|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Ngành gỗ & đích nhắm 25 tỷ USD

15:25 | 03/01/2019
Chia sẻ
Ông Huỳnh Văn Hạnh, GĐ Cty CP Thủ công mỹ nghệ gỗ liên minh, kiêm Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) xúc động khi nhớ về hành trình dài gian truân của ngành gỗ Việt Nam.

Hàng triệu hộ vùng rừng sẽ giàu lên

Ở hành trình ấy, ngành chế biến gỗ không chỉ đi từ con số 0 thành một ngành kinh tế lớn mạnh, với kim ngạch XK đang nhắm chiến lược 25 tỉ USD (đến năm 2025).

nganh go dich nham 25 ty usd

Ông Huỳnh Văn Hạnh

Quan trọng hơn, chế biến gỗ đã tạo động lực làm sống lại những đồi núi trọc, làm giàu cho hàng triệu người làm nghề rừng...

Thuở như chim non trên miệng tổ

Ngành chế biến gỗ của Việt Nam chỉ manh nha từ thập niên 80 của thế kỷ trước, sau giải phóng thống nhất đất nước, nền kinh tế bị bao vây cấm vận bốn bề. Các DN nhà nước của ngành gỗ được lập ra, nhiệm vụ chính là chặt gỗ rừng tự nhiên rồi xẻ ra đem bán.

Khi đất nước bắt đầu mở cửa kinh tế vào đầu thập niên 90, các DN đầu tiên đến từ Đài Loan, Singapore đã tìm đến đầu tư chế biến gỗ tại TP.HCM, và ngành gỗ của Việt Nam từ đó mới bắt đầu có các sản phẩm gỗ tinh chế. Kinh đô đầu tiên của ngành chế biến gỗ của Việt Nam cũng chính được ra đời tại TP.HCM.

Có thể hình tượng vào những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, các doanh nhân trong ngành gỗ của Việt Nam ở Sài Gòn như những chú chim non đứng trên bờ tổ, nhìn ra những thị trường XK bao la nhưng lại còn ngập ngừng e sợ, bởi họ chưa biết làm ra sản phẩm gỗ thế nào để có thể XK được, và XK đi đâu? Chính nhờ việc thông qua những thương nhân của Đài Loan, Singapore vào đầu tư mà các DN gỗ đầu tiên của Việt Nam SX ra sản phẩm XK bằng cách “đứng ké” tên sản phẩm. Cũng nhờ thế, các DN gỗ ở Sài Gòn đã được tiếp cận và học tập về nền kinh tế thị trường.

Tới khi người Mỹ bỏ cấm vận kinh tế cho Việt Nam (1995), các DN trong ngành gỗ đã gần như thuộc được đường đi nước bước, nắm được các yêu cầu chất lượng của các thị trường XK gỗ và mở ra thời kỳ mới cho ngành gỗ Việt Nam. Khởi đầu, những DN tại TP.HCM đã sớm tiếp cận được với thị trường XK và bắt đầu mở rộng hệ thống gia công, tỏa ra các tỉnh xung quanh như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, dần dần ra tới tận Bình Định, Quảng Nam, Đà Nẵng... Nhiều DN lớn của Việt Nam ở TP.HCM đã bắt đầu mở rộng hệ thống, với hàng chục cơ sở gia công đồ gỗ vệ tinh ở các tỉnh từ Quảng Nam trở vào.

Tới giữa thập niên 90, ngành gỗ Việt Nam tiếp tục có cơ hội phát triển khi Luật Đầu tư mới được ban hành. Bình Dương chính là một tỉnh có chủ trương kêu gọi đầu tư mạnh mẽ nhất, trong đó có số lượng rất lớn các DN trong ngành gỗ từ TP.HCM chuyển lên địa bàn Bình Dương đầu tư, cùng đông đảo DN đầu tư nước ngoài. Với lợi thế quỹ đất rộng rãi, việc xây dựng nhà máy thuận lợi hơn do nền đất cứng không phải đầu tư làm nền móng tốn kém, Bình Dương trở thành thủ phủ mới của ngành gỗ. Trong đó có rất đông đảo DN gỗ đến từ Đài Loan.

