|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Những đại gia nào đang góp mặt ‘làm nóng’ thị trường BĐS Tây Hồ Tây?

07:52 | 03/07/2019
Chia sẻ
Tây Hồ Tây vốn được mệnh danh là khu vực có giá bán và giá thuê BĐS đắt đỏ bậc nhất Thủ đô. Khu vực này đang được coi là “điểm nóng” khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước “rót tiền” đầu tư vào các dự án lớn tại đây.

Những năm gần đây, diện mạo khu vực Tây Hồ Tây đã có nhiều thay đổi, tạo nên sức bật lớn. Bằng chứng là sự đổ bộ của các đại gia ngoại có tên tuổi như Daewoo, Lotte, Capital Land, Ciputra.

Hạ tầng giao thông khu vực này cũng đang dần hoàn chỉnh hơn với với 3 trục đường lớn là Phạm Văn Đồng, Võ Chí Công và Nguyễn Văn Huyên kéo dài – tuyến đường huyết mạch của khu vực Tây Hồ Tây.

Dọc hai bên tuyến đường Võ Chí Công từ ngã tư Hoàng Quốc Việt đến chân cầu Nhật Tân thời gian gần đây xuất hiện nhiều dự án BĐS cao cấp. Những dự án này đang góp phần làm "nóng" thị trường BĐS Tây Hồ Tây.

Bên cạnh đó, khu vực này trong tương lai dự kiến còn là nơi đặt trụ sở 8 bộ, ngành được di dời về và dự báo trở thành trung tâm hành chính mới của Thủ đô. Với những điều kiện thuận lợi như hiện nay, Tây Hồ Tây đang là "thỏi nam châm" hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước "đổ tiền" đầu tư các dự án lớn, tương lai sẽ làm thay đổi bộ mặt khu vực.

10_tay_ho_OYLZ

Diện mạo khu vực Tây Hồ Tây đang thay đổi từng ngày (Nguồn: Zing)

Daewoo D&C thâu tóm khu đất rộng hơn 200 ha

Daewoo D&C là một trong những nhà đầu tư ngoại tiên phong tại khu Tây Hồ Tây. Hiện nay, doanh nghiệp này là chủ đầu tư dự án Khu đô thị Starlake.

Được biết, Daewoo D&C là một trong bốn tập đoàn lớn mạnh nhất Hàn Quốc. Ngay từ năm 1996, sau khi ra mắt khách sạn 5 sao Daewoo Hotel, tập đoàn này đã nhanh chóng thâu tóm một số bất động sản tại Hà Nội. Đáng kể nhất là ASEAN city (huyện Đông Anh) rộng 1.900 ha và khu đô thị Starlake tây Hồ Tây rộng hơn 200 ha.

Sau đó, cuộc khủng hoảng tài chính năm 1998 ảnh hưởng mạnh đến hoạt động của Daewoo khiến cho cả 2 dự án này khó triển khai. Phải đến 2004, Starlake mới tái khởi động và đến năm 2006 Daewoo bắt tay với 5 công ty khác đến từ Hàn Quốc để cùng triển khai.

Cụ thể, liên doanh này gồm Daewoo Engineer & Construction Co.,Ltd; Daewon Co.,Ltd; Dong IL Highvill Co.,Ltd; Keangnam Enterprises, Ltd và Kolon Engineering & Construction Co., Ltd (liên danh này còn được gọi là Công ty TNHH Phát triển THT hay THT Development).

Theo tìm hiểu, Dự án Khu đô thị mới Tây Hồ Tây có tên thương mại là Starlake Tây Hồ Tây, do Công ty TNHH Phát triển THT làm chủ đầu tư. Dự án có tổng diện tích hơn 210 ha, tổng vốn đầu tư hơn 500 triệu USD, nằm tại khu vực Tây Hồ Tây trên địa giới hành chính của phường Xuân La (quận Tây Hồ), Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy), xã Xuân Đỉnh và Cổ Nhuế (huyện Từ Liêm).

Dự án có phía Bắc là đường quy hoạch tiếp giáp với khu ngoại giao đoàn; Phía Nam là đường quy hoạch (có mặt cắt ngang 40m, ra đường Hoàng Quốc Việt); Phía Đông là đường quy hoạch (đường vành đai 2, đường Lạc Long Quân); Phía Tây là đường quy hoạch (có mặt cắt ngang 40m, ra đường Phạm Văn Đồng).

Sau khi hoàn thành, dự án cung cấp khoảng gần 5.000 căn hộ, biệt thự, trung tâm thương mại, trường học, bệnh viện… đáp ứng nhu cầu cho khoảng 20.000 dân. Dự án dự kiến bàn giao trong năm 2019.

Từ khi được cấp phép đầu tư cho đến nay, dự án này không ít lần bị thanh tra Bộ Xây dựng 'tuýt còi' vì liên tiếp chậm tiến độ. Năm 2018, Bộ Xây dựng đã tiến hành thanh tra chuyên ngành về hoạt động đầu tư xây dựng, kinh doanh BĐS và thực hiện quy định của pháp luật về nhà ở tại một số dự án, trong đó có dự án Starlake Tây Hồ Tây. Đầu năm 2019, dự án này bị người dân khiếu kiện một số vấn đề liên quan đến công tác đền bù và giải phóng mặt bằng.

Mới đây nhất, THT Development đã bất ngờ hợp tác với đại gia bán lẻ Nhật Bản là Toshin Development để cùng hợp tác xây dựng một trung tâm thương mại, văn hoá đậm chất Nhật trên khu đất rộng 1,7 ha thuộc dự án Starlake.

