|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Những thương vụ gọi vốn nổi bật của start-up Việt trong năm 2018

00:50 | 28/12/2018
Chia sẻ
Cùng nhìn lại các thương vụ gọi vốn ấn tượng của startup Việt trong năm 2018 trong các lĩnh vực: thương mại điện tử, du lịch trực tuyến, gọi xe, cho vay tiêu dùng và vận tải đường bộ. 
nhung thuong vu goi von noi bat cua start up viet trong nam 2018 Giới startup Mỹ ráo riết gọi vốn để đối mặt với suy thoái

Đứng trên "mỏ vàng" thương mại điện tử: Sendo gọi vốn 51 triệu USD

Trong lĩnh vực thương mại điện tử, Sendo hiện nay là sàn giao dịch TMĐT đứng thứ 4 về lượng truy cập ở Việt Nam, xếp sau Tiki, Lazada và Shopee (theo công bố của Price Insight, tính đến quý III/2018).

Năm 2018 chứng kiến sự đổi ngôi của những sàn TMĐT tại Việt Nam khi Lazada liên tục tuột dốc và đánh mất vị trí dẫn đầu về lượng truy cập vào tay Shopee, còn Tiki biến động nhưng nhìn chung vẫn tăng trưởng, thì lượng truy cập Sendo vẫn đều đều và an toàn ở vị trí thứ 4.

Vào tháng 8 năm nay, chợ thương mại điện tử (TMĐT) Sendo thông báo huy động 51 triệu USD từ 8 nhà đầu tư, bao gồm SBI Holdings, Daiwa PI Partners, SoftBank Ventures Korea. Đây là một trong những vòng gọi vốn lớn nhất đối với giới startup Việt Nam.

Tiki cũng nhận khoản vốn khoảng 50 triệu USD từ trang thương mại điện tử hàng đầu Trung Quốc JD.com vào năm ngoái.

Còn riêng trong năm 2018, “ông lớn” Lazada có mặt tại 6 nước Đông Nam Á nhận khoản tiền 2 tỉ USD từ Tập đoàn Alibaba, với tham vọng bá chủ Đông Nam Á và sẵn sàng trước sự đổ bộ của Amazon vào khu vực.

Thương mại điện tử ở Đông Nam Á thu hút một lượng vốn "khủng" đổ vào, và sẽ giữ vị trí dẫn đầu về quy mô thị trường so với ba lĩnh vực chính còn lại thuộc nền kinh tế Internet khu vực trong những năm tới (gọi xe, truyền thông trực tuyến, du lịch trực tuyến).

Báo cáo về thương mại điện tử do Google và Temasek thực hiện vào năm 2018 cho thấy, dự kiến đến năm 2025, thị trường TMĐT của 6 nền kinh tế chính Đông Nam Á đạt 102 tỉ USD, theo sau là du lịch trực tuyến có giá trị 78 tỉ USD, truyền thông là 31 tỉ USD và gọi xe với 29 tỉ USD. TMĐT là ngành có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất so với các lĩnh vực chính thuộc nền kinh tế internet ở Đông Nam Á.

Riêng ở Việt Nam, không phải ngẫu nhiên mà tỉ phú Jack Ma từng ví von thương mại điện tử tại đất nước 95 triệu dân là một mỏ vàng. Quy mô thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam hiện nay là 2,8 tỉ USD và dự kiến đến năm 2025, đạt 15 tỉ USD, chỉ xếp sau Indonesia (53 tỉ USD) trong khu vực Đông Nam Á.

nhung thuong vu goi von noi bat cua start up viet trong nam 2018

Quy mô thị trường của 4 lĩnh vực chính thuộc nền kinh tế Internet của 6 nước lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Nguồn: Báo cáo e-conomy của Google và Temasek thực hiện vào năm 2018.

Cả hai "ông lớn" Tencent và Alibaba từ Trung Quốc đều đứng sau các sàn giao dịch TMĐT ở Việt Nam: Tencent, thông qua JD và Sea, hỗ trợ Tiki và Shoppee. Còn Lazada, đang hiện diện tại 6 nước, lại nhận sự hậu thuẫn từ Alibaba (nắm 83% cổ phần).

Sendo là sàn TMĐT được hậu thuẫn bởi một doanh nghiệp trong nước - Tập đoàn FPT, và xác định chỉ phục vụ các nhà cung cấp của Việt Nam. Hiện nay, chợ Sendo cung cấp hơn 10 triệu sản phẩm từ 300.000 người bán.

