Lợi nhuận công ty chứng khoán quý III: Kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra
Ủy ban chứng khoán yêu cầu công ty chứng khoán đảm bảo hệ thống giao dịch |
VNDirect: Thực hiện chưa đầy 50% kế hoạch lợi nhuận sau ba quý, tài sản tăng 34% so với đầu năm |
Các công ty chứng khoán trong khảo sát:CTCP Chứng khoán Sài Gòn (Mã: SSI) CTCP Chứng khoán TP HCM (Mã: HCM) CTCP Chứng khoán VNDirect (Mã: VND) CTCP Chứng khoán Bản Việt (Mã: VCI) CTCP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (Mã: SHS) CTCP Chứng khoán Ngân hàng BIDV (Mã: BSI) CTCP Chứng khoán MB (Mã: MBS) CTCP Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam (Mã: CTS) CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC – Mã: VDS) |
CTCP Chứng khoán SSI, công ty lớn nhất về qui mô tài sản và vốn điều lệ, cũng đồng thời dẫn đầu về giá trị nhiều khoản mục doanh thu và chi phí.
Ở khoản mục doanh thu hoạt động, SSI bỏ xa hai đối thủ đứng kế sau là Chứng khoán TP HCM và Chứng khoán Bản Việt. Tốc độ tăng trưởng doanh thu hoạt động của SSI so với cùng kì năm ngoái là 38% cũng cao hơn đa số các công ty khác, chỉ chịu kém tỉ lệ cao đột biến 252% của Chứng khoán Ngân hàng VietinBank (CTS).
Ngược lại, một số công ty chứng khoán có doanh thu hoạt động sụt giảm như Chứng khoán Rồng Việt (VDS), Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Hà Nội (SHS) hay Chứng khoán Bản Việt (VCI).
Song Ngọc tổng hợp từ báo cáo tài chính quý III hợp nhất. |
Các cấu phần chính tạo nên doanh thu hoạt động bao gồm Lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (Lãi FVTPL), doanh thu nghiệp vụ môi giới và lãi từ các khoản cho vay và phải thu
Ở khoản mục lãi FVTPL, SSI đứng đầu về giá trị tuyệt đối 170 tỉ đồng. Tuy nhiên tốc độ tăng trưởng của SSI khá khiêm tốn ở 23%, một lần nữa kém rất xa tỉ lệ tăng trưởng 871% của CTS. Ngoài ra, CTS còn vượt mặt nhiều đối thủ lớn hơn như VND, HCM, VCI với giá trị lãi 136 tỉ đồng.
Một số công ty chứng khoán khác cũng có tốc độ tăng trưởng lãi FVTPL cao là Chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSI) và Chứng khoán MB (MBS).
Chứng khoán Rồng Việt đứng cuối bảng về giá trị lãi FVTPL – chỉ vỏn vẹn 4 tỉ đồng, giảm 85% so với cùng kì.
Song Ngọc tổng hợp từ báo cáo tài chính quý III hợp nhất. |
Ở mảng môi giới, vẫn là SSI đứng đầu với giá trị tuyệt đối doanh thu 223 tỉ đồng, tăng trưởng 32%. Một số công ty khác có mức tăng trưởng mạnh hơn là HCM (35%), VNDirect (30%), MBS (38%). CTS đứng cuối về giá trị doanh thu – chỉ 12 tỉ đồng nhưng tốc độ tăng trưởng cũng lên tới 38%. SHS và VCI có doanh thu môi giới giảm sâu nhất trong nhóm được khảo sát, lần lượt là 21% và 11%.
Song Ngọc tổng hợp từ báo cáo tài chính quý III hợp nhất. |
4 công ty chứng khoán đứng đầu về giá trị lãi từ các khoản cho vay và phải thu là SSI, HCM, VNDirect và VCI. Đây cũng là 4 công ty có giá trị cho vay (ứng trước tiền bán, cho vay kí quỹ margin) tại thời điểm cuối quý III lớn nhất. Chẳng hạn SSI có dư nợ gần 5.430 tỉ đồng, HCM cho vay 4.334 tỉ đồng, VND cho vay 3.384 tỉ đồng và VCI cho vay 4.074 tỉ đồng.
