|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Những 'ngôi sao' thị trường nông sản năm 2023

07:00 | 10/02/2024
Chia sẻ
Trong năm 2023, nhiều mặt hàng nông sản chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ của giá cả. Hình thái thời tiết El Nino ảnh hưởng tới sinh trưởng cây trồng trên thế giới, dẫn đến sản lượng suy giảm. Trong khi đó, nhu cầu vẫn duy trì ổn định khiến giá nhiều mặt hàng tăng cao kỷ lục.

Giá cà phê vượt đỉnh mọi thời đại

Năm 2023 đánh dấu sự trở lại của giá cà phê robusta (hiện chiếm trên 90% sản lượng cà phê Việt Nam) khi thiết lập ngưỡng kỷ lục mới cả ở thị trường trong nước và thế giới. Theo đó, lần đầu tiên trong lịch sử giá cà phê robusta thế giới vượt mốc 2.700 USD/tấn. Ở thị trường nội địa, giá cũng thiết lập ngưỡng kỷ lục mới trên 70.000 đồng/kg - mức giá mà nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cho rằng là “điều không thể tưởng tượng nổi”. Chỉ trong vòng 1 năm, giá cà phê nội địa tăng khoảng 70- 75%.

 Giá cà phê robusta nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên từ đầu năm 2022 đến ngày 12/1/2024

Giá mặt hàng này chịu sức ép dư cung của nhiều năm trước đó khiến người trồng thua lỗ. Một số hộ thậm chí bỏ cây cà phê và chuyển sang loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn như sầu riêng, bơ, chanh leo. Điều này khiến diện tích cây cà phê và sản lượng bị thu hẹp.

Theo Hiệp hội Cà phê – Cacao Việt Nam (VICOFA), mặc dù giá cà phê trong năm 2023 tăng cao nhưng diện tích trồng khó tăng do nhiều nơi đã chuyển đổi để trồng sầu riêng, trái cây. Nhìn chung do giá những năm qua xuống quá thấp nên trừ các công ty và một số hợp tác xã, người nông dân chưa đầu tư nhiều cho cây cà phê. 

Theo số liệu của VICOFA, sản lượng cà phê robusta của Việt Nam trong niên vụ 2022-2023 ước tính giảm 10 -15% so với niên vụ trước đó xuống còn khoảng 1,5 triệu tấn do ảnh hưởng bởi thời tiết không thuận lợi và làn sóng chuyển dịch cây trồng sang các loại cây ăn trái, đặc biệt là sầu riêng, bơ và chanh leo. 

Sản lượng thu hẹp, tồn kho vụ cũ chuyển qua vụ mới thấp nhất qua các năm. Niên vụ trước, tồn kho cuối vụ vào tháng 9/2022 khoảng 160.000 tấn nhưng năm nay chỉ chưa bằng một nửa, ở mức 58.000 tấn. 

Trong niên vụ 2023 - 2024, sản lượng cà phê được dự báo tiếp tục giảm khoảng 10%. Trong khi đó, nhu cầu hạt robusta của thế giới năm nay tăng đột biến trong bối cảnh nền kinh tế suy yếu, người tiêu dùng có xu hướng tìm đến cà phê có mức giá rẻ. Hạt robusta có vị đắng và hàm lượng caffein cao hơn nhiều so với arabica, đồng thời, giá cũng rẻ hơn, thường dùng để sản xuất cà phê hoà tan hoặc phối trộn với arabica để tiết giảm chi phí.

Giá hồ tiêu tăng mạnh 

Cũng giống như cà phê, giá tiêu phục hồi mạnh trong năm 2023 sau nhiều năm duy trì ở mức thấp, dưới giá thành sản xuất. So với hồi đầu năm, giá tiêu tăng khoảng 35%. 

Mặt hàng này từng được coi là “vàng đen” khi có giá lên tới trên 200.000 đồng/kg cách đây 10 năm. Nhưng sau đó, giá tiêu lao dốc, có lúc xuống dưới 40.000 đồng/kg do áp lực dư cung. Năm nay, giá tiêu đã phục hồi lên trên 70.000 đồng/kg, mức người dân bắt đầu có lãi. 

