|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Những câu hỏi còn bỏ ngỏ mùa đại hội ngân hàng 2017

06:50 | 11/05/2017
Chia sẻ
Kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận trên 50% của SHB liệu có khả thi?, mục tiêu mua lại nợ xấu của VietinBank có ảnh hưởng đến lợi nhuận?, kế hoạch tăng vốn của BIDV?, và rất nhiều thắc mắc của cổ đông ngân hàng vẫn chưa có lời đáp.

Mùa cao điểm đại hội cổ đông đi qua, nhưng có không ít thắc mắc của cổ đông đã không nhận được câu trả lời thoả đáng từ lãnh đạo ngân hàng.

nhung cau hoi con bo ngo mua dai hoi ngan hang 2017
Hàng loạt câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ trong mùa đại hội cổ đông ngân hàng 2017

Kế hoạch tăng trưởng 50% lợi nhuận của SHB liệu có hợp lý?

Trong đại hội thường niên 2017 hồi cuối tháng 4, cổ đông SHB từng đề cập đến việc có hay không sự mâu thuẫn khi đặt kế hoạch tăng trưởng 50% lợi nhuận trước thuế trong khi tăng trưởng tín dụng chỉ đạt ở mức 18%. Hay ngân hàng có khoản thu đặc biệt nào khác trong năm.

Ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch HĐQT SHB - cho biết chúng tôi đã nghiên cứu rất kỹ tất cả các yếu tố, thách thức, đối thủ cạnh tranh,… mới có thể đưa ra kế hoạch như vậy. Ông cũng khẳng định kế hoạch này hoàn toàn hợp lý và khả thi.

Năm 2016, sau khi trừ chi phí dự phòng 1.302 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế của SHB đạt 1.156 tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận từ dịch vụ đại lý, tư vấn và thanh lý tài sản tăng đột biến.

Câu hỏi đặt ra là liệu SHB có đạt được mức tăng trưởng như dự kiến khi khởi đầu quý I/2017 không mấy thuận lợi, thực hiện được chỉ đạt 17% kế hoạch. Tổng lợi nhuận trước dự phòng đạt 499 tỷ đồng, tăng 5,4%; tuy nhiên chi phí dự phòng lại tăng 14% lên 192 tỷ đồng. Kết quả lợi nhuận trước thuế của SHB ở con số 307 tỷ đồng, xấp xỉ cùng kỳ năm trước.

Một ẩn số nữa của SHB là công ty tài chính tiêu dùng sẽ chính thức đi vào hoạt động vào quý III, góp phần vào kết quả kinh doanh của ngân hàng. Tuy nhiên, ông Hiển cũng chia sẻ trong năm 2017, Công ty này chỉ đặt kế hoạch lợi nhuận trên 100 tỷ đồng. Do vậy, đây cũng sẽ không phải là yếu tố gây lợi nhuận đột biến.

VietinBank - Kế hoạch mua lại toàn bộ nợ xấu từ VAMC trong năm có mâu thuẫn với kế hoạch lợi nhuận?

Năm 2017, VietinBank đặt kế hoạch 8.800 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tương đương tăng trưởng 3% so với năm 2016. Trong khi năm trước, ngân hàng đã đạt mức tăng trưởng lợi nhuận lên đến 16%.

Cũng trong năm nay, ngân hàng dự kiến sẽ mua lại toàn bộ nợ xấu từ VAMC. Tính đến 31/12/2016, tổng số nợ VietinBank đã bán cho VAMC đạt 9.156 tỷ đồng, trong đó đã trích lập dự phòng được 2.615 tỷ đồng. Như vậy, nếu thực hiện mua lại toàn bộ nợ xấu VietinBank phải bỏ ra 6.541 tỷ đồng.

nhung cau hoi con bo ngo mua dai hoi ngan hang 2017
Ước tính tỷ lệ nợ xấu của VietinBank nếu mua lại toàn bộ nợ xấu tại VAMC (Ảnh: Diệp Bình)

Dự kiến nếu VietinBank có thể giữ cho tăng trưởng nợ xấu không vượt quá mức tăng trưởng tín dụng kế hoạch (16%) thì kế hoạch mua lại toàn bộ nợ xấu là hoàn toàn khả thi. Theo kế hoạch, con số nợ xấu của VietinBank sẽ xấp xỉ 14.363 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ nợ xấu 1,74%.

