|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

10 tỷ phú giàu nhất thế giới tăng gấp đôi tài sản trong đại dịch, cần 414 năm để tiêu hết tiền nếu mỗi ngày dùng 1 triệu USD

07:44 | 18/01/2022
Chia sẻ
Dù đại dịch đã khiến nhiều người rơi vào cảnh thất nghiệp, nghèo đói, nhưng điều này không ảnh hưởng đến 10 tỷ phú giàu nhất thế giới trong hai năm qua.
10 tỷ phú giàu nhất thế giới tăng gấp đôi tài sản trong đại dịch, cần 414 năm để tiêu hết tiền nếu mỗi ngày dùng 1 triệu USD  - Ảnh 1.

Những người giàu nhất thế giới không bị ảnh hưởng nhiều bởi đại dịch COVID-19. (Ảnh: Wealthy Gorilla).

Người giàu càng giàu lên

10 tỷ phú giàu nhất thế giới đã chứng kiến khối tài sản của họ tăng gấp đôi kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu. Giá cổ phiếu và bất động sản tăng lên đã làm gia tăng khoảng chênh lệch giàu nghèo, theo báo cáo từ Oxfam.

Tổ chức từ thiện Oxfam cho biết số liệu của Ngân hàng Thế giới cho thấy đã có thêm 163 triệu người trên toàn cầu rơi vào cảnh nghèo khổ, trong khi giới siêu giàu được hưởng lợi từ các gói kích thích do chính phủ các nước trên thế giới đưa ra nhằm giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19. Oxfam dự đoán đến năm 2030, có khoảng 3,3 tỷ người sẽ sống với mức thu nhập dưới 5,5 mỗi ngày, The Guardian dẫn báo cáo.

Thu nhập của 99% dân số thế giới đã giảm từ tháng 3/2020 đến tháng 10/2021. Ngược lại, tỷ phú Elon Musk, CEO công ty xe điện Tesla và 9 tỷ phú giàu nhất thế giới khác lại chứng kiến khối tài sản ròng cùng tăng lên. Thậm chí, mỗi ngày khối tài sản ròng của họ cũng tăng trung bình tới 1,3 tỷ USD.

Tỷ phú Elon Musk, theo số liệu lấy từ danh sách tỷ phú của tạp chí Forbes, đã chứng kiến khối tài sản ròng tăng gấp 10 lần lên 294 tỷ USD trong 20 tháng đầu tiên kể từ khi đại dịch bùng phát. Điều này giúp ông vượt cựu CEO Amazon Jeff Bezos để trở thành người giàu nhất hành tinh.

Trong thời kỳ giá cổ phiếu công nghệ tăng cao tại Phố Wall, tài sản ròng của tỷ phú Jeff Bezos cũng tăng 67% lên 203 tỷ USD, còn với ông chủ Facebook Mark Zuckerberg cũng tăng gấp đôi lên 118 tỷ USD. Người sáng lập gã khổng lồ Microsoft, tỷ phú Bill Gates cũng chứng kiến khối tài sản ròng tăng 31% lên 137 tỷ USD.

Để ủng hộ sự bình đẳng, xóa bỏ khoảng cách giàu nghèo, Oxfam đã kêu gọi chính phủ các nước đánh thuế tài sản và của cải. Oxfam cho biết khoản thuế thu được từ 10 tỷ phú giàu nhất thế giới đủ khả năng cung cấp các nguồn lực để đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu cũng như giải quyết các vấn đề chiến tranh xung đột tại 80 quốc gia. Trong trường hợp bị đánh thuế lên tới 99%, 10 tỷ phú giàu nhất thế giới vẫn thu về được 8 tỷ USD so với trước đại dịch.

Bùng nổ 'vận may' nhờ các gói kích thích tài chính

Danny Sriskandarajah, Giám đốc điều hành Oxfam GB cho biết: "Sự bùng nổ về vận may của các tỷ phú vào thời điểm mà tình trạng nghèo đói ngày càng gia tăng tạo ra những sai sót cơ bản trong nền kinh tế của chúng ta. 

Ngay cả trong thời kỳ khủng hoảng toàn cầu, các hệ thống kinh tế toàn cầu vẫn làm việc để mang lại các khoản lợi nhuận siêu hấp dẫn cho những người giàu nhất, nhưng không bảo vệ được những người nghèo nhất. Đó là một thảm kịch".

"Thế hệ lãnh đạo ngày nay có thể bắt đầu sửa chữa những sai lầm này bằng cách thực hiện đánh thuế đối với tài sản và của cải của giới siêu giàu, đồng thời dùng các khoản thu được để cứu thế giới và đầu tư cho tương lai của chúng ta. 

Họ phải hiểu rằng COVID-19 đã cảnh báo con người về vấn đề chất lượng chăm sóc sức khỏe trên toàn cầu. Chính phủ các nước đang đứng trước cơ hội lịch sử để hỗ trợ những kế hoạch kinh tế táo bạo dựa trên sự bình đẳng hơn để thay đổi con đường sai lầm mà chúng ta đang thực hiện".

Giá cổ phiếu giảm mạnh trong những tuần đầu đại dịch bùng phát, nhưng sau đó được thúc đẩy bởi các biện pháp kích thích từ các ngân hàng trung ương và bộ tài chính các quốc gia trên thế giới. 

Việc cắt giảm lãi suất xuống mức thấp kỷ lục và nguồn cung tiền tăng mạnh thông qua quá trình mua trái phiếu đã khiến thị trường chứng khoán có hai năm đầy biến động. Các công ty công nghệ như Amazon, Google, Apple và Facebook được hưởng lợi bởi sự bùng nổ của thị trường thương mại điện tử và hình thức làm việc từ xa.

Trong khi những người có thu nhập ít hơn cũng chứng kiến tài sản ròng của họ tăng lên trong thời kỳ đại dịch, Oxfam cho biết 10 tỷ phú giàu nhất thế giới sở hữu khối tài sản nhiều gấp 6 lần so với 40% nhóm cuối cùng (khoảng 3,1 tỷ người). Tổ chức từ thiện cho biết thêm 10 tỷ phú sẽ mất 414 năm để tiêu hết khối tài sản khổng lồ nếu mỗi ngày họ tiêu hết 1 triệu USD.

Mối đe dọa do sự bất bình đẳng gây ra đã được David Malpass, chủ tịch Ngân hàng Thế giới, nhấn mạnh vào tuần trước khi ông công bố những dự báo mới nhất về nền kinh tế toàn cầu.

Ông nói: "Các nước đang phát triển phải đối mặt với những vấn đề dài hạn nghiêm trọng liên quan đến tỷ lệ tiêm chủng vắc xin, các chính sách vĩ mô toàn cầu và gánh nặng nợ nần. Có một khoảng cách nhất định giữa tốc độ tăng trưởng của các nước đang phát triển và những nền kinh tế lớn nhất. 

Sự bất bình đẳng này thậm chí còn gay gắt hơn về mặt thu nhập bình quân đầu người và thu nhập trung bình, trong đó người dân ở các nước đang phát triển bị bỏ lại phía sau và tỷ lệ đói nghèo gia tăng. Chúng tôi đang chứng kiến sự đảo ngược đáng lo ngại về tình trạng nghèo đói, dinh dưỡng và sức khỏe".

Quốc Anh