Những lưu ý trong khâu thanh toán xuất nhập khẩu với châu Phi
Một số lưu ý trong khâu thanh toán xuất nhập khẩu với châu Phi
Theo Thương Vụ Việt Nam tại Algeria, năm 2019, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và châu Phi đạt 7,4 tỉ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 3,4 tỉ USD hàng hóa các loại, tăng 17% và nhập khẩu đạt 4 tỉ USD, tăng 17,6% so với năm 2018.
Bên cạnh những tiềm năng, thuận lợi thì các doanh nghiệp Việt Nam cũng gặp một số khó khăn trong giao dịch tại thị trường này, trong đó có vấn đề thanh toán.
Thời gian gần đây, Thương vụ Việt Nam tại Algeria kiêm nhiệm Gambia, Mali, Niger và Senegal đã nhận được thư của một số doanh nghiệp Việt Nam, trao đổi về những khó khăn trong khâu thanh toán xuất nhập khẩu với đối tác châu Phi.
Do năng lực tài chính có hạn, nên nhà nhập khẩu châu Phi thường đề nghị mua hàng trả chậm, hình thức CIF (giao hàng tại cảng đến) và không mở thư tín dụng L/C do chi phí cao. Trả chậm là phương thức thanh toán không an toàn gây bất lợi cho doanh nghiệp Việt Nam.
Ngoài ra, còn xuất hiện một số vấn đề khác trong khâu thanh toán, cụ thể:
Lừa đảo để lấy bộ chứng từ không qua ngân hàng
Đã xảy ra trường hợp khách hàng thông báo mở tài khoản tại một ngân hàng uy tín, nhưng tài khoản không hoạt động (không có tiền), hoặc cho địa chỉ của người nhận bộ chứng từ không phải cán bộ/nhân viên ngân hàng của người mua.
Sau khi nhận được bộ chứng từ, khách làm thủ tục lấy hàng từ cảng mà không thanh toán qua ngân hàng. Trong trường hợp này, ngân hàng người mua không chịu trách nhiệm do thực tế không nhận được bộ chứng từ.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Dakar và Tòa Thương mại Senegal là hai cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép kinh doanh, các doanh nghiệp Việt Nam trước khi giao dịch với bất kì doanh nghiệp nào, cần liên hệ với hai cơ quan này để kiểm tra trước.
Ngân hàng của khách hàng chậm thanh toán, đôi khi không trả lời
Có trường hợp, khách hàng gửi hóa đơn có dấu của ngân hàng người mua xác nhận khách đã thanh toán tiền hàng song ngân hàng người bán không nhận được tiền. Mặc dù ngân hàng của người bán đã gửi điện nhiều lần đề nghị chuyển tiền song không nhận được trả lời từ phía ngân hàng của người mua.
Khi Cơ quan Thương vụ Việt Nam liên hệ và mang chứng từ có xác nhận của ngân hàng do người mua cung cấp, ngân hàng người mua mới làm thủ tục chuyển tiền cho ngân hàng người bán.
Có sự tiếp tay của nhân viên ngân hàng với khách hàng để không thanh toán
Cá biệt, ngày 3/3/2020, Ngân hàng Trung ương Algeria đã phát hiện ra những sai phạm tại hai chi nhánh của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (BADR) của nước này. Đó là các chi nhánh ngân hàng tại đường Amirouche và Pins Maritimes thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Algeria (BADR).
Những sai phạm này đã được các cơ quan chức năng của Ngân hàng Trung ương Algeria phát hiện, qua thanh tra sơ bộ sau khi nhận được đơn khiếu nại của các nhà cung cấp hàng hóa nước ngoài, trong đó có một doanh nghiệp xuất khẩu cơm dừa của Việt Nam.
Những nhà xuất khẩu này đã khiếu kiện BADR về việc không được thanh toán nhiều lô hàng đã bán cho hai khách hàng Algeria là Công ty TNHH Sarl Groupe Méditerranéen de Commercialisation (GMC) và Công ty TNHH Sarl MAGNOLIA có tài khoản tại hai chi nhánh ngân hàng nói trên.
Những thiệt hại về tài chính hiện đang được đánh giá, song cho thấy có sự tiếp tay cả thụ động lẫn chủ động của một số nhân viên tại hai chi nhánh ngân hàng này. Hiện vụ việc đang được đưa ra xét xử tại tòa thương mại Algeria.
