|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nhu cầu nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc có thể giảm sút vì doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi thua lỗ

15:52 | 23/04/2022
Chia sẻ
Do đó, giá đậu tương đã tăng lên mức cao kỷ lục trong tháng 3. Điều này khiến tỷ suất lợi nhuận của các nhà máy thức ăn chăn nuôi ở Trung Quốc xuống mức âm, kéo theo nhu cầu nhập khẩu đậu tương tại thị trường này đi xuống.

Theo S&P Global Commodity Insights, trong năm 2022, nhu cầu đậu nành của Trung Quốc - nhà nhập khẩu đậu nành lớn nhất thế giới - dự báo sẽ giảm 3,5% -6,1% so với năm 2021 do tiêu thụ thức ăn chăn nuôi bị chậm lại. 

Tuy nhiên, nguồn cung toàn cầu bị thắt chặt trong quý đầu tiên do hạn hán ở Brazil khiến việc thu hoạch bị trì hoãn và xuất khẩu giảm. Do đó, giá đậu tương đã tăng lên mức cao kỷ lục trong tháng 3. Điều này khiến tỷ suất lợi nhuận của các nhà máy thức ăn chăn nuôi ở Trung Quốc xuống mức âm, kéo theo nhu cầu nhập khẩu đậu tương tại thị trường này đi xuống.

Biên lợi nhuận gộp được S&P Global đánh giá là âm 23,06 USD / tấn (số liệu tính đến ngày 20/4). Thậm chí, biên lợi nhuận ròng có thể gần đến âm 63 USD / tấn.

Dữ liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho thấy nhập khẩu đậu tương của nước này giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 6,35 triệu tấn trong tháng 3. Tính chung trong quý I, nhập khẩu đậu tương giảm 4,2% so với cùng kỳ xuống 20,3 triệu tấn.

S&P Global dự báo tổng nhập khẩu đậu tương trong năm 2022 của Trung Quốc ở mức trung bình 92 triệu - 93 triệu tấn, giảm 3,6% -4,7% so với năm 2021.

“Chúng tôi cho rằng với tình hình nhu cầu thấp như hiện nay, nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc có thể tiếp tục giảm trong quý II và III. Tổng lượng nhập khẩu đậu tương năm nay có thể chỉ ở mức khoảng 90 triệu tấn”, một chuyên gia theo dõi ngành đậu tương của Trung Quốc nhận định. Tổng nhập khẩu vào năm 2022 với khối lượng này sẽ tương đương với mức giảm 6,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhu cầu nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc có thể cải thiện trong quý IV?

Trước khi COVID-19 tái bùng phát ở Trung Quốc vào quý I, nhiều chuyên gia trong ngành đã kỳ vọng khối lượng nhập khẩu đậu tương của nước này sẽ tăng mạnh từ tháng 4 đến tháng 5. Tuy nhiên, nhu cầu của các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi hiện đang giảm mạnh do các lệnh hạn chế liên quan đến COVID-19.

Do đó, các chuyến hàng đậu tương mới đến có thể sẽ được dự trữ. Theo nguồn tin từ một công ty nhập khẩu đậu tương nhà nước của Trung Quốc, các máy nghiền hiện đang giảm công suất để tránh thua lỗ. Điều này sẽ khiến nguồn cung khô đậu tương trong tháng 8 và tháng 9 thấp hơn. 

Do đó, thị trường nhìn chung kỳ vọng giá khô đậu tương sẽ cao hơn khi nguồn cung thắt chặt trong quý III.

Các nguồn tin thị trường trong lĩnh vực xay xát thức ăn chăn nuôi cho biết nông dân hiện đang giảm đàn heo do biên lợi nhuận âm kéo dài. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi được dự đoán sẽ phục hồi vào nửa cuối năm, điều này có thể hỗ trợ tỷ suất lợi nhuận tăng trong quý IV.

Tỷ suất lợi nhuận của người chăn nuôi tốt hơn sẽ cho phép nông dân tăng tỷ lệ khô đậu tương được sử dụng trong thức ăn cho heo, có khả năng hỗ trợ nhu cầu đối với đậu tương trong quý IV.

“Nhu cầu đối với lĩnh vực thức ăn chăn nuôi sẽ được phục hồi [trong nửa cuối năm] và các hạn chế có thể được dỡ bỏ, hàng tồn kho sẽ bắt đầu được sử dụng hết. Sau đó, tốc độ mua của thị trường có thể tăng mạnh trở lại ”, một công ty nhập khẩu đậu tương lớn tại Trung Quốc nhận định. 

Năm ngoái, Trung Quốc đã từng ồ ạt nhập khẩu đậu tương trong bối cảnh ngành chăn nuôi đẩy mạnh sản lượng.

Điển hình như trong 5 tháng đầu năm 2021, Trung Quốc đã mua tổng cộng 38,23 triệu tấn đậu nành, kim ngạch đạt 19,35 tỷ USD. So với cùng kỳ năm 2020, kim ngạch nhập khẩu đậu nành của đất nước tỷ dân tăng 44,2%, theo dữ liệu do hải quan Trung Quốc.

H.Mĩ