|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Chủ tịch Sao Ta: Ngành tôm cần ‘biết người, biết ta’ trước sức ép cạnh tranh từ Ấn Độ và Ecuador

20:00 | 01/12/2022
Chia sẻ
Trước sức ép từ các đối thủ lớn như Ấn Độ và Ecuador, Chủ tịch Sao Ta cho rằng doanh nghiệp Việt cần đánh giá được điểm mạnh – điểm yếu của cả hai bên, chuẩn bị các sách lược về thị trường, sản phẩm để gia tăng sức cạnh tranh, phát huy được lợi thế trên thị trường quốc tế.

Tôm Việt phải cạnh tranh gay gắt với tôm Ecuador 

Trong vài năm trở lại đây, ngành tôm Việt Nam liên tục chịu áp lực từ phía Ecuador và Ấn Độ. Với lợi thế giá thành thấp, các quốc gia liên tục mở rộng quy mô nuôi tôm, điều này đang tác động không nhỏ đến sức cạnh tranh của doanh nghiệp xuất khẩu tôm.

Chia sẻ tại hội thảo "Ngành thủy sản 2023: Nhận diện thách thức & giải bài toán đơn hàng giảm, lãi suất tăng", ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta cho biết 6 nước nuôi tôm lớn trên thế giới bao gồm: Trung Quốc, Ecuador, Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam, trong đó ngành tôm của Ecuador nổi lên với tốc độ phát triển nhanh và mạnh.

Giai đoạn 2020 – 2022, mỗi năm kim ngạch xuất khẩu tôm của Ecuador tăng trưởng 50%, tức 3 tỷ USD năm 2020, 5 tỷ USD năm 2021 và dự kiến hơn 7 tỷ USD cho năm 2022. Hiện, tôm Ecuador đang chiếm 70% thị phần ở Trung Quốc, 18% ở Mỹ và đứng đầu ở Tây Âu.

“Năm 2016, Ecuador đứng vị trí thứ 6 thế giới về tôm nuôi. Song đến năm 2021, quốc gia này đã vươn lên vị trí dẫn đầu. Điều đáng nói, tốc độ phát triển của ngành tôm Ecuador cực kỳ nhanh, sản lượng tăng nhưng không bị tồn kho. Họ tiêu thụ được hết nhờ giá thành sản phẩm rất thấp”, ông Lực dẫn chứng.

Ứng xử với tình hình này, Chủ tịch Sao Ta cho rằng doanh nghiệp Việt phải tính toán, đánh giá được điểm mạnh – điểm yếu của mình và đối thủ, chuẩn bị các sách lược uyển chuyển, linh hoạt, phát huy được sở trường, thế mạnh.

Cụ thể, ông Hồ Quốc Lực phân tích ngành tôm Ecuador có thế mạnh về sản lượng lớn, giá thành thấp và vị trí địa lý gần với các thị trường tiêu thụ lớn, đặc biệt là Mỹ. Tuy nhiên, bất lợi trước mắt của Ecuador là khả năng chế biến chưa cao, nước này đang nỗ lực nâng cao trình độ chế biến sâu và đây cũng sẽ là thách thức của doanh nghiệp Việt.

Ở chiều ngược lại, ngành tôm Việt Nam có năng lực chế biến sâu, sản phẩm giá trị gia tăng đứng đầu thế giới, ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do… song vẫn còn nhiều bất cập xung quanh mảng nuôi tôm như tỷ lệ nuôi tôm thành công còn thấp, giá thành cao, diện tích nuôi đạt tiêu chuẩn của Hội Đồng Quản lý Nuôi trồng Thuỷ sản (ASC) hạn chế,…

Tỷ lệ nuôi tôm thành công của Việt Nam chỉ dưới 40%. Con số này thấp hơn nhiều so với một số nước đối thủ như Thái Lan 55%, Ấn Độ 48%.

Nguyên nhân là Việt Nam chưa gia hóa, chủ động được con giống bố mẹ, con giống kém chất lượng rải khắp các vùng nuôi nhỏ, lẻ. Với số lượng 2.000 – 2.500 cơ sở sản xuất tôm giống, việc quản lý chất lượng cũng còn nhiều nan giải.

