|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Vốn ngoại góp vốn mua cổ phần BĐS giảm mạnh

10:38 | 03/09/2021
Chia sẻ
Vốn đầu tư gián tiếp thông qua đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào hoạt động kinh doanh BĐS trong 8 tháng chỉ đạt 557,4 triệu USD, chưa bằng 1/2 so với con số 1,2 tỷ USD cùng kỳ năm 2020 và giảm 65% so với 1,6 tỷ USD cùng kỳ năm 2019.

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong 8 tháng đầu năm 2021, có 5.163 doanh nghiệp kinh doanh BĐS được thành lập mới tăng 19,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tổng vốn đăng ký của các doanh nghiệp nói trên đạt khoảng 323.385 tỷ đồng giảm 35,5% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Bên cạnh đó, số doanh nghiệp giải thể là 611, giảm 1,5% so với cùng kỳ năm trước; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 1.044, tăng 18%; riêng số doanh nghiệp rời thị trường tạm thời là 1.280 doanh nghiệp, tăng 38,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lĩnh vực bất động sản đã đánh mất vị trí thứ hai trong danh sách các lĩnh vực hút FDI hàng đầu Việt Nam. Trong đó, lượng vốn FDI đăng ký đổ vào lĩnh vực bất động sản chỉ đạt 1,6 tỷ USD, giảm 1,27 tỷ USD (tương đương hơn 44%) so với cùng kỳ năm trước. 

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, lượng vốn FDI thực hiện trong 8 tháng chỉ đạt 1,44 tỷ USD, giảm 15,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Đáng chú ý, vốn đầu tư gián tiếp thông qua đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào hoạt động kinh doanh BĐS trong 8 tháng chỉ đạt 557,4 triệu USD, giảm hơn 50% so với con số 1,2 tỷ USD cùng kỳ năm 2020 và giảm đến 65% so với con số 1,6 tỷ USD năm 2019.

Theo Savills, một trong những nguyên nhân khách khiến lượng vốn ngoại vào BĐS Việt Nam sụt giảm là do dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhiều nước trên thế giới vẫn duy trì biện pháp hạn chế dịch chuyển.

Việt Nam vẫn là địa điểm đầu tư thu hút đối với các nhà đầu tư nước ngoài, có nhiều chủ đầu tư mong muốn chuyển nhượng dự án, tuy nhiên lại không có cơ hội tiếp cận trực tiếp với các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian vừa qua.

Trao đổi với người viết, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) phân tích, theo quy luật chung, nếu một nền kinh tế có thu nhập bình quân đầu người còn dưới 7.000 USD (không tính các quốc gia kém và chậm phát triển) thì tốc độ phát triển của thị trường BĐS sẽ rất mạnh do nhu cầu về nhà ở còn rất cao. Trong khi đó, thu nhập bình quân đầu người tại Việt Nam khoảng 3.000 USD

"Việt Nam hiện vẫn là một trong các quốc gia có tiềm năng lớn về BĐS. Trong thời gian gần đây tầng lớp trung lưu tại Việt Nam đang có xu hướng tăng và nền kinh tế đang dần chuyển sang dịch vụ, công nghiệp nên các nhà đầu tư nước ngoài vẫn quan tâm đến thị trường Việt Nam.

Vốn ngoại rót gần hai tỷ USD vào hoạt động kinh doanh bất động sản - Ảnh 2.

Hơn 5.160 doanh nghiệp kinh doanh BĐS được thành lập mới với tổng vốn đăng ký lên 323.385 tỷ đồng trong 8 tháng năm 2021. (Ảnh: Khải An).

Cũng theo ông Châu, thị trường BĐS tại Việt Nam vốn đã có nội lực, nên khi vốn đầu tư nước ngoài đưa vào thị trường sẽ làm cho nguồn nội lực này thêm mạnh mẽ thúc đẩy thị trường phát triển.

"Tuy nhiên, để nền kinh tế nói chung hay thị trường BĐS nói riêng phát triển trong thời gian tới, Chính phủ cần kiểm soát tốt dịch bệnh hoặc có giải pháp thích nghi với dịch bệnh như nhiều quốc gia trên thế giới đã tiến hành.

Bên cạnh đó, một vấn đề cũng quan trọng không kém việc kiểm soát dịch bệnh là cần tháo gỡ cơ chế, chính sách. Hiện có những vướng mắc ở phạm vi cao đó là Luật.

Các bộ Luật, quy định, nghị định hiện nay vẫn đang chồng chéo gây khó khăn cho nhà đầu tư và vẫn có những vướng mắc tại việc thực thi pháp luật ở một số địa phương", ông Lê Hoàng Châu nhận định.

Khải An