Những chuyển động của thương mại điện tử Việt năm 2021
Năm 2021 có thể nói là một năm nhiều biến động, thậm chí là chưa từng xảy ra trong lịch sử với Việt Nam nói chung và nền kinh tế Việt Nam nói riêng. Các biến chủng mới của đại dịch COVID-19 đã gây ra làn sóng bùng phát dịch bệnh lần thứ 4, khiến nhiều tỉnh thành trên cả nước, đặc biệt là ở khu vực phía Nam phải thực hiện các chỉ thị giãn cách xã hội để đảm bảo an toàn.
Trong bối cảnh đó, việc đi lại mua sắm đồ dùng đã trở thành chủ đề nóng được thảo luận và đưa ra giải pháp suốt thời gian dài. Cùng khoảng thời gian đó, xu hướng tiêu dùng của cả người mua và người bán cũng có sự thay đổi, hướng nhiều hơn đến thị trường Thương mại điện tử (TMĐT).
Vừa qua, ông lớn Lazada cũng đã công bố bản báo cáo về thị trường TMĐT Việt Nam trong năm qua, trong đó có đề cập đến các xu hướng của người tiêu dùng lẫn người bán trong một năm đầy biến động.
Chân dung người tiêu dùng trên TMĐT ngày càng đa dạng trong năm 2021
Theo Lazada, hơn 75% người dùng số trong độ tuổi 55 - 64 tuổi tại Việt Nam đã mua sắm trực tuyến ít nhất 1 sản phẩm trong tháng 1/2021.
Người tiêu dùng TMĐT ngày càng đa dạng về độ tuổi và khu vực. Một báo cáo năm 2021 từ DataReportal cho thấy, tại Việt Nam có hơn 85% người dùng số trong độ tuổi từ 35 - 44 (Thế hệ Y), gần 84% người dùng số từ 45 - 54 tuổi (Thế hệ X) và hơn 75% người dùng số trong độ tuổi từ 55 - 64 tuổi (thế hệ Boomers II) đã mua trực tuyến ít nhất một sản phẩm vào tháng 1/2021. Những số liệu thống kê này cho thấy sự phổ biến của TMĐT đối với mọi thế hệ, trái ngược với suy nghĩ thông thường rằng "chỉ có giới trẻ mới mua sắm trực tuyến".
Ngoài ra, năm 2021 cũng ghi nhận sự chuyển dịch về khu vực địa lý của các nhóm người dùng số. Trong khi số lượng người dùng TMĐT từ các thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh gần như bão hòa thì tỷ lệ người dùng ở các tỉnh thành khác lại cho thấy sự tăng trưởng đầy hứa hẹn.
Theo một báo cáo gần đây của Google, Temasek và Bain & Company, gần 4,5 triệu người tiêu dùng trực tuyến mới đến từ các khu vực ngoại thành, chiếm 55% trên tổng số 8 triệu người tiêu dùng trực tuyến mới của cả nước vào nửa đầu năm 2021.
Sự thay đổi thói quen mua sắm và tiêu dùng trên nền tảng TMĐT
Thời gian người tiêu dùng sử dụng các nền tảng TMĐT cho thấy hiệu quả của chiến lược Shoppertainment (mua sắm kết hợp giải trí). Nhìn chung, thời gian mua sắm trực tuyến có xu hướng tăng lên dưới tác động của COVID-19.
Báo cáo tháng 12/2021 của PwC cho thấy tại Việt Nam tỷ lệ người mua sắm tại cửa hàng giảm từ 76% năm 2019 xuống 67% vào cuối năm 2021, trong khi mua sắm qua các thiết bị di động và điện thoại thông minh tăng từ 55% lên 69%.
Điều này cho thấy COVID-19 đã tác động sâu sắc đến hành vi của người tiêu dùng khi chuyển từ hình thức mua sắm ngoại tuyến sang hình thức trực tuyến. Xu hướng này hứa hẹn vẫn được duy trì trong thời kỳ "bình thường mới" khi hành vi mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng đã trở thành thói quen và dần thay thế các hình thức mua hàng truyền thống khác.
