|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chủ đầu tư lên tiếng về việc bồi thường tại dự án đường sắt đoạn Nhổn - ga Hà Nội

14:20 | 07/11/2021
Chia sẻ
Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, hiện tại, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội đang thực hiện đúng các quy trình để từng bước xử lý các tranh chấp/khiếu nại của nhà thầu.
Chủ đầu tư lên tiếng về việc bồi thường tại dự án đường sắt đoạn Nhổn - ga Hà Nội - Ảnh 1.

Đoàn tàu tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội. (Ảnh: Pháp luật và Cuộc sống).

114,7 triệu USD là khoản chi phí mà Liên danh nhà thầu Hyundai - Ghella (HGU) tại dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm của thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội đang khiếu nại tới chủ đầu tư là Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội yêu cầu bồi thường.

Nguyên nhân mà phía nhà thầu đưa ra là do các vướng mắc chủ yếu liên quan đến việc chậm trễ bàn giao mặt bằng cho nhà thầu.

Về vấn đề trên, trao đổi với phóng viên TTXVN tối 6/11, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội Lê Trung Hiếu cho biết, hiện tại, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội đang thực hiện đúng các quy trình để từng bước xử lý các tranh chấp/khiếu nại của nhà thầu.

Liên quan đến việc Liên danh Nhà thầu Hyundai - Ghella (HGU) yêu cầu bồi thường 114,7 triệu USD tại dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm của thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, những vướng mắc kéo dài về giải phóng mặt bằng tại vị trí xây dựng các ga ngầm là "điểm nghẽn" làm chậm tiến độ dự án đường sắt đô thị thí điểm của thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội trong suốt nhiều năm qua.

Hiện nay nhà thầu HGU đang sử dụng quyền khiếu nại tới chủ đầu tư là Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) và yêu cầu bổ sung chi phí với tổng giá trị khoảng 114,7 triệu USD, tương đương hơn 2.000 tỷ đồng do các vướng mắc chủ yếu liên quan đến việc chậm trễ bàn giao mặt bằng cho nhà thầu.

Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, trong quá trình thực hiện các hợp đồng xây dựng, nhất là các hợp đồng về xây dựng hạ tầng có giá trị lớn, tính chất phức tạp, bị tác động bởi nhiều yếu tố chủ quan cũng như khách quan, việc xảy ra tranh chấp/khiếu nại là khó tránh khỏi.

Do đó, hợp đồng xây dựng thường quy định chi tiết các bước giải quyết tranh chấp/khiếu nại, từ bước các bên tự thương lượng giải quyết cho đến thành lập Ban xử lý tranh chấp hoặc đưa ra trọng tài.

Quy định của Hợp đồng FIDIC được áp dụng tại dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội cũng như theo thông lệ quốc tế và pháp luật Việt Nam cũng nêu rõ, cả chủ đầu tư và nhà thầu đều có quyền đưa ra các khiếu nại/yêu cầu bồi thường do các vi phạm nghĩa vụ hợp đồng của bên còn lại. 

Tuy nhiên, bên khiếu nại cần phải đưa ra các căn cứ, dẫn chứng cụ thể để làm sáng tỏ những nội dung khiếu nại, các hồ sơ, tài liệu chứng minh cho thiệt hại của mình do lỗi của bên kia gây ra.

Đối với khoản tiền bồi thường 114,7 triệu USD nói trên, nhà thầu chỉ mới cung cấp được hồ sơ, tài liệu chứng minh cho một phần khiếu nại với giá trị rất nhỏ, chiếm khoảng 2-3% tổng giá trị nhà thầu khiếu nại. 

Phần lớn giá trị khiếu nại của nhà thầu chỉ dựa trên các bảng tính sơ bộ, khái toán, thiếu căn cứ pháp lý cũng như các hồ sơ, tài liệu chứng minh cần thiết, do đó Tư vấn (Systra - Cộng hòa Pháp) cũng như chủ đầu tư chưa thể đánh giá chính xác cho các khiếu nại để làm cơ sở giải quyết các tranh chấp.

