|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Những lực cản đối với chính sách thuế siêu giàu của Mỹ

17:35 | 10/04/2022
Chia sẻ
Người dân Mỹ đang ngày càng ủng hộ việc đánh thuế tài sản đối với giới siêu giàu. Tuy nhiên, bất chấp sự xuất hiện ngày càng nhiều của những đề xuất tương tự, các chính sách liên quan đến vấn đề này vẫn chưa thật sự hiệu quả.

Tổng thống Joe Biden vào tháng 3/2022 đã công bố đề xuất đánh thuế tài sản liên bang mới nhất, như một phần trong khuôn khổ ngân sách năm 2023 của ông, nhằm mục tiêu thu hẹp mức thâm hụt ngân sách lên tới 360 tỷ USD hiện nay.

Đề xuất đánh thuế thu nhập tối thiểu đối với các tỷ phú của Tổng thống Biden (trong khuôn khổ  đề xuất đánh thuế tài sản liên bang mới nhất) yêu cầu áp thuế 20% đối với những hộ gia đình có tổng thu nhập trên 100 triệu USD. Khái niệm tổng thu nhập này bao gồm cả những lợi nhuận chưa được hiện thực hóa từ các khoản đầu tư hoặc tăng trưởng tài sản.

Tuy nhiên, giống như các đề xuất đánh thuế tài sản trước đây, kế hoạch này có thể trải qua nhiều khó khăn trước khi nhận được sự ủng hộ rộng rãi, và một số vấn đề pháp lý có thể xảy ra nếu được ban hành, các chuyên gia về chính sách cho biết.

Quốc hội vẫn “thờ ơ”

Theo thành viên cấp cao tại Trung tâm chính sách thuế Urban-Brookings Steve Rosenthal, đề xuất về thuế đánh vào giới siêu giàu được đưa ra để đối phó với tình trạng bất bình đẳng ngày càng gia tăng tại Mỹ.

Chuyên gia này cho rằng chính phủ liên bang trước đây sử dụng thuế bất động sản để đánh thuế tài sản nhưng nhiều hộ gia đình giàu có đã "né" thuế nhờ vào các hợp đồng và chiến lược mua bán phức tạp.

Chuyên gia Rosenthal nhận định nước Mỹ có một số hộ gia đình giàu có một cách đáng kinh ngạc nhưng họ lại không phải đóng thuế vì những “lỗ hổng” trong chính sách thuế bất động sản.

Ngoài ra, nhiều gia đình giàu có nhất ở Mỹ chỉ phải trả thuế thu nhập tương đối thấp vì mã số thuế của họ thường “chiếu cố” cho các khoản thu nhập từ đầu tư, chẳng hạn như lãi suất, cổ tức, lãi vốn hoặc tiền cho thuê.

(Ảnh minh họa: Getty Images).

Trên thực tế, 400 hộ gia đình giàu có nhất nước Mỹ đã đóng thuế thu nhập liên bang trung bình ở mức 8,2% trong giai đoạn các năm 2010-2018, theo một phân tích của Nhà Trắng. Trong khi đó, đối với những gia đình Mỹ điển hình, con số này là 13,03%.

Thuế tài sản liên bang từng là chủ đề thu hút sự chú ý trong cuộc bầu cử sơ bộ Tổng thống năm 2020, khi hai Nghị sỹ Elizabeth Warren và Bernie Sanders đưa ra các đề xuất của mình.
Bà Warren kêu gọi "thuế siêu triệu phú" 2% hàng năm đối với những người Mỹ có giá trị tài sản ròng trên 50 triệu USD và 6% đối với khối tài sản trên 1 tỷ USD để giúp tài trợ cho các chương trình chi tiêu xã hội.

Trong khi đó, ông Sanders lại đưa ra một kế hoạch mạnh mẽ hơn với cách tiếp cận theo từng cấp độ, bắt đầu từ 1% đối với những người có tài sản trên 32 triệu USD cho đến 8% đối với khối tài sản ròng trên 10 tỷ USD.

Sau đó, cả hai Nghị sỹ Warren và Sanders, cùng với các đảng viên Dân chủ khác, đã tìm được điểm chung trong đề xuất về Dự luật thuế đối với các siêu triệu phú được công bố vào tháng 3/2021, với mức thuế hàng năm là 3% đối với tài sản vượt 1 tỷ USD.

Bà Warren cho biết trong một tuyên bố: “Việc đánh thuế tài sản được các cử tri cả hai bên ưa chuộng vì lý do chính đáng”.

Theo một cuộc thăm dò năm 2020 của Reuters/Ipsos, khoảng 64% người Mỹ ủng hộ đánh thuế tài sản đối với giới siêu giàu, trong đó có 77% đảng viên đảng Dân chủ và 53% đảng viên đảng Cộng hòa.

Tuy nhiên, kế hoạch này đã không thể thu hút sự chú ý của Quốc hội Mỹ.

Những lỗ hổng về pháp lý

Garrett Watson, chuyên gia phân tích chính sách cấp cao thuộc tổ chức tư vấn thuế Tax Foundation, nhận định: “Gần đây, có sự thay đổi nhỏ trong kế hoạch đánh thuế tài sản trực tiếp, với lo ngại liên quan đến hệ thống tư pháp".

