|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nhật Bản tiếp tục là thị trường tiêu thụ thủy sản lớn nhất của Việt Nam trong tháng 11

22:01 | 18/12/2022
Chia sẻ
Vượt qua Mỹ và Trung Quốc, Nhật Bản tiếp tục trở thành thị trường tiêu thụ thủy sản lớn nhất của Việt Nam trong tháng 11 với đạt kim ngạch 151 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2021.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy trong tháng 11, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 789 triệu USD, giảm 13% so với tháng 10 và giảm 13% so với tháng 11/2021. Luỹ kế 11 tháng, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 10,2 tỷ USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2021, mức cao kỷ lục của ngành thủy sản cho đến nay.

Trong tháng 11, Nhật Bản tiếp tục là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 151 triệu USD, giảm 6% so với tháng 10 nhưng tăng 11% so với tháng 11/2021.

Tính chung 11 tháng, xuất khẩu thủy sản sang Nhật Bản đạt gần 1,6 tỷ USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2021, xếp thứ hai sau Mỹ.

 

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ hai của Việt Nam trong tháng 11 với kim ngạch 127 triệu USD, giảm 10% so với tháng 10 nhưng tăng 6% so với tháng 11/2021. Tính chung 11 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc đạt gần 1,5 tỷ USD, tăng 71% so với cùng kỳ năm 2021.

Xuất khẩu thủy sản sang Mỹ giảm mạnh tụt xuống vị trí thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ ba của Việt Nam trong tháng 11 với kim ngạch 118 triệu USD, giảm 22% so với tháng 10 và giảm 40% so với tháng 11/2021. Tính chung 11 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản sang thị trường Mỹ vẫn tăng 9% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 2 tỷ USD.

 

 

 

 

Trong tháng 11, ngoại trừ Nhật Bản và Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang các thị trường lớn đều giảm so với tháng 10/2022 và cả tháng 11/2021 như  Mỹ, Hàn Quốc, Canada, Australia, Thái Lan, Anh, Hà Lan, Đức.

Theo nhận định của các chuyên gia, trong bối cảnh lạm phát ở Mỹ đạt đỉnh, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đang có xu hướng xuất khẩu nhiều sang các thị trường có vị trí địa lý gần (châu Á) để duy trì sản xuất và hạn chế tối đa những bất lợi cho doanh nghiệp.

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch CTCP Thực phẩm Sao Ta cho biết các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia… ưa chuộng nhập các sản phẩm chế biến sâu, cao cấp, điều này rất phù hợp với lợi thế của doanh nghiệp Việt. Mặt khác, doanh nghiệp cũng giảm áp lực về chi phí vận chuyển so với các tuyến Mỹ, EU… 

“Có thể nói, Nhật Bản và Hàn Quốc là thị trường sân nhà của mình. Nhật là thị trường thứ 2-3, Hàn Quốc là thị trường thứ 5, Australia là thị trường thứ 7, dần dần chúng ta phải thâm nhập”, Chủ tịch Sao Ta nói.

Hoàng Anh