Một số biện pháp phòng tránh rủi ro
Qua các vụ việc trên, Thương vụ Việt Nam tại Algeria có một số lưu ý đối với các doanh nghiệp như sau:
1. Cần tìm kiếm đối tác qua các kênh như tham gia chương trình xúc tiến thương mại, dự hội chợ, triển lãm quốc tế, các diễn đàn doanh nghiệp, các cuộc giao thương trực tiếp, qua giới thiệu từ các cơ quan xúc tiến thương mại và bạn hàng quen thuộc.
Cần thận trọng khi tìm kiếm bạn hàng qua mạng internet, hoặc giao dịch với đối tác chủ động tìm đến doanh nghiệp Việt Nam qua website.
2. Đề nghị đối tác cung cấp giấy phép đăng kí kinh doanh, thẻ xuất nhập khẩu, bản sao hộ chiếu, thẻ căn cước của người đại diện để các cơ quan chức năng như Thương vụ Việt Nam tại châu Phi… có thể hỗ trợ tư vấn, xác minh trước khi tiến hành giao dịch.
3. Đề nghị các ngân hàng thương mại Việt Nam tìm, tư vấn và giới thiệu những ngân hàng uy tín tại châu Phi để yêu cầu đối tác mở tài khoản ở đó.
4. Phương thức thanh toán nên sử dụng L/C không hủy ngang có xác nhận của ngân hàng uy tín châu Âu hoặc châu Mỹ. Đề nghị khách hàng trả trước (đặt cọc) ít nhất là 40 - 50% giá trị tiền hàng, không chấp nhận phương thức trả chậm.
Tuyệt đối không nên sử dụng hình thức thanh toán D/A (Document Acceptance - nhờ thu chấp nhận chứng từ), bởi một khi khách hàng đề nghị hình thức thanh toán này, rất có thể doanh nghiệp xuất khẩu sẽ bị mất hàng.
5. Cần lưu ý và xác định rõ địa chỉ ngân hàng cũng như người nhận bộ chứng từ của bên mua vì thời gian gần đây, có hiện tượng khách hàng cho địa chỉ người nhận chứng từ không thuộc ngân hàng.
6. Nếu nhập khẩu hàng từ châu Phi về Việt Nam, cần tiến hành kiểm định hàng hóa thông qua tổ chức giám định quốc tế có uy tín tại nước sở tại (như Bitec International SA, Văn phòng Veritas) trước khi đưa hàng lên tàu. Doanh nghiệp Việt Nam nên cố gắng đàm phán với nhà cung cấp để không phải đặt cọc tiền hoặc đặt cọc mức tối thiểu.
Đối với những đơn hàng đầu tiên, chỉ nên mua với khối lượng nhỏ. Tốt nhất, trong giai đoạn đầu nên sang trực tiếp để gặp gỡ nhà cung cấp, giám sát việc thu mua và chất hàng lên tàu. Nếu có tiềm lực, công ty Việt Nam có thể xem xét sang mở văn phòng đại diện, kho ngoại quan tại địa bàn sở tại.
7. Khi khách hàng cắt đứt liên lạc sau khi lấy hàng mà không thanh toán, một trong những giải pháp khả thi là đòi ngân hàng của người mua, nhất là khi sử dụng phương thức thanh toán nhờ thu hay L/C.
8. Khi soạn thảo hợp đồng, cần qui định rõ cơ quan giải quyết tranh chấp (trọng tài, tòa án).
9. Cần thường xuyên tìm hiểu thông tin về thị trường, đối tác trên các website của Bộ Công Thương như Vietnamexport.com.vn, Moit.gov.vn. Lưu ý các cảnh báo, danh sách doanh nghiệp lừa đảo mà các Thương vụ đăng tải để tránh giao dịch.
Nên liên hệ với các cơ quan Thương vụ tại châu Phi (Ai Cập, Algeria, Maroc, Nam Phi, Nigeria) và các cơ quan đại diện ngoại giao tại châu Phi để được hỗ trợ khi cần thiết.
9. Xem xét mua bảo hiểm xuất khẩu hàng hóa nhằm giảm thiểu rủi ro khi có phát sinh.
Mặc dù tồn tại những rủi ro song châu Phi lại có nhiều tiềm năng với tổng dân số 1,3 tỉ người, nhu cầu mặt hàng đa dạng, không quá khắt khe. Vì vậy, trong giao dịch, doanh nghiệp cần tỉnh táo để không bỏ lỡ những cơ hội mà thị trường này mang lại.