Mặt khác, nếu toàn bộ nợ xấu từ VAMC được chuyển về thì ngân hàng sẽ giảm được phần chi phí dự phòng hàng năm cho khoản trái phiếu này. Điều này sẽ là nhân tố đẩy lợi nhuận của VietinBank tăng hàng nghìn tỷ.

BIDV bỏ ngỏ kế hoạch tăng vốn khi không thực hiện được trả cổ tức bằng cổ phiếu

BIDV là một trong những ngân hàng xác định rõ việc tăng vốn là mục tiêu bắt buộc trong năm nay, bởi nếu không thực hiện sẽ không đạt được chỉ tiêu an toàn theo quy định mới.

Đại hội thường niên vừa qua, cổ đông BIDV thông qua tăng vốn thêm 4.445 lên 38.632 tỷ đồng. Phương án gồm phát hành 102,6 triệu cổ phiếu ESOP; 102,6 triệu cổ phần riêng lẻ cho 20 nhà đầu tư; chia cổ tức với tỷ lệ 7% bằng cổ phiếu.

Tuy nhiên, ngay sau đó Bộ tài chính yêu cầu BIDV trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 7%. Với việc sở nắm giữ trên 95% vốn điều lệ BIDV, chỉ thị của Bộ đã được thông qua.

Do vậy, kế hoạch tăng vốn thêm 4.445 tỷ đồng đã bị hụt hơi quá nửa, tương đương 2.393 tỷ đồng. Việc tăng vốn của BIDV bị bỏ ngỏ, với hai phương thức còn lại liệu có đủ đáp ứng nhu cầu vốn trước mắt của ngân hàng.

Trong số 3 ngân hàng cổ phần quốc doanh hiện nay, BIDV là ngân hàng hệ số CAR thấp nhất (10,15%) và không còn dư địa để nâng vốn cấp 2 nên sẽ ít lựa chọn hơn đối với việc tăng vốn. Hơn nữa, Chính phủ hiện quyết định không bơm thêm vốn cho các ngân hàng quốc doanh, buộc họ phải chủ động thu hút vốn từ bên ngoài.

VPBank sẽ bán FE Credit cho đối tác nào?

FE Credit được xem là gà đẻ trứng vàng của VPBank trong thời gian qua khi đem lại con số lợi nhuận khủng, đưa VPBank lên top các ngân hàng đạt lãi nghìn tỷ trong quý I vừa qua.

Tuy nhiên, từ trước đó VPBank đã rục rịch ý định thoái bớt vốn từ con cưng này nhằm tăng cường vốn cho ngân hàng mẹ và nâng cao chất lượng quản lý rủi ro cho chính FE Credit.

Chia sẻ trong đại hội về việc sẽ bán 49% vốn của FE Credit cho đối tác nước ngoài, ông Ngô Chí Dũng - Chủ tịch HĐQT VPBank cho biết thương vụ vẫn đang trong quá trình thương lượng và dự kiến sẽ kéo dài về thời gian. Tuy nhiên, đối tác mua lại vẫn chưa được tiết lộ và tiến độ thương vụ đến nay vẫn trong im lìm.

Nhiều chuyên gia cho rằng với mức lãi khủng mà FE Credit mang lại VPBank đang chần chừ trong việc thoái bớt vốn từ đây.

Hiện Sacombank, Saigonbank, PVcomBank là những ngân hàng chưa tổ chức đại hội thường niên trong năm nay. Nhân sự, tăng vốn, tái cấu trúc sẽ tiếp tục là những chủ đề nóng tại đại hội của các ngân hàng này.

Diệp Bình