nganh go dich nham 25 ty usd
Việt Nam đang dần khẳng định là “công xưởng” của ngành chế biến gỗ

Khác với các DN Việt Nam mỗi DN gỗ thường làm từ A đến Z rất nhiều loại sản phẩm, các DN Đài Loan có phân công chuyên môn hóa trong SX đồ gỗ rất chuyên nghiệp. DN nào lo nguyên liệu, ai làm bàn, ai làm ghế, ai làm tủ, ai làm giường, ai lo về marketing, bao bì... họ phân công rất rõ ràng. Điều này giúp chi phí đầu tư và giá thành sản phẩm gỗ chế biến của các DN Đài Loan rất thấp. Trong khi đó theo khảo sát thời điểm đó, các NM gỗ của Việt Nam bình quân chỉ có khoảng 40% số máy móc được khai thác hết công suất, có loại máy mỗi tháng chỉ hoạt động 1 - 2 ngày. Đồ gỗ của các DN Việt Nam bắt đầu chịu sự cạnh tranh khốc liệt với các DN Đài Loan. Song, sự cạnh tranh đó cũng giúp Việt Nam có một môi trường SX của ngành gỗ năng động hơn, tiếp cận được với trình độ quản trị trong SX, một lực lượng lao động hùng hậu của Việt Nam được đào tạo bài bản, và là nguồn lực quan trọng cho chính ngành gỗ Việt Nam sau này...

Chế biến gỗ hồi sinh đồi núi trọc

Năm 2000, XK gỗ Việt Nam mới “chập chững” ở mức hơn 200 triệu USD thì chỉ sau 5 năm (2000 - 2005), ngành gỗ đã bước vào giai đoạn bứt tốc liên tục với mức tăng trên 20% (giai đoạn 2000 - 2005) để “vọt lên” mốc 1 tỷ USD vào năm 2004. Từ đó tới nay, XK gỗ liên tục tiến đều mỗi năm với mức tăng thường xuyên đạt 2 con số/năm, kim ngạch từ 2 tỷ USD năm 2007 lên gần 4 tỷ USD năm 2011, và cho đến nay, kim ngạch XK gỗ và sản phẩm gỗ năm 2018 dự báo sẽ cầm chắc con số 9 tỉ USD, đứng đầu Đông Nam Á và thứ 5 thế giới về XK gỗ và sản phẩm gỗ.

nganh go dich nham 25 ty usd
Xuất khẩu gỗ liên tục tiến đều mỗi năm với mức tăng thường xuyên đạt 2 con số/năm

Có thể nói, việc sớm tiếp cận với thị trường XK đã đặt những nền móng căn bản cho ngành gỗ Việt Nam vươn lên mạnh mẽ từ sau năm 2000 trở lại đây. Tuy nhiên, không thể bỏ qua sự quan tâm và chính sách kịp thời của nhà nước cho ngành hàng này. Còn nhớ năm 2004, khi XK đồ gỗ cán mốc 1 tỉ USD, Chính phủ đã tổ chức hẳn một buổi lễ mừng công tại TP.HCM do Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển chủ trì, với sự có mặt của đông đảo DN trong ngành chế biến gỗ. Hàng loạt các ý kiến đóng góp, những phản ánh về khó khăn vướng mắc đã được ông Tuyển cầu thị tiếp thu, soạn thảo thành văn bản trình cơ chế với Chính phủ ngay sau lễ mừng công ấy...

Đầu tư cho lâm nghiệp là đầu tư dài hạn, thế hệ này đầu tư cho thế hệ sau. Trên khía cạnh này, sự lớn mạnh không ngừng của ngành gỗ trong gần 20 năm qua, có yếu tố cơ bản nhờ chính sách bảo vệ phát triển rừng, từng bước chủ động nguồn nguyên liệu rừng trồng ngay trong nước. Năm 1997, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã phải giật mình khi chứng kiến lượng gỗ tròn rừng tự nhiên của Việt Nam bị khai thác và XK quá khủng khiếp. Ông đã lập tức có lệnh cấm hoàn toàn XK gỗ tròn. Để rồi một năm sau đó, Quốc hội đã phê chuẩn Chương trình trồng mới 5 triệu ha (Dự án 661), với mục tiêu phủ xanh đất trống đồi núi trọc, trồng mới 5 triệu ha rừng và bảo vệ diện tích rừng hiện có trong thời kỳ từ năm 1998 đến năm 2010 nhằm nâng cao độ che phủ của rừng Việt Nam lên mức 43% vào năm 2010...

