|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nhận diện thách thức của ngành gỗ năm 2019

13:35 | 22/02/2019
Chia sẻ
Sang năm 2019, ngành phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu đạt 10,8 - 11 tỉ USD, tương đương tăng 16 - 18% so với năm 2018.

Cơ hội nào cho ngành gỗ năm 2019

Phát biểu tại Diễn đàn Ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản năm 2018, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản năm ngoái đạt gần 9,4 tỉ USD, chiếm trên 23% kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp, giá trị xuất siêu đạt trên 7 tỉ USD.

Sang năm 2019, ngành phấn đấu đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng thêm từ 1,5 - 1,7 tỉ USD (tương ứng 16 - 18 %) so với năm 2018 lên 10,8 - 11 tỉ USD.

Trong đó, ngành chú trọng duy trì và tăng trưởng tại 5 thị trường có giá trị xuất khẩu cao trong những năm qua, gồm Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc. Ngành cũng mở rộng thị phần tại số thị trường tiềm năng khu vực Nam Mỹ, Nga, Úc, Canada, Ấn Độ...

nhan dien thach thuc cua nganh go nam 2019
Ngành gỗ năm có thể bứt phá trong năm 2019? Ảnh minh họa

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận định trong năm 2019, thị trường sản phẩm gỗ, lâm sản còn nhiều dư địa cho ngành công nghiệp chế biến gỗ, lâm sản Việt Nam tăng trưởng.

Theo dự báo của Ngân hàng thế giới (WB), năm 2019, tăng trưởng kinh tế toàn cầu tiếp tục được duy trì.

"Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để ngành công nghiệp chế biến gỗ có cơ hội mở rộng sản xuất, xuất khẩu sản phẩm", Bộ trưởng nói.

Thị trường thương mại đồ nội thất và đồ gỗ của thế giới lớn với khoảng 430 tỉ USD, giá trị thương mại đồ nội thất và ngoại thất khoảng 150 tỉ USD.

Hiện nay, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam mới chiếm khoảng 6% thị phần toàn cầu. Bên cạnh các thị trường truyền thống, sự gia tăng tiêu thụ tại các thị trường mới, tiềm năng như Canada, Liên minh Kinh tế Á - Âu, Trung Nam Á… mở ra cơ hội cho xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam thời gian tới, đặc biệt là đồ gỗ nội thất trang trí phong cách cổ điển.

Thực hiện lộ trình của các hiệp định thương mại tự do (FTA), thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng của các nước tham gia hiệp định sẽ tiếp tục được cắt giảm hoặc xóa bỏ, tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Cụ thể, Hiệp định CPTPP và Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ xóa bỏ hoàn toàn thuế quan đối với các mặt hàng đồ gỗ nội thất ngay khi có hiệu lực.

Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi Lâm luật, Quản trị rừng và Thương mại Lâm sản (VPA/FLEGT) giữa Việt Nam và EU sẽ được phê chuẩn trong đầu năm 2019, mở ra cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh cho đồ gỗ Việt Nam khi xuất khẩu sang EU tạo uy tín quốc tế cho sản phẩm gỗ Việt Nam trên trường quốc tế.

Cùng với đó, nhiều hiệp định Khu vực Thương mại Tự do ASEAN (AFTA) đã được ký kết với các quốc gia tạo thuận lợi cho Việt Nam do lợi thế cắt giảm thuế quan, cam kết giảm thiểu các hàng rào phi thuế quan.

Vô số thách thức của ngành gỗ

Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc "đặt hàng" với ngành nông nghiệp trong 10 năm tới Việt Nam phải lọt nhóm 15 quốc gia có nền nông nghiệp phát triển nhất, là trung tâm hàng đầu về chế biến, xuất khẩu gỗ hàng đầu thế giới.

nhan dien thach thuc cua nganh go nam 2019
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn Ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản năm 2018 - Thành công, bài học kinh nghiệm, giải pháp bứt phá.

"Tuy là một nước tam sơn tứ hải nhưng mới chiếm 6% thị phần của thế giới về sản phẩm, sự đa dạng hấp dẫn sản phẩm đồ gỗ còn khiêm tốn.

Trong khi đó, thế giới nhu cầu tới 430 tỉ USD đối với mặt hàng gỗ, lâm sản. Sau 10 năm nữa, chúng ta có thể chiếm bao nhiêu phần trăm thị phần toàn cầu? Có trở thành trung tâm chế biến gỗ? Đây là câu hỏi lớn, chiến lược lớn", Thủ tướng đặt câu hỏi cho ngành chế biến gỗ và lâm sản.

Bộ Trưởng Nguyễn Xuân Cường cho hay ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản thời gian tới sẽ đối mặt với nhiều thách thức lớn.

Chất lượng gỗ rừng trồng

Việc hợp tác giữa các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và xuất khẩu với người trồng rừng để nâng cao chất lượng gỗ rừng trồng vẫn còn hạn chế.

Gỗ rừng trồng chủ yếu nhỏ, khai thác sớm, chất lượng thấp, cùng với sự phát triển nhanh của các cơ sở chế biến gỗ, nên áp lực về thiếu chủ động được nguồn nguyên liệu chất lượng gay gắt hơn, trong khi nguyên liệu nhập khẩu ngày càng khan hiếm và đắt đỏ hơn.

Giá thành vật liệu phụ trợ cao, rào cản kỹ thuật

Vật liệu phụ trợ vẫn chủ yếu nhập khẩu, nên giá thành cao; cơ sở đào tạo nguồn nhân lực trong chế biến gỗ chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn sản xuất, nên hiệu quả và năng suất lao động còn thấp.

Chủ nghĩa bảo hộ quốc tế đang có xu hướng gia tăng, nhiều chính sách tạo lập, rào cản kỹ thuật của nhiều quốc gia là thách thức đối với sự phát triển, xuất khẩu của ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản.

Xung đột thương mại các nền kinh tế lớn

Mặt khác, Bộ trưởng cho rằng xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn đang là thị trường lớn của ngành này, chắc chắn sẽ tác động nhiều mặt, đồng thời cả mặt thuận và không thuận đến tăng tưởng bền vững đối với ngành chế biến xuất khẩu gỗ và lâm sản.

Ngoài ra, yêu cầu quản lý nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm “sạch” là thách thức đối với công tác quản lý nhà nước.

Xem thêm

Đức Quỳnh