 Diễn biến giá tiêu đen tại các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam Bộ từ năm 2022 đến ngày 15/1/2024 (Đơn vị: đồng/kg. Nguồn: Giatieu.com)

Nguyên nhân của đà tăng này đến từ nguồn cung bị thu hẹp do người dân chuyển sang các loại cây trồng khác. Bên cạnh đó, nhu cầu của Trung Quốc tăng mạnh sau khi mở cửa trở lại. Xuất khẩu tiêu sang Trung Quốc trong năm 2023 tăng gần gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái lên hơn 60.135 tấn. 

Trong khi đó, xu hướng nguồn cung bị thắt chặt được cho là sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới. Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho biết, sản lượng tiêu niên vụ 2023 - 2024 dự kiến giảm 10 - 15% xuống 160.000-165.000 tấn do xu hướng chuyển sang trồng các loại cây ăn quả khác có hiệu quả kinh tế hơn. 

Việc diện tích giảm được dự báo sẽ tác động đến giá tiêu trong đầu năm tới. Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV XNK 2-9 Đắk Lắk (Simexco) cho rằng, mức giá 85.000 - 90.000 đồng/ kg trong năm 2024 là khả thi.

Ông Huy lý giải không chỉ Việt Nam mà sản lượng của nhiều nước trồng tiêu như Ấn Độ, Brazil được dự báo cũng sẽ không khả quan do ảnh hưởng bởi hình thái thời tiết xấu El Nino. Trong khi đó, thời điểm quý I/2024, tồn kho cạn, lượng mưa của các nước phương Tây có thể dồn cùng một lúc, giúp đẩy giá tiêu trong nước tăng trở lại. Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch VPA, dự báo trong quý IV, xuất khẩu tiêu sẽ phụ thuộc vào lượng hàng tồn kho từ các năm trước chuyển sang. Hiện tại, Việt Nam đã xuất khẩu hết sản lượng thu hoạch năm 2023, một phần xuất khẩu được lấy từ lượng nhập khẩu cũng như tồn kho từ năm trước.

Giá gạo cao kỷ lục 

Không giống như tiêu và cà phê, mặc dù sản lượng lúa gạo của Việt Nam vẫn duy trì ổn định trong năm nay nhưng giá gạo lại tăng kỷ lục (cả giá xuất khẩu lẫn gạo nguyên liệu) sau khi Ấn Độ ban hành loạt lệnh hạn chế xuất khẩu. Điều này khiến các nước nhập khẩu phải tìm đến các nguồn cung thay thế trong đó có Việt Nam và Thái Lan. 

Giá gạo Việt Nam thậm chí bỏ xa so với giá gạo Thái Lan. Tính đến ngày 7/12/2023, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đạt 658 USD/tấn, trong khi của Thái Lan là 623 USD/tấn. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong tháng 11/2023 Việt Nam đã xuất khẩu 700.000 tấn gạo, tương ứng 462 triệu USD, tăng 19% về lượng và tăng 60% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. 

Trong năm 2023, xuất khẩu gạo đạt hơn 8,1 triệu tấn, tương ứng 4,67 tỷ USD, tăng 14,4% về lượng và tăng 35,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Đây cũng là giá trị xuất khẩu gạo cao kỷ lục, ít nhất kể từ năm 2009 đến nay. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng xuất khẩu mặt hàng này có thể đạt gần 8 triệu tấn trong năm nay.

 Xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn từ năm 2009 - 2023 (Nguồn: Số liệu từ Tổng cục Hải quan).

Tuy nhiên, với một số doanh nghiệp xuất khẩu, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cao kỷ lục chưa hẳn là lợi thế. 

Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch VFA, cho biết thời gian qua, giá gạo Việt Nam tăng nóng khiến một số doanh nghiệp xuất khẩu có năng lực kinh tế yếu rơi vào thua lỗ, phải hủy hợp đồng. Nhiều doanh nghiệp lớn phải chấp nhận mua hàng giá cao để kịp giao, giữ uy tín với khách hàng. Đây là nguyên nhân chính đẩy giá gạo tăng cao. 