Bên cạnh đó, khác với Lazada, Shoppee hay Adayroi, Tiki đang cạnh tranh để bảo vệ và giành chỗ đứng tại các thành phố lớn, mô hình kinh doanh của Sendo lại tập trung vào những người dùng ở khu vực tỉnh lẻ. Sendo cho biết, họ sẽ sử dụng khoản tiền 51 triệu USD mà họ mới huy động để tiếp cận thị trường gồm 70 triệu dân ở khu vực ngoài hai thành phố lớn Hà Nội và TP HCM.

"Điểm sáng" ngành OTA Việt: Vntrip gọi vốn, được định giá 1.000 tỉ đồng

Năm 2018, giới doanh nghiệp du lịch trực tuyến (Online Travel Agencu - OTA) Việt Nam đón một tin vui.

Vntrip.vn, hệ thống website và ứng dụng đặt phòng khách sạn trực tuyến, gọi vốn thành công từ quỹ đầu tư IHAG Holdings ở Thụy Sĩ. Không tiết lộ giá trị khoản đầu tư, nhưng Vntrip cho biết nhà đầu tư giá trị công ty ở mức 45 triệu USD, tương đương hơn 1.000 tỷ đồng.

Đây là khoản đầu tư tiếp theo mà Vntrip nhận sau vòng gọi vốn Series B từ Hendale Capital vào cuối năm 2017, với giá trị 10 triệu USD. Trước đó vào 2016, Vntrip nhận khoản đầu tư trị giá 3 triệu USD từ Jonh Wu - cựu giám đốc điều hành Alibaba.

Theo báo cáo của Google và Temasek, thị trường du lịch trực tuyến của Việt Nam hiện nay là 3,5 tỉ USD, dự kiến đạt 9 tỉ USD vào năm 2015, và xếp thứ tư về quy mô thị trường so với 6 nền kinh tế lớn trong khu vực Đông Nam Á, dẫn đầu bởi Indonesia.

Còn đối với khu vực 6 nước lớn nhất Đông Nam Á, quy mô thị trường du lịch trực tuyến hiện tại là 30 tỉ USD và đạt con số 78 tỉ USD vào năm 2025.

Vào đầu tháng 10 năm nay, Bloomberg cho biết, kỳ lân du lịch trực tuyến của khu vực Đông Nam Á - Traveloka (Indonesia) cũng đang thực hiện vòng đàm phán để gọi vốn 400 triệu USD. Số tiền mà công ty huy động sẽ dành cho phát triển dịch vụ đặt vé hoà nhạc, công viên giải trí bên cạnh dịch vụ bán máy bay và đặt phòng khách sạn.

Chen chân vào thị trường gọi xe: Ứng dụng thuần Việt nhận vốn từ VinaCapital

Hồi tháng 8, FastGo thông báo nhận vốn đầu tư từ quỹ Vinacapital Ventures. Phía FastGo tiết lộ con số đầu tư nhận được là trên 3 triệu USD.

Ra mắt từ tháng 6/2018, FastGo là ứng dụng gọi xe của người Việt, với sự hậu thuẫn của Tập đoàn công nghệ NextTech. Tới cuối tháng 10, Fastgo có hơn 30.000 đối tác lái xe và hơn một triệu km đường thực hiện thành công. Công ty đang tiếp tục huy động khoản vốn 50 triệu USD với kế hoạch mở rộng ra Đông Nam Á gồm Indonesia và Myanmar.

nhung thuong vu goi von noi bat cua start up viet trong nam 2018
FastGo nhận sự hậu thuẫn của tập đoàn công nghệ Nexttech. Ảnh: FastGo

Năm 2018 là một năm "dồn dập" những thông tin về thị trường gọi xe ở khu vực Đông Nam Á. Xuất phát từ cung cấp dịch vụ đặt xe di chuyển, Grab, Go-Jek tuyên bố chiến lược trở thành siêu ứng dụng hằng ngày, lấn sân vào mảng giao đồ ăn, và cho vay tài chính.

Các đối thủ khổng lồ của Fastgo tại Việt Nam và trong khu vực cũng trải qua một năm "sung túc": Grab gần như hoàn tất việc huy động 3 tỉ USD còn Go-Jek nhận cam kết đầu tư 1,2 tỉ USD.

Báo cáo mà Google và Temasek công bố cho biết, quy mô thị trường gọi xe trực tuyến tại 6 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á (bao gồm mảng gọi xe di chuyển và đặt đồ ăn) hiện nay đạt giá trị 8 tỉ USD, và dự kiến đạt 72 tỉ USD vào năm 2015, có tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm là 39%.

