Những quán quân về biên lợi nhuận trong VN30: 'Buôn' gì cho lãi lớn?
Cổ phiếu VN30 trong 10 tháng đầu năm: VIC sinh lợi khủng, ROS tụt dốc không phanh, HSG gia nhập CLB 'dưới mệnh giá' |
Trong quý III vừa qua, CTCP Chứng khoán SSI (Mã: SSI) đạt 511 tỉ đồng lợi nhuận gộp (= Doanh thu hoạt động - Chi phí hoạt động) và 348 tỉ đồng lợi nhuận ròng, tương ứng với biên lợi nhuận gộp và lợi nhuận ròng lần lượt là 72,8% là 43,2%. Đây đều là những mức cao nhất trong nhóm doanh nghiệp phi ngân hàng của rổ chỉ số VN30.
Các công ty chứng khoán lớn khác (không nằm trong VN 30) cũng có tỉ lệ biên lợi nhuận khá cao. Cụ thể như CTCP Chứng khoán TP HCM (HSC) có biên lợi nhuận gộp 50%, biên lợi nhuận ròng 31,4%. Với chứng khoán VNDirect, các tỉ lệ này lần lượt là 81% và 31%.
Có thể một phần lí do của hiện tượng này là các công ty chứng khoán đầu ngành có lợi thế về quy mô và thương hiệu so với các đối thủ cạnh tranh, đồng thời lại không phải chi tiêu quá nhiều cho dây chuyền máy móc hay nhà xưởng như các doanh nghiệp sản xuất khác nên tiết kiệm được một phần lớn chi phí.
Nguồn: Song Ngọc tổng hợp. |
Tỉ lệ biên lợi nhuận gộp = Lợi nhuận gộp/Doanh thu thuần Tỉ lệ biên lợi nhuận ròng = Lợi nhuận sau thuế/Doanh thu thuần Đối với công ty chứng khoán và ngân hàng, do kết cấu báo cáo kết quả kinh doanh khác với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh khác nên công thức có tính có một số thay đổi. Cụ thể với công ty chứng khoán: Tỉ lệ lợi nhuận gộp = Lợi nhuận hoạt động/Doanh thu hoạt động Trong lợi lợi nhuận hoạt động = Doanh thu hoạt động - Chi phí hoạt động Tỉ lệ lợi nhuận ròng = Lợi nhuận sau thuế/Doanh thu thuần Với ngân hàng: Tỉ lệ lợi nhuận ròng = Lợi nhuận sau thuế/Tổng thu nhập hoạt động |
Trong nhóm các doanh nghiệp sản xuất, CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk – Mã: VNM) và CTCP Dược Hậu Giang (Mã: DHG) dẫn đầu về tỉ suất biên lợi nhuận gộp với giá trị đạt lần lượt 47,3% và 46,1%. Đây đều là hai doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực tương ứng là sản xuất kinh doanh thực phẩm và dược phẩm.
Cùng trong ngành thực phẩm nhưng CTCP Mía đường Thành Thành Công – Biên Hòa (Mã: SBT) chỉ đạt biên lãi gộp 5,6%.
Xét về biên lợi nhuận ròng, CTCP Tập đoàn đầu tư Địa ốc No Va (Novaland - Mã: NVL) và CTCP Cơ Điện Lạnh (Mã: REE) dẫn đầu với tỉ lệ khoảng 26-27%. CTCP Gemadept thuộc lĩnh vực vận tải đường thủy và kho bãi bám sát phía sau với tỉ lệ gần 25%.
Đáng chú ý, REE có biên lợi nhuận ròng lớn hơn cả biên lợi nhuận gộp do trong quý III công ty ghi nhận hơn 197 tỉ đồng lãi đầu tư tài chính vào các công ty liên doanh, liên kết, giúp cho cho lợi nhuận ròng cao hơn lợi nhuận gộp (312 tỉ đồng so với 295 tỉ đồng).
Đây là hiện tượng thường thấy ở REE, trong quý I và II năm nay, biên lợi nhuận ròng của REE cũng lớn hơn đáng kể so với biên lợi nhuận gộp. Một số khoản đầu tư lớn của REE như CTCP Nhiệt điện Quảng Ninh, Nhiệt điện Hải Phòng hay CTCP Sonadezi Châu Đức.
Novaland cũng có biên lợi nhuận ròng quý III cao hơn biên lợi nhuận gộp nguyên nhân cũng là từ khoản thu nhập từ công ty liên doanh liên kết trị giá gần 815 tỉ đồng. Các khoản đầu tư lớn của Novaland bao gồm việc góp vốn vào CTCP Thạnh Mỹ Lợi (5.445 tỉ đồng), CTCP Phát triển Đất Việt (1.813 tỉ đồng) và CTCP Kinh doanh BĐS Thái Bình (556 tỉ đồng).
Kết quả lợi nhuận ròng trong quý III này là trường hợp đột biến, ba quý trước đây lợi nhuận ròng của Novaland đều nhỏ hơn đáng kể so với lợi nhuận gộp.
Trong khi nhiều công ty báo lãi lớn thì CTCP Tập đoàn Hoa Sen là doanh nghiệp duy nhất trong nhóm VN30 báo lỗ trong kì kinh doanh 1/7-30/9/2018.
Cụ thể, trong quý vừa qua Hoa đạt doanh thu thuần 8.566 tỉ đồng, tăng 23,5% so với cùng kì năm trước. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán tăng mạnh nên lợi nhuận gộp giảm 36% còn 723,8 tỉ đồng. Chi phí lãi vay tăng 54% lên gần 235 tỉ đồng khiến cho Hoa Sen lỗ 102 tỉ đồng, trong khi cùng kì năm trước lãi 258 tỉ đồng. Đây là quý thua lỗ đầu tiên của Hoa Sen trong 8 năm qua.
Mới đây, Hoa Sen đã bán hai lô đất tại quận 9, TP HCM để thu về gần 140 tỉ đồng và đóng cửa hai chi nhánh ở Bình Dương và Tiền Giang.
Một doanh nghiệp ngành thép là Tập đoàn Hòa Phát khác lại tỏ ra đang “sống khỏe”. Với biên lợi nhuận gộp và biên lợi nhuận ròng lần lượt là 23% và 17%, cùng cải thiện so với mức 20,2% và 15,4% của quý II năm nay.
Hai công ty trong lĩnh vực xây dựng là Coteccons (Mã: CTD) và FLC Faros (Mã: ROS) đạt biên lợi nhuận gộp khiêm tốn khoảng 7%.
Ở nhóm ngân hàng, Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank - Mã: MBB) tỏ ra là đơn vị kiểm soát chi phí hiệu quả nhất khi đạt tỉ lệ lợi nhuận ròng 36,7%. Theo sau là hai ngân hàng thuộc sở hữu Nhà nước Vietcombank và VietinBank. Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - Mã: STB) đứng cuối cảng khi chỉ đạt tỉ lệ lợi nhuận ròng 5,53%.
Song Ngọc tổng hợp từ báo cáo tài chính các doanh nghiệp. |