Nếu được ban hành, các tòa án sẽ phải tranh luận về khái niệm của thu nhập. Vấn đề lớn hơn là định nghĩa "tỷ phú" và cách tính giá trị ròng, các chuyên gia pháp lý cho biết. Thuế trực thu phải được phân chia giữa các bang dựa trên dân số, song điều này là không thể vì một số nơi không có tỷ phú.

Trước đó, Chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện Ron Wyden đã tiết lộ kế hoạch đánh thuế vào các tỷ phú hồi tháng 10/2021. Mức thuế này sẽ đánh vào những người Mỹ có tài sản trên 1 tỷ USD hoặc có tổng thu nhập đã điều chỉnh vượt 100 triệu USD trong ba năm liên tiếp.

Kế hoạch này kêu gọi đánh thuế hàng năm đối với mức tăng trưởng tài sản, mà Chủ tịch Wyden khẳng định là hợp hiến. Tuy nhiên, đề xuất này đã không được các đảng viên Dân chủ quan tâm.

Trong khi đó, kế hoạch đánh thuế tài sản liên bang mới nhất của Tổng thống Biden cũng kêu gọi đánh thuế tài sản sau khi qua đời, khoản thuế này trước đây đã bị loại bỏ trong các cuộc đàm phán về Kế hoạch Xây dựng lại Tốt hơn (Build Back Better).

Ngày nay, những người thừa kế có thể trì hoãn đóng thuế thừa kế cho đến khi họ bán tài sản đó. Họ cũng phải điều chỉnh giá mua tài sản về giá trị vào ngày mà chủ sở hữu trước đó qua đời.
Chuyên gia Rosenthal nói: “Với những chính sách như hiện nay, những tỷ phú giàu có đã tích lũy được một lượng lớn tài sản mà không phải trả thuế và họ có thể tiếp tục trốn tránh việc này đến hết đời”.

Câu chuyện không của riêng nước Mỹ

Nước Mỹ không đơn độc trong “mớ bòng bong” về thuế tài sản, mà các chính trị gia trên toàn thế giới cũng phải đấu tranh rất nhiều để có thể hiện thực hóa những loại thuế này.

Năm 2020, chỉ có 5 thành viên thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) là Colombia (Cô-lôm-bi-a), Pháp, Na Uy, Tây Ban Nha và Thụy Sỹ có thể thu về thuế tài sản. Con số này đã giảm hơn một nửa so với mức cao nhất là 12 quốc gia được ghi nhận vào năm 1996, theo phân tích của Tax Foundation.

Ở châu Âu, một trong những vấn đề là khả năng lách thuế bằng cách chuyển tài sản từ nước này sang nước khác, cùng với nhiều loại trừ khác nhau, đã làm xói mòn các cơ sở thuế theo thời gian, theo chuyên gia Watson.

Ông nói: “Từ quan điểm thu ngân sách, không có nhiều thành công trong những chính sách này. Theo thời gian, một số quốc gia đã bỏ thuế tài sản ròng vì nhiều lý do khác nhau, bao gồm cả những tác động về kinh tế, tổ chức Tax Foundation cho biết.

Đề xuất trong tương lai

Bất chấp triển vọng không rõ ràng về tương lai của chính sách thuế thu nhập tối thiểu mà Tổng thống Biden vừa đưa ra, các chuyên gia tin rằng đề xuất thuế tài sản vẫn sẽ tiếp tục xuất hiện.
John Gimigliano, người phụ trách mảng dịch vụ quản lý lập pháp liên bang tại công ty dịch vụ tài chính KPMG, cho biết những đề xuất này thường phổ biến và có lẽ sẽ không biến mất.

Nhìn chung, nhiều người Mỹ ủng hộ việc đánh thuế cao hơn đối với giới siêu giàu. Một cuộc khảo sát của công ty phân tích dữ liệu YouGov PLC vào tháng 3/2022 cho thấy gần 2/3 số người được hỏi ủng hộ áp thuế tối thiểu 20% đối với những hộ gia đình có thu nhập trên 100 triệu USD.

Tương tự, một cuộc khảo sát thực hiện năm 2021 của CNBC cho thấy khoảng 60% cá nhân có tài sản trị giá 1 triệu USD trở lên ủng hộ đánh thuế tài sản đối với những người sở hữu 10 triệu USD trở lên.

Ông John Gimigliano nói: “Thực tế là thuế đánh vào giới siêu giàu cần thể hiện sự khác biệt trong tiêu chuẩn đánh thuế”.

Chuyên gia này giải thích rằng các nhà hoạch định chính sách có thể cần thời gian để tìm kiếm sự ủng hộ về mặt chính trị, bao gồm cả việc ban hành và thực thi.

Tuy nhiên, những ý tưởng này có thể tái xuất trong thời gian giữa nhiệm kỳ và sau đó, kể cả khi ông Biden tái tranh cử vào năm 2024, chuyên gia Gimigliano nói.

"Đề xuất này sẽ là điều mà ông ấy sẽ nói trong chiến dịch tranh cử", ông Gimigliano nhận định với sự tự tin.

Phương Nga