“Giá gạo tăng nóng còn do các nhà cung ứng tác động. Mỗi khi giá gạo nhích lên một chút, họ đẩy giá lên thêm và kết quả là giá gạo Việt Nam đang cao ở mức kỷ lục. Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam đã quen ký các hợp đồng giao xa nên bây giờ đa phần lo mua gạo để giao cho đối tác”, Chủ tịch VFA nói. 

Ông Nam cho rằng giá gạo Việt Nam tăng quá cao chưa hẳn là lợi thế vì khi giá cao khách hàng sẽ tìm đến thị trường khác có giá tốt hơn mà chất lượng tương đương.

Đường 'rũ bùn đứng dậy'

Giống như một số mặt hàng nông sản khác, giá đường chịu sức ép nguồn cung lớn trong thời thời gian dài. Tại Việt Nam, thị trường còn chịu áp lực từ đường nhập lậu và lẩn tránh thuế với giá rẻ. Tuy vậy, động thái siết chặt nguồn cung từ hai nước xuất khẩu lớn là Thái Lan và Ấn Độ đi kèm với ảnh hưởng bởi thời tiết xấu đã khiến giá đường thế giới tăng mạnh.

Tính đến giữa tháng 11/2023, giá đường thế giới giao dịch quanh mức đỉnh 10 năm, đạt 27 US cent/pound. Tại thị trường trong nước, giá đường phục hồi khoảng 15% trong 10 tháng 2023 lên trung bình 22.000 - 23.000 đồng/kg. Nhiều công ty cũng đã thông báo tăng giá thu mua mía nguyên liệu. Mức giá trung bình niên vụ 2023 - 2024 khoảng 1,1 - 1,3 triệu đồng/tấn, tăng 6% so với niên vụ trước đó. 

Ngoài ra, một số nhà máy có chính sách khác để khuyến khích người trồng như tăng giá cho mía có độ đường cao, thưởng tiền cho nông dân tuân thủ hợp đồng bán toàn bộ mía cho công ty. 

Trong niên vụ 2023-2024, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã khuyến cáo các nhà máy tiếp tục tăng giá mua bảo đảm nông dân có thu nhập tương đương hoặc cao hơn so với cây trồng cạnh tranh chính tại các vùng nguyên liệu. Trước đó, giá đường và mía thấp kéo dài do ảnh hưởng bởi đường nhập lậu và đường nhập khẩu giá rẻ khiến nhiều nông dân chuyển sang trồng các loại cây khác có hiệu quả hơn. 

Ông Nông Văn Thuyết, Chủ tịch HĐQT CTCP Mía đường Cao Bằng, cho biết công ty đã mất khoảng 35% vùng nguyên liệu sau khi nhiều hộ chuyển sang trồng loại cây khác khi giá mía thấp trong giai đoạn 2018 - 2020 và đối diện với nạn thương lái tranh mua mía từ nông dân. 

Do đó, để duy trì vùng nguyên liệu, công ty đã bắt đầu tăng giá mía từ vụ 2021 - 2022 và duy trì đến niên vụ 2023 - 2024. Năm nay, giá mua mía đã cao hơn 6,5% so với niên vụ trước lên khoảng 1,3 triệu đồng/tấn (đối với mía loại 1).

Trích Đặc san Doanh nhân Việt Nam số Đặc biệt Xuân Giáp Thìn

 

Đức Quỳnh

Vàng, đô và lãi suất: Ý nghĩa như thế nào với kinh tế Việt Nam?
Tỷ giá USD/VND đã tăng 4,5% so với đầu năm, cao hơn 1% so với mức mất giá bình quân dưới 3,5% trong gần 1 thập kỷ. Điều này đã gây sức ép lớp lên các nhà điều hành phải đưa ra một loạt các chính sách kết hợp nhằm ngăn chặn sự giảm giá của đồng VND, tạo ra những tác động nhất định lên thị trường tài chính.