Ngoài mục tiêu phủ xanh đất trống đồi núi trọc, việc trồng rừng bằng giống gì, thu sản phẩm gì để phục vụ cho ngành chế biến cũng là vấn đề lúc ấy đã được đặt ra, nhưng đáng tiếc lại chưa giải quyết triệt để. Mặc dù vậy, tới giữa những năm 2000, ngành gỗ của Việt Nam cũng đã bắt đầu được thụ hưởng những thành quả nhất định mà Dự án 661 mang lại. Việc khai thác rừng tự nhiên được kiểm soát dần. Điều này đã tạo động lực để việc trồng rừng SX có cơ hội phát triển để cung cấp gỗ nguyên liệu cho các NM chế biến, qua đó tỉ lệ che phủ rừng không ngừng được cải thiện. Nếu như đầu thập niên 90, tỉ lệ che phủ rừng cả nước đã có lúc tụt xuống 36-37% thì đến nay, dự kiến năm 2018, tỉ lệ này sẽ được nâng lên 42%, trong đó có công lớn của rừng trồng.

nganh go dich nham 25 ty usd
Chế biến gỗ xuất khẩu

"Cây gỗ tràm (keo lai), vốn ban đầu là đối tượng phủ xanh đất trống đồi núi trọc, sau này chỉ có thể băm thành gỗ dăm giá rẻ cho nguyên liệu giấy thì nay, đã trở thành nguồn nguồn nguyên liệu chủ đạo, có giá trị cao cho nhiều NM chế biến gỗ, đồng thời là cây lâm nghiệp chủ lực trong số hơn 2,8 triệu ha rừng SX của cả nước. Cây tràm cũng đang ngày càng đi vào chiều sâu với chiến lược trồng rừng gỗ lớn, giúp hồi sinh nhiều cánh rừng nghèo kiệt, đồi núi trọc, đồng thời làm giàu người trồng rừng...

Ai đã từng đi qua vùng Quảng Trị vào những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, hẳn sẽ ám ảnh với cảnh hai bên QL1A là những cồn cát trắng buồn xác xơ. Khi những chuyến xe đò chạy ngang qua, những em bé bưng rổ khoai lang băng qua triền cát trắng đến với những chiếc xe dừng lại để bán từng củ khoai. Ngày nay, những em bé ấy đã trở thành những ông chủ lớn trên những cánh rừng tràm bạt ngàn ở những cồn cát trước đây, cùng với những NM gỗ, với điện đường trường trạm, với đời sống sung túc..." - Ông Huỳnh Văn Hạnh.

Từ chỗ phải phụ thuộc phần lớn vào gỗ NK, đến nay, mặc dù chủng loại gỗ nguyên liệu trong nước còn khá đơn điệu (chỉ khoảng 16 - 17 loại, trong đó chủ yếu là tràm và cao su), tuy nhiên, chúng ta có quyền tự hào khi 75% nguồn nguyên liệu phục vụ cho chế biến gỗ là nguồn gỗ rừng trồng trong nước. Đưa gỗ tràm và gỗ cao su thành nguồn nguyên liệu chủ lực của ngành công nghiệp chế biến gỗ cũng là một thành công có tính sáng tạo mà các DN gỗ của Việt Nam đã gây dựng. Gỗ cao su thanh lý trước đây, vốn chỉ bán được cho các lò đốt nung gạch với giá rẻ thì hiện nay, với gần 1 triệu ha cao su trên cả nước, đây đã trở thành nguồn nguyên liệu gỗ quan trọng cho các NM chế biến với sản phẩm gỗ có mẫu mã, chất lượng tốt, được ưa chuộng và giá thành cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Đồng thời, giúp tăng thêm thu nhập đáng kể cho người trồng cao su.

Lê Bền