Tư vấn và chủ đầu tư đã có nhiều văn bản hướng dẫn nhà thầu nhưng đến nay nhà thầu chưa thực hiện các yêu cầu này.

Thực tế cho thấy, bên khiếu nại thường đưa ra giá trị yêu cầu bồi thường rất lớn để tạo sức ép trong quá trình đàm phán, thương thảo giữa các bên, tuy nhiên giá trị cuối cùng mà bên khiếu nại có thể chứng minh cũng như đạt được sự thống nhất của các bên hoặc được phán quyết bởi trọng tài/Ban xử lý tranh chấp thường nhỏ hơn rất nhiều so với giá trị ban đầu mà bên khiếu nại đưa ra.

Hiện tại, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội đang thực hiện các quy trình để từng bước xử lý các tranh chấp/khiếu nại của nhà thầu. Ngay khi nhận được đơn khiếu nại của nhà thầu, chủ đầu tư đã thường xuyên làm việc, tiến hành đàm phán với đơn vị tư vấn và nhà thầu để giải tỏa các khúc mắc, nhằm tìm được tiếng nói chung giữa các bên trong việc giải quyết tranh chấp.

Trước đó, từ những năm đầu thực hiện hợp đồng, để giảm thiểu tác động xấu của việc chậm giải phóng mặt bằng gây ra, cũng như tránh tình trạng tái lấn chiếm mặt bằng khi đã giải phóng mà chưa được thi công (thực tế đã xảy ra tại vị trí nhà ga S2, nhà ga S7, khu vực thi công giếng thông gió ...), chủ đầu tư đã đàm phán, thuyết phục nhà thầu chấp thuận nhận mặt bằng từng phần để thi công nhằm giảm thiệt hại lên dự án. Tuy nhiên, tiến độ bàn giao mặt bằng không đáp ứng được tiến độ thi công. 

Với sự vào cuộc quyết liệt từ phía UBND thành phố Hà Nội, quận, huyện liên quan và sự ủng hộ của các sở, ngành và người dân, đến nay các tồn tại chậm xử lý đối với số nhà 23 Quốc Tử Giám và phê duyệt chính sách đền bù, hỗ trợ tạm cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi tuyến hầm đã được giải quyết, phần mặt bằng thi công tại Ga S11 - Văn Miếu dự kiến sẽ bàn giao cho nhà thầu vào tháng 12/2021.

Chủ đầu tư lên tiếng về việc bồi thường tại dự án đường sắt đoạn Nhổn - ga Hà Nội - Ảnh 2.

Đoàn tàu chạy dọc tuyến đường Xuân Thủy. (Ảnh: TTXVN).

Theo báo cáo của Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, về tiến độ dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm của thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội đã ký kết và triển khai thực hiện 10/10 gói thầu chính. Việc quản lý chất lượng, an toàn lao động, vệ sinh môi trường, đảm bảo giao thông trên công trường được quản lý chặt chẽ.

Hơn nữa, quá trình thực hiện Dự án mặc dù UBND đã quan tâm, chỉ đạo sát sao, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội đã nỗ lực, cố gắng trong quản lý, triển khai nhưng đây là dự án phức tạp, lần đầu tiên thực hiện tại Việt Nam nên trong quá trình triển khai tiếp tục gặp nhiều khó khăn, vướng mắc dẫn đến tiến độ thực hiện chưa đáp ứng yêu cầu.

Tính đến thời điểm hiện nay, tiến độ tổng thể chung của dự án đạt khoảng 74%; trong đó tiến độ đoạn trên cao đạt 89,5%; tiến độ đoạn ngầm đạt 32,2%, dự kiến sẽ đưa vào khai thác vận hành đoạn trên cao vào tháng 12/2022.

Đối với đoạn ngầm tiến độ tổng thể đạt 33%, đã tiến hành thi công trên tất cả các hạng mục nhà ga ngầm, trừ một số vị trí vướng mắc về mặt bằng. Nhà thầu thông báo tạm dừng thi công với lý do để giảm thiểu thiệt hại cho các bên do vướng mắc mặt bằng.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Tuyết Mai

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.