Ở Việt Nam, thị trường gọi xe hiện tại có quy mô 0,5 tỉ USD, và dự kiến đạt 2 tỉ USD vào 2025, là nước có quy mô thị trường xếp sau cùng trong khu vực 6 nước lớn nhất của Đông Nam Á.

Cho vay tiêu dùng "còn nhiều đất diễn": Mô hình cầm đồ F88 được định giá 1.000 tỉ đồng

Vào cuối tháng 11 năm nay, F88 cho biết với khoản đầu tư từ Grabite Oak Advisors, công ty được định giá khoảng 43,5 triệu USD (gần 1.000 tỉ đồng).

Trước đó, vào đầu 2017, quỹ Mekong Enterprise Fund III (MEF III) thuộc Công ty quản lí quỹ Mekong Capital cũng rót tiền cho F88.

Ra đời từ năm 2013, F88 là công ty đầu tiên thiết lập chuỗi cửa hàng cầm đồ chuyên nghiệp, cung cấp các dịch vụ cho vay thế chấp các loại tài sản như: ô tô, xe máy, điện thoại, laptop…

Ông Phùng Anh Tuấn, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành (CEO) của F88 từng chia sẻ công ty đã gặp rất nhiều khó khăn ban đầu, do xã hội có định kiến xấu về hoạt động cầm đồ. Tuy nhiên, F88 với mô hình kinh doanh cầm đồ kiểu mới mong muốn tạo nên một kênh tiếp cận tài chính nhanh chóng, tiện lợi và an toàn cho khách hàng.

Công ty hiện tại có 45 cửa hàng tại miền Bắc và đang mở rộng ra khu vực TP HCM với ba cửa hàng. F88 đặt mục tiêu mở 300 cửa hàng khắp cả nước đến năm 2021. Trong năm 2017, chuỗi đã cho vay khoảng 600 tỉ đồng và con số này đạt khoảng 1 tỉ đồng vào cuối năm nay.

Về thương vụ đầu tư vào F88, giám đốc của Granite Oak, ông Simon Wagner, chia sẻ: “Thị trường cho vay tiêu dùng ở Việt Nam mới phát triển, có độ phân tán cao và có quy mô lớn để tăng trưởng. Chúng tôi quyết định đầu tư vào F88 để mở rộng quy mô công ty này, thúc đẩy sự tăng trưởng”.

Cho vay tiêu dùng tại Việt Nam vẫn thấp hơn những nước khác ở khu vực Đông Nam Á. Trong hai năm qua, chỉ số cho vay tiêu dùng (Consumer Borrowing Index) của Việt Nam thấp nhất trong khu vực mặc dù lại có chỉ số về thu nhập và tiêu dùng cao nhất.

Theo khảo sát của Financial Times, cho vay tiêu dùng ở Việt Nam vẫn còn ở mức thấp, trong khi tiềm năng của thị trường còn khá lớn với nhu cầu chi tiêu tăng mạnh, số lượng người chưa tiếp cận với dịch vụ tài chính còn nhiều.

Vận tải đường bộ: “Uber của xe tải” với hai lần gọi vốn thành công trong năm 2018

Ra đời vào tháng 9/2017, Logivan là nền tảng công nghệ kết nối trực tiếp chủ hàng và chủ xe, giúp các doanh nghiệp tối ưu chi phí và thời gian cho dịch vụ logistic.

Hiện nay, Logivan đã kết nối với hơn 6.000 tài xế xe tải. Được mệnh danh “Uber của xe tải”, startup này còn được công nhận là “Công ty khởi nghiệp tốt nhất” trong PITCH 2018 tại RISE 2018, hội nghị công nghệ thượng đỉnh châu Á.

Vào đầu tháng 4 năm nay, Loginvan nhận được 600.00 USD từ quỹ Singapore. Sau đó khoảng 4 tháng, startup này tiếp tục được đầu tư 1,75 triệu USD từ VinaCapital. Với khoản vốn mới, Logivan sẽ mở rộng dịch vụ tại TP HCM, Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng, đồng thời nâng cấp các sản phẩm để phục vụ các công ty logistics lớn và tạo sự minh bạch trong việc theo dõi và quản lý xe tải.

Phạm Khánh Linh, đồng sáng lập kiêm giám đốc của Logivan cho biết, quy mô vận tải hàng hóa đường bộ Việt Nam năm 2017 đạt khoảng 9 tỉ USD với một tỉ tấn hàng hóa, trong đó phương tiện xe tải đạt số lượng hơn một triệu xe và tốc độ tăng trưởng trung bình của thị trường đạt 9,5%. Đây là mảnh đất màu mỡ để các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực kết nối trung gian có thể tìm cơ hội.

Xem thêm

Tuệ An