“Con giống bố mẹ là phải nghiên cứu về mặt chiều sâu, chọn tạo con có tính trội, gen di truyền tốt… Nhưng nhiều cơ sở dùng tôm bố mẹ, tôm thương phẩm lớn cho lai tạo khiến chất lượng con giống thấp. Đó là yếu tố làm cho tỷ lệ nuôi tôm thành công của Việt Nam ở mức thấp trong 6 nước”, ông Lực cho biết.

Tỷ lệ nuôi tôm thành công của Việt Nam vốn dĩ đã thấp hơn các đối thủ, nay kèm theo thời tiết bất lợi, môi trường nước ô nhiễm, dịch bệnh trên tôm làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt.

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch CTCP Thực Phẩm Sao Ta chia sẻ tại hội 

Nói thêm về diện tích nuôi tôm ASC, ông Lực cho biết hiện diện tích nuôi tôm của Ecuador khoảng 220.000 ha, trong đó có 40.000 ha nuôi tôm ASC; trong khi Việt Nam có tới 700.000 ha nuôi tôm nhưng mới có 5.000 ha có chứng nhận ASC.

Do thiếu chứng chỉ thông hành ASC, doanh nghiệp Việt vẫn chưa thể phát huy tiềm năng và tăng trưởng mạnh ở thị trường có lợi thế thuế quan như Tây Âu.

Ngoài các yếu tố về vùng nuôi, chi phí vận chuyển thủy sản xuất khẩu của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ, EU đắt đỏ hơn Ecuador cũng giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Song hành chính sách vĩ mô và vi mô

Trước sức ép từ phía các đối thủ, Chủ tịch Sao Ta cho rằng việc giữ vững hoạt động của ngành tôm Việt Nam là bài toán lớn đối với cả tầm vĩ mô và vi mô (doanh nghiệp).

Muốn tăng tỷ lệ tôm nuôi thành công, giảm giá thành, các doanh nghiệp cần có con giống tốt, nước nuôi tốt. Để làm được điều này, cơ quan nhà nước cần có chính sách mở rộng quy mô nuôi tôm ASC, đầu tư vào con giống bố mẹ…

Còn về giải pháp vi mô, ông Lực cho rằng mỗi doanh nghiệp sẽ có cách ứng xử riêng tùy theo bối cảnh và thị trường.

Song giải pháp chung cho các doanh nghiệp là đánh giá lại sách lược thị trường. Cụ thể, Mỹ đang nhập khẩu khoảng 30% sản lượng tôm Việt Nam, đây là thị trường quan trọng, không thể bỏ song lại có tính cạnh tranh cao. Do vậy, ông Lực cho rằng doanh nghiệp tôm Việt cần nỗ lực thâm nhập vào hệ thống cao cấp mà các đối thủ chưa vào được.

Mặt khác trong một số diễn biến thị trường kém khả quan, các sản phẩm chế biến sâu cũng có biến động giá nhưng sẽ không trượt dốc so với các sản phẩm cấp thấp.

Còn với các thị trường Tây Âu, ông Lực khuyến nghị doanh nghiệp cần tiếp tục đẩy mạnh các sản phẩm theo phân khúc cao cấp, cùng với đó chuyển đổi diện tích nuôi tôm ASC để gia tăng thị phần.

Quay trở lại với các thị trường có vị trí địa lý gần với Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, ông Hồ Quốc Lực thông tin họ nhập sản phẩm chế biến sâu, cao cấp, điều này rất phù hợp với lợi thế của doanh nghiệp Việt. Mặt khác, doanh nghiệp cũng giảm áp lực về chi phí vận chuyển so với các tuyến Mỹ, EU…

“Có thể nói, Nhật Bản và Hàn Quốc là thị trường sân nhà của mình. Nhật là thị trường thứ 2-3, Hàn Quốc là thị trường thứ 5, Australia là thị trường thứ 7, dần dần chúng ta phải thâm nhập”, Chủ tịch Sao Ta nói.

Ngoài những sách lược về thị trường, vị này cũng gợi ý cho các doanh nghiệp tôm nên tập trung vào một số sản phẩm thế mạnh, tiêu thụ số lượng lớn.

“Thay vì làm 10 sản phẩm, doanh nghiệp hãy làm 2 sản phẩm tiêu thụ tốt, tập trung tăng năng suất, giảm giá thành và rủi ro. Chọn cách ứng xử như thế nào sẽ tùy từng doanh nghiệp và hoàn cảnh cụ thể”, ông Hồ Quốc Lực cho biết.

Hoàng Anh