Nhà thầu dự án metro Nhổn - ga Hà Nội giảm khối lượng công việc từ tháng 6, đòi bồi thường gần 115 tỷ USD
Chính phủ mới đây đã có báo cáo gửi Quốc hội về tình hình triển khai thực hiện các dự án đường sắt đô thị trên địa bàn TP Hà Nội và TP HCM, trong đó nêu rõ cả 6 dự án đường sắt đô thị đang triển khai tại hai đô thị lớn này đều chậm tiến độ.
Theo báo cáo này, dự án tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội có thời gian bắt đầu là năm 2009, thời gian kết thúc là năm 2022. Dự án có 10 gói thầu chính, gồm 9 gói thầu về xây lắp, thiết bị (5 gói thầu xây lắp, 4 gói thầu thiết bị) và một gói Tư vấn chung.
Đến nay, UBND TP Hà Nội đã hoàn thành công tác ký hợp đồng và triển khai thi công 9/9 gói thầu chính về xây lắp và thiết bị.
Tiến độ chung dự án đạt khoảng 74%, tiến độ tổng thể đoạn trên cao đạt 89,41%, do nhiều khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện nên chưa đưa vào khai thác đoạn trên cao theo kế hoạch và dự kiến sẽ phải điều chỉnh tiến độ hoàn thành đoạn ngầm và toàn tuyến.
Đáng chú ý, theo báo cáo, do việc chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng đến nay và hiện vẫn tồn tại chậm trễ xử lý đối với nhà 23 Quốc Tử Giám và phê duyệt chính sách đền bù, hỗ trợ tạm cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi tuyến hầm nên liên danh Huyndai và Ghella đã gửi ba khiếu nại yêu cầu bồi thường với tổng chi phí là 114,7 triệu USD.
Đồng thời, đề nghị chấp thuận thanh toán nếu không sẽ không thể tiếp tục thực hiện công việc và sẽ tiến hành các thủ tục khiếu nại lên Trọng tài quốc tế.
Trên thực tế, nhà thầu đã giảm khối lượng công việc trên công trường kể từ tháng 6 năm 2021 và đã có văn bản số HGU-MLT-00459-21-E/V ngày 26/6 thông báo tạm dừng công việc.
Theo Tiền Phong, thông tin với báo chí ngày 29/10, ông Lê Trung Hiếu, Phó Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị, UBND TP Hà Nội (MRB) đã xác nhận thông tin này. Cùng với đó ông Hiếu cũng cho biết, nhà thầu đã giảm khối lượng công việc trên công trường từ tháng 6 và có văn bản thông báo tạm dừng công việc vào cuối tháng 6/2021.
Lãnh đạo MRB cho biết, theo quy định của hợp đồng, nhà thầu sẽ được bù đắp thiệt hại do không phải lỗi gây ra. Tuy nhiên, thiệt hại phải được chứng minh bằng thực thanh thực chi. Liên danh nhà thầu Hyundai - Ghella từ trước đến nay đưa ra những khiếu nại liên quan đến đền bù. Đây là con số nhà thầu đơn phương đưa ra.
Đề cập đến tiến độ dự án, lãnh đạo MRB cho biết, theo tiến độ được phê duyệt ban đầu, dự án hoàn thành vào năm 2018, nhưng sau đó điều chỉnh thời gian vận hành đoạn trên cao đến tháng 4/2021 và vận hành toàn tuyến tháng 12/2022.
Hiện mốc hoàn thành đưa vào khai thác đoạn trên cao (Nhổn – Cầu Giấy, dài 8,5 km) đã không thực hiện được do nhiều nguyên nhân trong đó có ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, do vậy hiện tiến độ được chuyển sang năm 2022.
Đoạn đi ngầm (Cầu Giấy - ga Hà Nội, dài 4 km) đã bị dừng thi công gần 4 tháng và chưa dự kiến thời gian khai thác toàn tuyến.
Theo báo cáo trình Quốc hội, nhà thầu đã yêu cầu thành lập Ban giải quyết tranh chấp (DB), Ban Quản lý dự án cũng đã cử thành viên đại diện cho Chủ đầu tư để tiến hành hòa giải theo quy định của Hợp đồng.
Hiện nay, UBND TP Hà Nội đang xem xét thành lập Ban xử lý tranh chấp để xử lý các khiếu nại và tháo gỡ các vướng mắc về khiếu nại của nhà thầu.
Đây không phải lần đầu dự án metro Nhổn - ga Hà Nội bị đòi bồi thường do chậm bàn giao mặt bằng cho nhà thầu. Trước đó, vào tháng 7/2020, Công ty TNHH Dealim Hàn Quốc, đơn vị thi công xây lắp đoạn tuyến trên cao (gói thầu CP1) đã yêu cầu bổ sung hơn 400 tỷ đồng (19 triệu USD).
Nguyên nhân nhà thầu đưa ra là nhận mặt bằng thi công chậm một năm rưỡi so với cam kết trong hợp đồng, dẫn đến việc phải kéo dài thêm hơn 2 năm thi công.
Vào giữa năm 2019, cũng với lý do chậm giao mặt bằng theo hợp đồng, nhà thầu quốc tế là liên danh Hyundai - Ghella thực hiện gói thầu thi công bốn ga ngầm (từ S9 đến S12) đã đề nghị chủ đầu tư phải bồi thường khoảng 81 triệu USD cho các khoản chi phí bị phát sinh mà nguyên nhân thuộc về chủ đầu tư.
Dự án đầu tư tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội đang được xây dựng có chiều dài 12,5 km, gồm 8,5 km đi trên cao và 4 km đi ngầm (Kim Mã - ga Hà Nội, với 4 ga gầm). Dự án có tổng mức đầu tư 1.176 triệu Euro, từ nguồn vốn vay ODA Ngân hàng đầu tư châu Âu, Chính phủ Pháp, Ngân hàng phát triển châu Á và vốn đối ứng trong nước.
Dự án có tổng mức đầu tư 783 triệu Euro, trong đó vốn vay ODA là 653 triệu Euro, vốn đối ứng 130 triệu Euro. Sau đó, tổng mức đầu tư điều chỉnh là 1.176 triệu Euro. Như vậy, tổng mức đầu tư điều chỉnh của dự án tăng khoảng 10.400 tỷ đồng.