Livestream: Xu hướng thu hút khách hàng mới của các sàn thương mại điện tử ở Việt Nam
Với việc nhiều người dân hạn chế đi lại do tác động của dịch COVID-19, mua sắm online có thể là sự lựa chọn thay thế với người tiêu dùng. Do đó, sự cạnh tranh giữa các sàn thương mại điện tử ngày càng trở nên khốc liệt.
Gần đây, vì nhiều người có thời gian sử dụng internet nhiều hơn, các sàn thương mại điện tử dần tăng tần suất các buổi livestream trên nền tảng.
"Dường như livestream đang thực sự trở thành xu hướng marketing dẫn đầu về tính thực thi và hiệu quả", công ty nghiên cứu thị trường Adsota viết trong ấn phẩm Thích nghi với COVID-19: Ngành bán lẻ và thương mại điện tử.
Theo báo cáo ngành của iPrice, 4 sàn thương mại điện tử hàng đầu tại Việt Nam là Tiki, Lazada, Sendo và Shopee. Đây là những sàn TMĐT mà người mua sử dụng nhiều nhất Việt Nam, đồng thời luôn duy trì khoảng cách với những đối thủ xếp dưới.
Để tạo ra sự khác biệt và tạo điểm nhấn, các thương hiệu liên tục cải tiến số lượng và chất lượng livestream, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu ngành. Các thương hiệu lớn cần tạo ra nội dung mới lạ và nổi bật, qua đó tiếp cận thêm lượng khách hàng tiềm năng.
Dẫn đầu thị trường Việt Nam cả về lượng truy cập website lẫn tần suất sử dụng của người tiêu dùng, Shopee vẫn muốn tạo thói quen truy cập ứng dụng cho khách hàng với chiến dịch "Ở nhà không khó - có Shopee lo".
Các buổi livestream này gần giống như chương trình săn khuyến mãi. Tham gia buổi livestream định kì của Shopee (2 ngày mỗi tuần, mỗi ngày 3 lần), khách hàng có cơ hội săn xu, săn sale vào các khung giờ nhất định, tạo thói quen cho khách hàng.
Với chủ đề "Trò chuyện cùng người nổi tiếng" của Shopee, "người nổi tiếng" có thể thu hút thêm một lượng khán giá là người hâm mộ, tăng khách hàng tiềm năng trên nền tảng.
Lazada tung các buổi livestream vào các ngày trong tuần, với các chủ đề rất rõ ràng, phù hợp với các đối tượng khách quan tâm tới một đối tượng nhất định: LazMusic (cho người yêu âm nhạc), LazLearn (học tập) hay LazCook (nấu ăn).
Chiến dịch tổ chức livestream của Lazada mang tên "An tâm mua sắm tại nhà". Vì thế nội dung các buổi livestream liên quan đến các hoạt động tại nhà là điều không quá bất ngờ.
"Thương hiệu (Lazada) vừa có thể chạm tới nhiều đối tượng hơn nhờ sự phong phú về nội dung, vừa duy trì lượng truy cập vào ứng dụng một cách lâu dài và đều đặn kể cả vào ngày thường", Adsota nhận định trong ấn phẩm.
Bên cạnh 2 sàn TMĐT đến từ nước ngoài, Sendo có thể là sàn tiên phong trong xu thế sử dụng "streamer" trong lĩnh vực game vào các hoạt động marketing. Đây cũng là một bước đi mang tính đột phá của Sendo khi hầu như trước đây hiếm có thương hiệu TMĐT nào sử dụng hình ảnh game thủ vào chiến dịch marketing.
Sendo đã liên tục dùng những người có ảnh hưởng trong lĩnh vực game, tổ chức các trận đấu mang tính biểu diễn để thu hút người xem và phát livestream trên nền tảng.
Những streamer hợp tác với Sendo bao gồm Misthy, Nam Blue, Ngân Sát Thủ. Hạ Mi. Họ đều là những người có ảnh hưởng trong cộng động người hâm mộ.
Xu hướng livestream của các sàn thương mại điện tử đã xuất hiện và dần phát triển từ năm 2019. Tuy nhiên phải đến khi COVID-19 bùng nổ, xu thế livestream trên nền tảng mới được bộc lộ thêm phần rõ nét.
Từ tháng 3/2019 đến tháng 11/2019, Lazada liên tục tổ chức 3 chương trình livestream đáng chú ý (Super Party vào tháng 3, chương trình đoán giá Guess It vào tháng 7 và đại nhạc hội vào tháng 11). Shopee "bạo chi" khi mời siêu sao Ronaldo tham gia buổi giao lưu livestream trên nền tảng vào tháng 9/2019.
Hai sàn TMĐT lớn của Việt Nam là Tiki và Sendo cũng không tỏ ra kém cạnh. Tiki ra mắt tính năng livestream từ tháng 9/2019 nhưng 3 tháng sau đã tổ chức thành công gameshow livestream "Đông là thắng". Trong khi đó, Sendo cũng đã cho phép các nhà bán hàng uy tín livestream trên nền tảng từ tháng 10/2019.