việt Nam cho thấy, trong tổng số khoảng 1.000 sàn hoạt động trong lĩnh vực môi giới, hiện có tới 1/3 số sàn giao dịch BĐS (tương đương hơn 300 sàn) phải đóng cửa vì chủ đầu tư không mở bán sản phẩm.

Ngoài ra, khoảng 500 sàn giao dịch phải tạm dừng hoạt động một phần. Đây là nững sàn còn hàng để bán do vẫn còn hàng để bán khi có hợp đồng bán hàng đã kí kết với chủ đầu tư từ trước.

Bà Võ Thị Khánh Trang, Trưởng bộ phận Nghiên cứu Tư vấn Savills TP HCM cho rằng, dịch COVID-19 làm suy yếu những triển vọng của thị trường BĐS Việt Nam, gây tổn thất tới mọi loại hình sản phẩm. Trong đó, phân khúc chịu ảnh hưởng nặng nhất là bán lẻ và nghỉ dưỡng, sau đó tới văn phòng và bất động sản công nghiệp.

Còn theo đánh giá của CBRE, dịch COVID-19 có những tác động ngắn hạn lên thị trường BĐS Việt Nam, từ phân khúc bán lẻ, du lịch - khách sạn, công nghiệp, kho vận và nhà ở bán. Hiện nay, nhiều nhà đầu tư cũng đang chuyển sang tâm thế chờ đợi xem tình hình như thế nào trước khi đưa ra quyết định.

Trước tình hình khó khăn chung của thị trường, không ít người đang đặt câu hỏi liệu giá bất động sản có giảm?

Theo dữ liệu nghiên cứu trực tuyến của Batdongsan.com, 2 tháng đầu năm 2020, thị trường BĐS cả nước ghi nhận sự sụt giảm mạnh nhu cầu tìm kiếm và đầu tư.

Cụ thể, mức độ quan tâm tìm kiếm nhà đất của người dùng cả nước trong 2 tháng đầu năm 2020 giảm 14% so với cùng kì. Trong đó, TP HCM ghi nhận nhu cầu tìm mua BĐS giảm gần 24%. Tuy nhiên, thị trường Hà Nội vẫn ghi nhận nhu cầu tìm kiếm BĐS tăng gần 9% so với cùng kì. Lượng tin đăng bán cũng tăng 35% so với cùng kì.

Cơ hội mua BĐS giá tốt?

Trong bối cảnh thị trường khó khăn, không ít nhà đầu tư bị hoang mang và có động thái cắt lỗ tài sản của mình. Trong khi đó, cũng có nhà đầu tư coi đây là cơ hội để mua được BĐS với giá hợp lí hơn.

Bởi trên thực tế, phần lớn các chủ sở hữu các căn hộ hiện nay là các trung gia đang kinh doanh nhiều mặt trận. Khi ảnh hưởng bởi COVID-19, nhiều người sẽ phải cân đối lại tài sản  để bù đắp lượng tiền thiếu hụt trong các hoạt động kinh doanh chính đang thua lỗ.

"Rất nhiều khả năng giá nhà sẽ thiết lập mặt bằng giá mới trong thời gian tới, khi làn sóng cần tiền mặt tăng cao đi kèm với sức mua đang giảm mạnh", một nhà đầu tư kinh nghiệm chia sẻ. 

Chia sẻ thêm với người viết về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS VN (VARs) cho biết, từ khi có dịch đến nay, thị trường BĐS chưa ghi nhận dự án mới nào mở bán. Còn đối với các dự án đang bán thì chưa ghi nhận dự án nào công bố giảm giá.

Tuy nhiên, theo ông Đính, rất có thể trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài mà các chủ đầu tư cần thanh khoản thì có thể họ sẽ giảm giá. Việc này sẽ diễn ra dưới nhiều hình thức như khuyến mãi, tặng quà, chiết khấu… chứ không hoàn toàn là giảm giá bán trực tiếp trên sản phẩm.

Dù không biết khi nào dịch COVID-19 mới được đẩy lùi nhưng nhiều nhà đầu tư cho biết sẽ không rút lui khỏi thị trường mà coi đây là một thời điểm thích hợp để mua vào. Những BĐS mang tính an toàn và nằm ở khu vực hoàn chỉnh về hạ tầng giao thông,… vẫn được các nhà đầu tư tìm kiếm.

Tuy nhiên, theo nhận định của Phó Chủ tịch VARs, hiện nay thị trường căn hộ không còn nhiều sản phẩm cho các nhà đầu tư lựa chọn, đặc biệt là những sản phẩm có giá rẻ. Bởi phần lớn hàng tồn kho hiện nay nằm ở phân khúc cao cấp và trung cấp.

"Với những sản phẩm thuộc phân khúc này thì cả kể những lúc thị trường bình thường cũng không dễ bán. Hy vọng, khi giai đoạn khó khăn của thị trường BĐS kéo dài thì chủ đầu tư các dự án cao cấp sẽ đẩy giá xuống", ông Đính nói.

Cũng theo vị chuyên gia này, nguyên nhân của tình trạng khan hiếm sản phẩm chào bán hiện nay là do những khó khăn liên quan đến thủ tục pháp lí vẫn còn kéo dài.

Mặc dù Chính phủ đã có động thái điều chỉnh một số Nghị định liên quan đến thị trường nhưng trong bối cảnh hiện nay, các địa phương đang tập trung vào vấn đề phòng chống dịch bệnh và ổn định kinh tế là chính chứ chưa chú trọng giải quyết các vấn đề liên quan đến dự án BĐS. Do đó, thị trường vẫn phải chờ đợi thêm.

Còn đối với phân khúc đất nền, theo ông Đính, đây là một dòng sản phẩm đang bị vướng về chính sách ở hầu hết các tỉnh. "Tuy nhiên, đất nền luôn có giá thấp hơn so với các dòng sản phẩm khác, mặc dù ít chịu tác động nhiều bởi dịch nhưng các nhà đầu tư cũng cần cẩn trọng khi xuống tiền", ông Đính cho hay.

Trước những khó khăn của thị trường, Phó Chủ tịch VARs khuyên các nhà đầu tư BĐS nên bình tĩnh và tin tưởng vào Chính phủ. Bởi thị trường BĐS Việt Nam cũng là một trong những thị trường có tiềm năng rất tốt.

"Đối với những nhà kinh doanh và đầu tư BĐS hiện nay, họ bản lĩnh và cũng đã trải qua không ít những giai đoạn khó khăn của thị trường nên đã có nhiều kinh nghiệm. Thị trường BĐS cũng sẽ sớm ổn định trở lại khi dịch bệnh được khống chế", vị này nhận định.

Còn đối các doanh nghiệp địa ốc, theo ông Đính, họ thực sự là đang rất khó khăn. Tuy nhiên, những lúc như thế này cần phải giữ bình tĩnh và có những giải pháp để tranh thủ tái cấu trúc, thay đổi hoặc đa dạng hóa phương thức kinh doanh,…

"Có thể phải đến quí III/2020 thị trường mới tốt lên. Tất nhiên, thị trường BĐS cũng có những đặc thù riêng và luôn luôn có độ trễ. Chẳng hạn, sau khi dịch được dập thì nhiều người sẽ phải ổn định lại thói quen, lối sống, công việc, kinh tế,.. rồi sau đó mới nghĩ đến chuyện mua nhà hay đầu tư", ông Đính nhấn mạnh.

Còn theo nhận định của bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam, một khi dịch bệnh được khống chế, khả năng các chủ đầu tư sẽ đẩy sản phẩm ra cùng một lúc. Điều này dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường trong nửa cuối năm nay. 


Hà Lê