Hơn 100 tỷ phú và triệu phú kêu gọi đánh thuế cao hơn với giới thượng lưu toàn cầu
Một nhóm gồm hơn 100 tỷ phú và triệu phú đã đưa ra lời kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị và doanh nghiệp tham gia Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) hãy làm gì đó để khiến họ phải đóng thuế nhiều hơn, theo Reuters.
Một nhóm tự xưng là " Patriotic Millionaires" (các triệu phú yêu nước) nói rằng những người siêu giàu hiện không bị bắt buộc phải đóng góp công sức hay tài sản của họ cho nỗ lực phục hồi nền kinh tế toàn cầu sau đại dịch.
"Là những triệu phú, chúng tôi biết rằng hệ thống thuế hiện tại không công bằng. Hầu hết chúng ta có thể nói rằng, trong khi thế giới đã trải qua vô số mất mát trong hai năm qua, chúng tôi thực sự đã chứng kiến sự giàu có của bản thân tăng lên trong đại dịch.
Tuy nhiên, rất ít người trong chúng tôi có thể tự tin nói rằng bản thân đã nộp thuế một cách công bằng", theo nội dung một bức thư ngỏ được công bố nhân dịp diễn ra WEF bắt đầu từ ngày 17/1.
Năm ngoái, hãng tin Reuters đã đưa tin về sự gia tăng tài sản đáng kinh ngạc của các tỷ phú vào năm 2020 khi thế giới đi vào bế tắc và nền kinh tế toàn cầu đối mặt với cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ Thế chiến thứ hai. Điều này khiến nhóm triệu phú kêu gọi áp thuế cao hơn với chính họ.
Trong khi hơn 130 quốc gia đồng ý ký kết một thỏa thuận đảm bảo các công ty lớn phải trả mức thuế tối thiểu toàn cầu là 15%, nhằm mục đích khiến họ khó trốn thuế hơn, các triệu phú cho biết những người giàu có vẫn cần phải đóng góp nhiều hơn.
Trong hai năm xảy ra đại dịch, tài sản của 10 người giàu nhất thế giới đã tăng lên 1.500 tỷ USD - tương đương 15.000 USD mỗi giây – theo một nghiên cứu của Oxfam được công bố trong tuần này.
Trong bức thư, những người ký tên trên thỏa thuận, bao gồm người thừa kế Disney Abigail Disney và nhà đầu tư mạo hiểm Nick Hanauer đã nói với những người tham gia diễn đàn rằng: "Bạn sẽ không tìm thấy câu trả lời trong một diễn đàn riêng tư. Các bạn chính là một phần của vấn đề".
Người phát ngôn của WEF cho biết việc đóng các mức thuế công bằng hơn là một trong những nguyên tắc chung của diễn đàn năm nay. Ngoài ra, thuế tài sản - có thể tồn tại ở Thụy Sĩ, nơi đặt trụ sở của WEF - có thể là một mô hình tốt cần được nghiên cứu để triển khai ở những nơi khác trên thế giới.
Ở hầu hết các quốc gia, ngoại trừ một số ít ở châu Âu và một số nhà kinh doanh gần đây ở Nam Mỹ, người giàu không phải trả thuế hàng năm đối với các tài sản như bất động sản, cổ phiếu hoặc tác phẩm nghệ thuật, vì chúng chỉ bị đánh thuế khi tài sản được giao dịch.
Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi Patriotic Millionaires cùng với Oxfam và các tổ chức phi lợi nhuận khác, giá trị thuế tài sản lũy tiến bắt đầu từ 2% đối với những người có trên 5 triệu USD và tăng lên 5% đối với các tỷ phú có khối tài sản trị giá từ 2.500 tỷ USD, đủ để giúp 2,3 tỷ người trên toàn cầu thoát nghèo và đảm bảo các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cũng như bảo trợ xã hội cho các cá nhân sống ở các nước có thu nhập thấp hơn.
Ngân hàng Thế giới năm 2021 đã xuất bản một bài báo kêu gọi các quốc gia xem xét đánh thuế tài sản để giúp giảm thiểu sự bất bình đẳng, bổ sung ngân khố nhà nước bị cạn kiệt bởi các chương trình cứu trợ COVID-19 và lấy lại niềm tin của xã hội. Tuy nhiên, ngoài Argentina và Colombia, không có kế hoạch đánh thuế tài sản mới nào được khởi xướng trên toàn cầu kể từ khi đại dịch bùng phát.