|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Phía sau con số xuất khẩu kỷ lục 10 tỷ USD của ngành thủy sản

09:36 | 08/12/2022
Chia sẻ
Chủ tịch Sao Ta nhận định năm 2022 đã để lại thành quả đầy ấn tượng cho tất cả sản phẩm thủy sản xuất khẩu, nhất là cá tra. Tuy nhiên, những khó khăn năm 2023 đã hiện hữu và doanh nghiệp cần linh hoạt sách lược hoạt động, kinh doanh để vượt qua chông gai.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), 11 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam đạt 10,2 tỷ USD, thành tích cao nhất sau hơn 20 năm ngành thủy sản tham gia vào thị trường quốc tế.

Trong đó, xuất khẩu cá tra đạt gần 2,3 tỷ USD, tăng trưởng mạnh 63% so với cùng kỳ năm 2021 và chiếm 22,5% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản;  tôm thu về trên 4 tỷ USD, tăng 14% và chiếm 39%. Cá ngừ là ngành có tăng trưởng lớn thứ hai với mức 40% đạt 941 triệu USD. Xuất khẩu mực, bạch tuộc cũng tăng trưởng mạnh 30% đạt 704 triệu USD. 

VASEP cho rằng đây là kết quả của sự tăng trưởng mạnh ba quý đầu năm, nhu cầu thị trường dồi dào, giá xuất khẩu tăng, nguồn nguyên liệu đủ cung ứng cho đơn hàng.

Đây là một thành tích đáng ghi nhận với ngành thuỷ sản Việt Nam khi năm 2022 là một năm các doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. 

 

Ông Hồ Quốc Lực, Nguyên Chủ tịch VACEP, Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta, nhận định đây là những con số tăng trưởng ấn tượng trong bối cảnh kinh tế các nước chưa hồi phục hoàn toàn hậu COVID-19, lại phải chịu thêm cú bồi từ cuộc xung đột của Nga - Ukraine khiến thế giới rơi vào lạm phát.

Tuy vậy ở thời điểm hiện tại ngành lại đang phải đối mặt với nhiều khó khăn khi tình hình tiêu thụ giảm mạnh,doanh nghiệp thủy sản đang chịu sức ép từ nhiều phía, dòng tiền bị đình trệ, khó mà hoàn tất kịp thời trách nhiệm với nơi cung ứng vốn.

Trước những thách thức trước mắt, Chủ tịch Sao Ta cho rằng các doanh nghiệp cần điều chỉnh linh hoạt sách lược hoạt động, kinh doanh để vượt qua những chông gai với chi phí thấp nhất. Trong đó, điều quan trọng nhất là làm tăng sức cạnh tranh sản phẩm thông qua tính toán tối ưu quy trình chế biến, các định mức tiêu hao.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần nâng cao năng suất thông qua trang bị các công cụ hỗ trợ, đồng thời coi trọng sự uyển chuyển trong hoạch định thị trường từng giai đoạn, đi liền là sản phẩm tập trung tương ứng cũng như chọn lọc lại các khách hàng phù hợp.

“Trong bối cảnh hiện nay khi người tiêu dùng ngày càng thông minh và sự đòi hỏi ngày càng khắt khe, các doanh nhân cũng không thể đi theo lối mòn cũ. Bây giờ là cạnh tranh quốc tế, đầy cam go, không thể chậm chân hay chủ quan”, ông Hồ Quốc Lực nói.

Chia sẻ tại hội thảo "Ngành thủy sản 2023: Nhận diện thách thức & giải bài toán đơn hàng giảm, lãi suất tăng", ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, cho rằng đây không phải là khó khăn của năm tới mà là khó khăn của cuối năm 2022 chuyển sang năm 2023. 

"Thị trường không thể xuống mãi được, vẫn sẽ có lúc lên nhưng quan trọng thị trường lên trở lại khi nào. Nhiều người hy vọng là cuối quý I/2023 thị trường sẽ hồi phục. Nếu thực tế tình hình kinh tế thế giới cải thiện, nhu cầu sớm quay trở lại thì chúng ta có thể hy vọng sớm vượt qua khó khăn trong năm 2023", ông nói

Theo ông Hoè, kinh tế vĩ mô hiện nay của Việt Nam được đánh giá là khá tốt nên sẽ không bị tác động nhiều bởi vấn đề bên ngoài giống năm 2008. Ngoài ra, sức khỏe của doanh nghiệp hiện nay không thể nói là mạnh nhưng chắc chắn sẽ vững hơn giai đoạn 2008. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp không nên quá bi quan mà phải tiếp tục cầm cự và đón bắt các cơ hội trong thời gian tới.  

Hoàng Anh

NHNN cho vay nhiều nhất trong 7 năm trên kênh OMO, nâng lãi suất lên 4,25%
Ngày 23/4, NHNN đã có động thái nâng lãi suất và kỳ hạn và quy mô cho vay qua kênh OMO. Trong đó, tổng giá trị cho vay trong phiên đạt mức cao nhất trong vòng hơn 7 năm.