|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Những gián đoạn diện rộng ngày một tổn thương chuỗi cung ứng chip toàn cầu

04:30 | 02/04/2021
Chia sẻ
Một nghiên cứu công bố ngày 1/4 của Hiệp hội Công nghiệp Chất bán dẫn, bên đại diện cho hầu hết các nhà sản xuất chip của Mỹ cho thấy chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu đang ngày càng trở nên dễ bị tổn thương do thiên tai và tình hình địa chính trị.
Những gián đoạn diện rộng ngày một tổn thương chuỗi cung ứng chip toàn cầu - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Nikkei Asia.

Nguyên nhân do các nhà cung cấp ngày càng phân tán ra các khu vực riêng biệt. Tuy nhiên, báo cáo cũng cho hay việc các chính phủ cố gắng thiết lập một chuỗi cung ứng hoàn toàn nội địa sẽ không khả thi và rất tốn kém.

Hoạt động sản xuất chip hiện đại gồm hơn một nghìn bước và đòi hỏi nhiều tài sản trí tuệ, công cụ và hóa chất phức tạp từ khắp nơi trên thế giới. Nhưng báo cáo của Hiệp hội Công nghiệp Chất bán dẫn Mỹ công bố ngày 1/4 cho biết, họ đã tìm thấy hơn 50 vị trí thuộc chuỗi cung ứng trong đó một khu vực chiếm hơn 65% thị phần.

Chẳng hạn, sở hữu trí tuệ và phần mềm để thiết kế chip tiên tiến do Mỹ thống trị, trong khi các loại khí đặc biệt để chế tạo chip chủ yếu đến từ châu Âu. Việc sản xuất chip lại được đặt hoàn toàn ở châu Á, với 92% trong số đó là ở vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc).

Báo cáo nêu giả thiết nếu Đài Loan không thể sản xuất chip trong một năm, ngành công nghiệp điện tử toàn cầu sẽ thiệt hại gần 500 tỷ USD doanh thu. Chuỗi cung ứng điện tử toàn cầu khi đó cũng sẽ dừng lại hoàn toàn.

Tuy nhiên, nghiên cứu cảnh báo rằng cách tiếp cận đơn lẻ, trong đó các chính phủ cố gắng tái tạo chuỗi cung ứng về trong nước là không khả thi. Vì động thái đó sẽ tiêu tốn tới 1.200 tỷ USD trên toàn cầu - với chi phí lên đến 450 tỷ USD chỉ riêng ở Mỹ. Điều này sẽ khiến giá chip tăng vọt.

Dù vậy trong một số trường hợp, báo cáo kêu gọi các chính phủ đưa ra những biện pháp khuyến khích để xây dựng "năng lực sống sót tối thiểu" ở các khu vực đang thiếu hụt bất kỳ bộ phận nào của chuỗi cung ứng. Như với trường hợp của Mỹ và châu Âu, điều đó đồng nghĩa là các nhà máy sản xuất chip tiên tiến mới sẽ cần cân bằng tình trạng tập trung sản xuất ở Đài Loan và Hàn Quốc.

Báo cáo được đưa ra trong bối cảnh tình trạng thiếu chip toàn cầu bắt đầu với các nhà máy ở Đài Loan nhận số đơn hàng đặt trước quá nhiều vào cuối năm ngoái. 

Nhưng tình hình đã trở nên trầm trọng hơn do trận hỏa hoạn tại một nhà máy sản xuất chip ở Nhật Bản, một đợt băng giá đột ngột ở bang Texas của Mỹ và hạn hán ngày càng trầm trọng hơn ở vùng lãnh thổ Đài Loan năm nay. Sự thiếu hụt nguồn cung đã khiến một số dây chuyền sản xuất tại các nhà máy ô tô ở Mỹ, châu Âu và châu Á ngừng hoạt động.

H. Thủy