|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Những ngành từng hốt bạc trong ngành thương mại điện tử Việt Nam đều chịu tổn thất trong quí I bởi COVID-19

03:34 | 29/04/2020
Chia sẻ
Trong khi chăm sóc sức khỏe và bách hóa tổng hợp là hai mảng "thăng hoa" bởi dịch viêm phổi cấp COVID-19, những ngành từng là "gà đẻ trứng vàng" của thương mại điện tử Việt Nam như thời trang và điện máy lại sa sút mạnh.

Website tìm kiếm và so sánh giá iPrice Group cùng công ty đo lường SimilarWeb công bố Bản đồ Thương mại Điện tử Việt Nam Quý 1 năm 2020, thống kê lượng truy cập của nhóm 50 trang thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam.

Tiki trở lại hạng hai

Báo cáo của iPrice Group tiết lộ Tiki đã trở lại vị trí số 2 trong số các sàn TMĐT Việt Nam sau hai quí đứng sau Sendo. Sau 3 tháng đầu năm, web của Tiki đạt 23,99 triệu lượt truy cập / tháng, giảm nhẹ 500 nghìn lượt/tháng so với quý 4/2019 nhưng vẫn rất ổn định nếu so với hai đối thủ Lazada Việt Nam và Sendo.

Lượng truy cập vào website của Lazada Việt Nam và Sendo trong quý 1 lần lượt giảm 7,3 triệu lượt / tháng và 9,6 triệu lượt / tháng so với quý trước. Hai sàn cũng lần lượt xếp sau Tiki.

Vị trí số một toàn quốc vẫn thuộc về Shopee Việt Nam với 43,16 triệu lượt truy cập website/tháng. Shopee Việt Nam còn tăng thêm 5,2 triệu lượt truy cập website/tháng so với quý trước. Đây cũng là quý thứ ba liên tiếp Shopee Việt Nam đạt tăng trưởng về lượng truy cập website.

Thương mại điện tử mùa dịch: thời cơ tốt nhưng không dễ nắm bắt - Ảnh 1.

Lượt truy cập website của các sàn TMĐT từ Q1/2019 đến Q1/2020. Nguồn: iPrice

Như vậy, lượng truy cập vào website của các sàn TMĐT, trừ Shopee, trong quí I giảm trung bình 9% so với cùng kỳ năm 2019.

Theo iPrice Group, một phần nguyên nhân là do trong mùa dịch, các sàn TMĐT tiết chế các hoạt động quảng cáo và khuyến mãi, đẩy mạnh livestream và game trên ứng dụng và mạng xã hội nhằm tận dụng tình trạng người dân ở nhà và có nhiều thời gian ngồi trước màn hình để tăng tương tác, tăng độ gắn kết với khách hàng, đồng thời thử nghiệm tính năng mới.

Bên cạnh đó, một nguyên nhân nữa là nhu cầu mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng trong mùa dịch thay đổi liên tục và khó đoán trước.

Thương mại điện tử biến đổi vì dịch

Dữ liệu của iPrice Group cho thấy, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 mà một số ngành hàng trực tuyến trở nên "nóng sốt" trong quí I.

Chăm sóc và bảo vệ sức khỏe là ngành hưởng lợi đầu tiên. Trong tháng 2, nhu cầu tìm mua trực tuyến cho các sản phẩm khẩu trang và nước rửa tay khô lần lượt tăng đến 610% và 680% so với tháng 1.

Đến tháng 3, khi người tiêu dùng ở nhà tránh dịch nhiều hơn thì đến lượt ngành bách hóa trực tuyến lên ngôi. Lượng truy cập vào website của Bách Hóa Xanh trong quí này đã tăng 49% so với quý 4/2019.

Điều đáng lưu ý là trước đây, bách hóa trực tuyến không phải là tâm điểm của thị trường TMĐT Việt Nam. Trong nhóm 50 trang thương mại điện tử hàng đầu ở Việt Nam, người ta chỉ thấy hai trang chuyên doanh hàng tạp hóa là Bách Hóa Xanh và BigC, ít hơn nhiều so với 10 web ngành hàng di động và 7 web ngành hàng thời trang.

Ngược lại, các ngành trước đây là "gà đẻ trứng vàng" của TMĐT Việt Nam như thời trang và điện máy lại chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19.

Trong 3 tháng đầu năm, các website ngành thời trang trong Bản đồ thương mại điện tử Việt Nam giảm trung bình 38% lượt truy cập so với quí trước. Tương tự, lượt truy cập vào các website ngành điện máy trong tháng 2 giảm 17% so với tháng 1. Điều may mắn là sang tháng 3, nhu cầu mua laptop, webcam, microphone, màn hình tăng để phục vụ học tập và làm việc tại nhà nên ngành này đã hồi phục.

Thương mại điện tử mùa dịch: thời cơ tốt nhưng không dễ nắm bắt - Ảnh 2.

Chỉ sau khi các sàn bắt đầu chuyển dịch mặt hàng theo các nhu cầu mới của thị trường thì đến cuối quý 1, lượng truy cập vào website của các sàn mới đồng loạt tăng trở lại, cho thấy những dấu hiệu khởi sắc cho TMĐT thời gian tới.

Như vậy, chỉ sau 3 tháng đầu năm, thị trường TMĐT đã trả qua nhiều biến chuyển do ảnh hưởng của Covid-19. Sự xáo trộn vừa mang đến các cơ hội mới, vừa đặt ra thách thức cho các sàn và các website TMĐT, đòi hỏi họ phải nhanh nhậy và luôn sẵn sàng thay đổi.

Ví dụ, một số web mỹ phẩm bán thêm khẩu trang và nước rửa tay khô. Kết quả cho thấy lượt truy cập vào các web đó trong qúi I tăng trung bình 32% so với quý 4/2019. Lượt truy cập các web thuần bán mĩ phẩm chỉ tăng trung bình 10%.

Trong khi đó, mãi đến tận tháng 3, bốn sàn TMĐT hàng đầu Việt Nam bắt đầu tập trung đẩy mạnh các mặt hàng bách hóa, chăm sóc sức khỏe phục vụ mùa dịch, còn trước đó các ngành hàng thời trang, điện máy, mỹ phẩm chiếm vị trí chủ đạo trên trang chủ và trong các chiến dịch khuyến mãi.

Nhạc Phong