Những con đường lây lan của COVID-19?
Thế nào là tiếp xúc gần với người bệnh?
Là tiếp xúc với bệnh nhân trong cự li 2m hoặc ở trong cùng một phòng hay khu vực chăm sóc một ca bệnh được khẳng định có bệnh hoặc khả năng bị bệnh trong thời gian kéo dài.
Bắt tay có làm lây COVID-19 không?
Không. Cho đến nay chưa có bằng chứng virus COVID-19 có thể xâm nhập qua da vào cơ thể. Tuy nhiên, bắt tay là hành động có nguy cơ cao. Khi tay một người bị nhiễm COVID-19 chạm vào tay người khác có thể truyền virus sang tay người này.
Từ bàn tay có virus có thể nhiễm tiếp vào đường hô hấp do các hành động khác như dụi mắt, ngoáy mũi, cho tay lên miệng hoặc kể cả chạm tay lên mặt, tạo cơ hội (dù nhỏ) để virus "bay" vào mũi. Do vậy, thực hành rửa tay/sát trùng tay và không chạm tay vào vùng mặt (đặc biệt là sau khi bắt tay) là biện pháp hiệu quả để ngăn nguy cơ lây nhiễm do bắt tay.
Hôn nhau có làm lây COVID-19 không?
Có. Khi hôn, dù hôn môi hay hôn lên trán, lên má đều là tiếp xúc trực tiếp với người bệnh.
Sinh hoạt tình dục có làm lây COVID-19 không?
Chưa có nghiên cứu chứng minh COVID-19 có lây qua niêm mạc đường sinh dục hay không và do vậy có lây qua sinh hoạt tình dục ở hình thức giao hợp khác giới hay không. Tuy nhiên, do sinh hoạt tình dục có nhiều hình thức, mức độ và động tác khác nhau nên sinh hoạt tình dục là hành vi có nguy cơ.
Nguy cơ lây nhiễm cao hay thấp tùy thuộc mức độ tương tác giữa những người bạn tình tiếp xúc với dịch tiết đường hô hấp của người có COVID-19.
Khi mọi việc chưa rõ ràng, nên thực hiện các hành vi tình dục an toàn để vừa có tác dụng bảo vệ người đã nhiễm COVID-19 trước nguy cơ bị nhiễm thêm các bệnh lây truyền qua đường tình dục, vừa bảo vệ bạn tình không bị lây nhiễm COVID-19 từ người nhiễm trước đó.
COVID-19 có lây qua thức ăn không?
Chưa có nghiên cứu chứng minh COVID-19 có lây qua đường ăn uống hay không. Mặc dù đã có nghiên cứu cho thấy có COVID-19 trong phân của bệnh nhân và một số bệnh nhân có biểu hiện bị tiêu chảy, điều đó gợi ý rằng COVID-19 có thể gây tổn thương đường tiêu hóa.
Do miệng và mũi thông nhau nên chưa biết liệu virus từ đường hô hấp rơi xuống đường tiêu hóa và ra phân hay virus từ thức ăn trong miệng tấn công lên đường hô hấp. Khi chưa thể loại trừ mọi khả năng thì vẫn nên thực hành "ăn chín, uống sôi" để phòng chống dịch. Tuyệt đối không nên ăn tiết canh sống, thịt sống, nhất là của động vật hoang dã.
COVID-19 có lây qua đường máu không?
Chưa có thông tin về vấn đề này. Trên quan điểm dự phòng, bệnh COVID-19 là bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm, mọi khuyến cáo về bảo hộ nhân viên y tế đều được đặt lên ở mức cao nhất trước nguy cơ phơi nhiễm với máu của người bệnh.
Về phương diện an toàn truyền máu, trong giai đoạn hiện nay chắc chắn người có xét nghiệm dương tính với COVID-19 sẽ không được hiến máu tình nguyện trong những đợt hiến máu tình nguyện đại trà.
Trong tương lai, liệu xét nghiệm COVID-19 có được đưa vào nhóm xét nghiệm sàng lọc an toàn truyền máu hay không còn chờ thêm các bằng chứng chắc chắn về việc virus này có lây truyền qua đường máu hay không.
COVID-19 có lây từ mẹ sang con không?
Trong đợt dịch này, các nhà khoa học Trung Quốc đã theo dõi 9 trường hợp phụ nữ mang thai nhiễm COVID-19 và đã sinh con. Các xét nghiệm dịch ối, máu dây rốn trẻ sơ sinh có mẹ nhiễm COVID-19 và sữa mẹ không thấy có virus COVID-19.
Cùng thêm các thông tin về SARS-CoV và MERS-CoV không lây truyền dọc từ mẹ sang con khiến cho các nhà khoa học tạm kết luận rằng COVID-19 không lây truyền dọc từ mẹ sang con.
Mặc dù vậy, các quan sát mới chỉ thực hiện ở 9 ca bệnh nên cần có số liệu của nhiều người hơn để có thể kết luận chắc chắn về vấn đề này.
Lưu ý: Lây nhiễm dọc được hiểu là lây từ mẹ sang con qua nhau thai. Việc cách li con khỏi mẹ để tránh lây nhiễm qua đường hô hấp hoặc đường tiếp xúc trực tiếp vẫn là cần thiết.
COVID-19 có gây quái thai không?
Một số virus nhiễm vào phụ nữ mang thai gây ảnh hưởng đến thai nhi như virus cúm gây sứt môi hở hàm ếch, virus Zika gây bệnh đầu nhỏ; một số virus có thể gây sẩy thai như Rubella.
Chưa thể trả lời được liệu COVID-19 có thể gây ảnh hưởng gì lên thai nhi. Trên thực tế, cần theo dõi dài ngày hậu quả thai sản của những trường hợp bệnh nhân là phụ nữ mang thai nhiễm COVID-19 ở các giai đoạn sớm của thai kì.
(Trích "100 CÂU HỎI - ĐÁP VỀ DỊCH BỆNH COVID-19" -- Học Viện Quân Y)