CTS chỉ thu về 22 tỉ đồng từ lãi cho vay và phải thu, nhưng tốc độ tăng trưởng so với cùng kì khá ấn tượng ở mức 34%. Dư nợ cho vay thời điểm 30/9/2018 của CTS cũng tăng trưởng xấp xỉ 35% so với thời điểm một năm trước đó (775 tỉ đồng so với 575 tỉ đồng).
Song Ngọc tổng hợp từ báo cáo tài chính quý III hợp nhất. |
Bên phía chi phí hoạt động, SSI dẫn đầu về giá trị với 238 tỉ đồng, HCM bám sát theo sau với 209 tỉ đồng. Tuy nhiên so với cùng kì năm ngoái, chi phí hoạt động của SSI giảm 28% - mạnh nhất trong số các công ty khảo sát, trong khi đó chi phí của HCM tăng 44%.
Song Ngọc tổng hợp từ báo cáo tài chính quý III hợp nhất. |
Một trong các yếu tố gây ra diễn biến trái chiều trong chi phí hoạt động của HCM và SSI là khoản lỗ FVTPL. Trong khi khoản mục này của SSI giảm 73% còn 35,6 tỉ đồng thì của HCM lại tăng gần 5 lần lên 53 tỉ đồng. VCI có lỗ FVTPL tăng tới hơn 15 lần nhưng giá trị tuyệt đối chỉ 12,5 tỉ đồng, tương đối nhỏ so với khoản lão FVTPL 115 tỉ đồng.
Song Ngọc tổng hợp từ báo cáo tài chính quý III hợp nhất. |
Chi phí nghiệp vụ môi giới của SSI và HCM dẫn đầu với giá trị lần lượt là 151 tỉ đồng và 95 tỉ đồng. Nhớ lại thấy VCI có doanh thu nghiệp vụ môi giới đứng thứ hai với giá trị 167 tỉ đồng nhưng chi phí nghiệp vụ môi giới chỉ đứng thứ tư với giá trị 70 tỉ đồng.
Song Ngọc tổng hợp từ báo cáo tài chính quý III hợp nhất. |
Về lợi nhuận quý III, SSI dẫn đầu bảng xếp hạng với lãi ròng 378 tỉ đồng, tăng 75% so với cùng kì năm 2017. Kết quả này là hợp lí khi doanh thu hoạt động của SSI tăng 38% trong khi chi phí hoạt động được kiểm soát tốt và giảm 28%. Hai công ty có tốc độ tăng trưởng lãi ròng “phi mã” nhất là CTS (1.372%) và MBS (697%). Tuy nhiên do quy mô còn nhỏ so với các đàn anh nên CTS và MBS chỉ đứng thứ 6 và thứ 7 về con số tuyệt đối.
Song Ngọc tổng hợp từ báo cáo tài chính quý III hợp nhất. |
Lãi ròng của VNDirect trong quý III gần như không đổi so với cùng kì năm ngoái. Tính chung ba quý đầu năm, công ty đạt lợi nhuận ròng gần 330 tỉ đồng, giảm 2,6% so với cùng kì. So với mục tiêu lãi sau thuế 680 tỉ đồng của cả năm, VNDirect mới thực hiện 48,5%. Sau khi công bố kết quả kinh doanh quý III không tăng trưởng, cổ phiếu VND của VNDirect đã lập tức có một phiên giảm sàn vào ngày 22/10.
Chứng khoán Rồng Việt (VDS) tiếp tục có một quý làm ăn không thành công khi chỉ đạt 22 tỉ đồng lãi ròng, giảm 9% so với cùng kì. Trong quý II, lãi ròng của VDS cũng đã giảm tới 85%. Theo giải thích của VDS khi đó, thị trường điều chỉnh giảm mạnh trong kỳ đã tác động tiêu cực đến kinh doanh của công ty, đặc biệt là hoạt động tự doanh và kinh doanh môi giới.