Một yếu tố khác cũng được đề cập đến là sự tăng trưởng ổn định trong giá trị tiêu dùng (chi tiêu trực tuyến). Giá trị chi tiêu bình quân một người/năm ở Việt Nam dành cho mua sắm trực tuyến năm 2020 đạt khoảng 240 USD (gần 5,5 triệu đồng), tăng gần 42% so với năm 2016.
Có thể thấy, mặc dù COVID-19 gây ra một số khó khăn về kinh tế, đặc biệt là trong giao vận hàng hóa, nhưng cũng góp phần thay đổi hành vi mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng. Có thể nói, sự thay đổi này chính là tiềm năng phát triển của thị trường TMĐT.
Theo Sách trắng TMĐT Việt Nam năm 2021, số lượng hàng hóa/dịch vụ trung bình trong mỗi đơn hàng trực tuyến của khách hàng từ năm 2019 đến nay tăng đáng kể. Cụ thể, tỷ lệ người mua từ 10 đến 15 sản phẩm và 15 sản phẩm trở lên gia tăng ấn tượng trong năm 2020. Các thông số chi tiết cho thấy tỷ lệ người mua 10 đến 15 sản phẩm tăng từ 14% vào năm 2019 lên 24% vào cuối năm 2020. Tỷ lệ người mua trên 15 sản phẩm cũng tăng từ 18% vào năm 2019 lên 29% vào năm 2020.
Chi tiêu dành cho mua sắm trực tuyến cũng cho thấy xu hướng tương tự. Trong khi tỷ lệ người tiêu dùng dành ra dưới 1 triệu đồng để mua sắm trực tuyến đã giảm đáng kể (từ 26% năm 2019 xuống chỉ còn 16% năm 2020), thì tỷ lệ người tiêu dùng mua sắm từ 1 - 3 triệu đồng, 3 - 5 triệu đồng và trên 5 triệu đồng được ghi nhận tăng cao. Có thể thấy rõ, các nền tảng TMĐT đã phần nào củng cố được niềm tin của người tiêu dùng, khiến họ sẵn sàng chi tiêu trực tuyến nhiều hơn.
Trong mùa dịch vừa qua, người tiêu dùng cũng ưu tiên chuyển sang hàng bách hóa và hàng hóa thiết yếu. Các hạng mục được tìm kiếm nhiều nhất trên Lazada lần lượt là: Quần áo; Chăm sóc cá nhân; Trang trí nội thất; Thực phẩm đóng hộp, khô & đóng gói, ngũ cốc ăn sáng; Vật dụng làm vườn; Kẹp bấm thực phẩm & Đồ dùng nấu ăn; Trò chơi & Câu đố; Vật tư y tế; Thực phẩm bổ sung; Sách, Học tập & Giáo dục và các Thiết bị trường học & văn phòng.
Có thể thấy rõ tác động của COVID-19 đến nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng khi các sản phẩm y tế và chăm sóc sức khỏe vươn lên top tìm kiếm trong danh mục tìm kiếm của Lazada.
Cuối cùng, tiêu chí mua hàng của người tiêu dùng cũng có sự thay đổi. Theo Sách trắng TMĐT Việt Nam năm 2021, khi được hỏi về tiêu chí quan tâm khi mua sắm trực tuyến, 70% người tiêu dùng lựa chọn yếu tố hàng đầu là độ uy tín của trang web/ứng dụng TMĐT; 41% sẽ được thu hút bởi các chương trình khuyến mãi; 40% lựa chọn vì các chính sách ưu đãi vận chuyển và 39% quan tâm đến mức giá so với mua tại cửa hàng.