Trước đó, tháng 5/2019, TNT Development cũng vừa ký kết với tập đoàn Samsung về việc đầu tư xây dựng trung tâm phát triển và nghiên cứu tại Starlake.

Lotte mua lại đại trung tâm thương mại Ciputra Mall

Cách đây vài năm, thị trường BĐS rầm rộ trước thông tin một đại gia đến từ Hàn Quốc  đã "mạnh tay" mua lại một "dự án chết" tại khu vực Tây Hồ Tây.Cụ thể, vào cuối năm 2016, Tập đoàn Lotte đã mua lại dự án Ciputra Mall của Công ty TNHH phát triển đô thị Nam Thăng Long.

Theo tìm hiểu, Ciputra Mall được biết đến là dự án trung tâm thương mại lớn nhất Hà Nội nhưng bị đắp chiếu nhiều năm. Dự án được khởi công xây dựng hồi năm 2010 do Công ty TNHH Phát triển đô thị Nam Thăng Long làm chủ đầu tư.

Dự án có quy mô rộng tới 7,3ha, được chủ đầu tư giới thiệu có tổng mức đầu tư gần 2.000 tỉ đồng và có tổng diện tích sử dụng lên đến 200.000 m2 (siêu thị lớn nhất trên địa bàn Hà Nội). Các không gian được bố trí trong trung tâm gồm có khu vực bán lẻ, với 1.200 cửa hàng, 48 nhà hàng, quán cafe, siêu thị rộng khoảng 8.500 m2,…

Tuy nhiên, sau khi xây dựng xong phần móng thì thị trường BĐS gặp khó khăn, số phận đại siêu thị này cũng chìm theo năm tháng.

Đến giữa năm 2017, dự án Ciputra Mall được bán lại cho Tập đoàn Lotte và đổi tên thành Lotte Mall Hanoi. Giá trị của thương vụ này không được các bên tiết lộ, tuy nhiên sau khi thương vụ diễn ra, TP Hà Nội đã cấp phép một dự án trung tâm thương mại mới cho Lotte với tổng vốn đầu tư lên tới 300 triệu USD.

Theo phản ánh của báo chí, vào thời gian đó, một nguồn tin từ Tập đoàn Lotte tiết lộ trên truyền thông rằng để triển khai dự án này Lotte sẽ tăng gấp đôi vốn đầu tư so với dự tính ban đầu lên 600 triệu USD với mục đích mở rộng các hạng mục của Dự án Lotte Mall Hanoi. Đại diện Lotte cũng tiết lộ dự án sẽ khởi công vào cuối năm 2018 và dự định hoàn thiện vào năm 2021.

Ciputra bán một phần dự án cho Sunshine 

Đổ bộ vào khu Tây Hồ Tây từ hơn chục năm trước cũng có sự góp mặt của Tập đoàn Ciputra đến từ Indonesia. Tại đây, Tập đoàn này đã bắt tay với Tổng công ty đầu tư và phát triển hạ tầng đô thị (UDIC) thực hiện dự án khu đô thị Ciputra rộng 323 ha. Dự án này được khởi công từ năm 2003.

Khi đó khu vực Tây Hồ Tây gần như chưa có một dự án BĐS lớn nào được đầu tư. Ciputra được coi là một trong những khu đô thị đắt đỏ và hiện đại nhất Hà Nội khi đó, thuộc phân khúc cao cấp.

Với diện tích đất lên tới 323 ha, Ciputra đã nhượng lại một phần dự án cho Tập đoàn Sunshine để thực hiện dự án Sunshine City Hà Nội (nằm cạnh sân golf Ciputra). Thời điểm đó, thị trường BĐS đã được một phen chứng kiến sự xuất hiện đầy bất ngờ của Sunshine Group ở KĐT Ciputra.

Cuối năm 2016, Sunshine Group bắt đầu xây dựng khu tổ hợp chung cư Sunshine Riverside 3.000 tỉ với 3 tòa tháp chung cư, đánh dấu cho chuỗi thâu tóm hàng loạt khu đất vàng xung quanh Ciputra của tập đoàn này. Sau đó không lâu, Sunshine City gồm 6 tòa chung cư cao cấp cũng đang được xây dựng.

Sau đó, Sunshine tiếp tục cho thấy tham vọng thâu tóm nhiều mảnh "đất vàng" ở Ciputra để triển khai hàng loạt dự án mới như Sunshine Wonder Villas, Sunshine Crstal river, Sunshine Golden River, Sunshine Empire.

Ngoài ra, là doanh nghiệp đến sau tại khu Tây Hồ Tây, CapitaLand cũng đã thâu tóm một khu đất rộng gần 9.000 m2 nằm ngay ven đường Lạc Long Quân, cách Hồ Tây khoảng 200 m. Theo báo chí phản ánh, CipitalLand phải trả khoảng 30 triệu USD (660 tỉ đồng) để có được lô đất này. Hiện CapitaLand đang triển khai dự án phức hợp Capitaland Tây Hồ cao 25 tầng, gồm 380 căn hộ, 21.367 m2 văn phòng và 19.323 m2 bán lẻ với tổng vốn đầu tư khoảng 217 triệu USD. Dự án dự kiến bàn giao trong quý 3/2019.

Bên cạnh đó, còn có một số doanh nghiệp nội như Tân Hoàng Minh, UDIC cũng đang đổ tiền đầu tư các dự án lớn ở Tây Hồ Tây. Trong đó, Tân Hoàng Minh đang xây dựng hai toà tháp căn hộ El Dorado I và II còn UDIC đang xây dựng ba tòa chung cư A, B, C cao 17, 19 và 23 tầng,…

Thu Hà

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.