Nhà bán hàng mới trên các nền tảng TMĐT: Sự bùng nổ từ ngành hàng FMCG (nhóm hàng tiêu dùng) và các khu vực phi thành thị
Sự gia tăng mạnh mẽ về số lượng người tiêu dùng mới và nhu cầu mua sắm ngày càng cao trên các nền tảng TMĐT đã thu hút một lượng lớn nhà bán hàng tham gia vào thị trường này trong năm 2021. Đặc biệt, khi hoạt động kinh doanh bị gián đoạn gần 4 tháng do giãn cách xã hội (từ cuối tháng 5 tới cuối tháng 9) tại các thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, việc "lên sàn" kinh doanh đã trở thành giải pháp chiến lược cho nhiều thương hiệu và nhà bán hàng.
Hai báo cáo gần đây của Lazada Việt Nam cho thấy số lượng nhà bán hàng trong quý II/2021 đã tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước và con số này tiếp tục tăng hơn 1,5 lần trong quý III/2021 so với cùng kỳ năm trước.
Quý III cũng chứng kiến các thương hiệu thực phẩm và đồ uống (F&B) lớn tham gia kinh doanh trên Lazada. Điều này đã góp phần mang đến mức tăng trưởng cao nhất về số lượng người bán trong ngành FMCG vào năm 2021. Ngoài ra, các ngành hàng khác cũng cho thấy sức hút đối với nhà bán hàng mới bao gồm ngành hàng Thời Trang, ngành hàng Nhà cửa & Đời sống và ngành hàng Điện tử.
Số lượng nhà bán hàng mới ở các khu vực phi thành thị cũng tăng đáng kể trong năm qua. Theo thống kê mới nhất của Lazada trong 11 tháng đầu năm 2021, có tới 40% nhà bán hàng mới trên nền tảng này đến từ các khu vực phi thành thị. Trong khi số lượng nhà bán hàng mới đến từ Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh lần lượt là 29% và 31%.
Sự khác biệt giữa kinh doanh offline và online: Thách thức cho các doanh nghiệp
Cả mô hình kinh doanh ngoại tuyến (offline) và trực tuyến (online) đều đòi hỏi chủ doanh nghiệp phải có chiến lược lựa chọn và quản lý nguồn cung sản phẩm rõ ràng, chiến lược giá để thu hút người tiêu dùng hoặc tạo ra nhiều tương tác, nhằm xây dựng niềm tin với khách hàng.
Tuy nhiên, cách thức thực hiện các chiến lược này ở mô hình kinh doanh ngoại tuyến và trực tuyến lại có không ít điểm khác biệt. Ví dụ, một trong những khác biệt và thách thức điển hình trong kinh doanh trực tuyến là thuyết phục khách hàng mua sản phẩm khi không được "sờ tận tay, nhìn tận mắt". Do đó, những nhà bán hàng mới cần phải tìm cách để làm nổi bật sản phẩm của mình trong mắt khách hàng và thuyết phục khách hàng rằng sản phẩm hoặc dịch vụ mà họ cung cấp là ưu việt.
Để giải quyết khó khăn đến từ những sự khác biệt này, các nhà bán hàng trực tuyến cần xây dựng các kết nối "ảo" bằng cách cung cấp mô tả sản phẩm chi tiết, trực quan hơn. Ngoài ra, điều quan trọng hơn hết là việc hiển thị và cung cấp các nội dung đánh giá từ những người mua trước để có được sự tin tưởng cao hơn từ khách hàng.
Các giải pháp hữu hiệu để giúp nhà bán hàng mới vượt qua những trở ngại ban đầu
Việc đáp ứng nhiều yêu cầu và chờ đợi lâu trong quá trình đăng ký có thể khiến nhà bán hàng mới nản lòng. Do đó, các nền tảng TMĐT đã cố gắng đơn giản hóa quy trình đăng ký, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà bán hàng mới trong việc tham gia kinh doanh.
Bên cạnh đó, để hỗ trợ nhà bán hàng mới, các nền tảng TMĐT đã tăng cường tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn về cơ chế hoạt động của nền tảng, cách bán và quảng bá sản phẩm… Các chương trình đào tạo này sẽ giúp nhà bán hàng mới thích nghi nhanh chóng và sớm đạt được kết quả kinh doanh ổn định trên TMĐT.
Thách thức lớn nhất đối với các nhà bán hàng trên môi trường trực tuyến là "kết nối" với khách hàng để tạo dựng lòng tin cho gian hàng và sản phẩm của mình. Để phần nào gỡ bỏ rào cản này, các nền tảng TMĐT đã và đang cung cấp các chiến lược tiếp thị và quảng bá để thu hút nhiều khách hàng đến với các cửa hàng mới thành lập; từ đó tạo thêm cơ hội cho các nhà bán hàng quảng bá cho thương hiệu của họ.
Khách hàng trực tuyến thường có những hành vi và thói quen mua sắm khác với khách hàng ngoại tuyến, điều này đòi hỏi nhà bán hàng mới phải liên tục đầu tư nghiên cứu, tìm hiểu và cải thiện phương thức chăm sóc khách hàng.
Do đó, đối với các nhà bán hàng mới, việc tận dụng nguồn lực hỗ trợ chăm sóc khách hàng từ các nền tảng TMĐT sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo trải nghiệm mua sắm tốt cho khách hàng, từ đó giúp họ tăng doanh số và ổn định kinh doanh.
Việc đảm bảo giao hàng suôn sẻ và nhanh chóng là điều không hề dễ dàng đối với những nhà bán hàng, đặc biệt là những người chưa có nhiều kinh nghiệm bán hàng trực tuyến. Ngoài ra, quản lý việc điều phối, giao hàng thậm chí có thể làm tăng gánh nặng chi phí cho những nhà bán hàng mới. Do đó, việc cung cấp các dịch vụ hỗ trợ giao hàng từ nền tảng TMĐT là điều vô cùng cần thiết để giúp nhà bán hàng mới đảm bảo doanh số bán hàng và trải nghiệm mua sắm cho khách hàng của họ.
Các nhà bán hàng TMĐT được khuyến khích thử nghiệm mô hình thương mại trực tuyến (livestream commerce)
Livestream Commerce là sự kết hợp giữa video trực tuyến và TMĐT, từ đó tạo cho khách hàng cảm giác được phục vụ và tư vấn bởi nhân viên như khi mua sắm tại các cửa hàng truyền thống. Thông qua các buổi livestream, người dùng sẽ nhận được thông tin một cách trực quan, từ đó đưa ra quyết định mua hàng nhanh chóng hơn.
Tại Việt Nam, từ cuối năm 2020, nhiều dự báo cho thấy livestream sẽ không dừng lại như một trào lưu bán hàng trực tuyến mà sẽ sớm trở thành một ngành công nghiệp với quy mô lớn. Ngành công nghiệp livestream tại Việt Nam cho thấy nhiều dấu hiệu tích cực với lượng người tham gia ngày càng tăng.
Các nền tảng TMĐT gia tăng hỗ trợ đối với cộng đồng nhà bán hàng
Việc thiết lập cộng đồng nhà bán hàng là cơ sở giúp các nền tảng TMĐT thấu hiểu, kịp thời phản hồi và hỗ trợ các đối tác kinh doanh của mình. Ngoài ra, việc xây dựng một cộng đồng lớn mạnh, nơi các nền tảng TMĐT và nhà bán hàng tích cực chia sẻ kinh nghiệm và giúp đỡ lẫn nhau, sẽ là thỏi nam châm thu hút các nhà bán hàng mới.
Do đó, nhiều nền tảng TMĐT hiện đang tập trung khởi tạo các chiến dịch, hoạt động, chương trình ưu đãi và chăm sóc khác nhau dành riêng cho cộng đồng nhà bán hàng.