|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hai tuyến metro số 1 và 2 TP HCM đội vốn hơn 48.000 tỷ đồng, khó khai thác đầu năm 2022

09:20 | 22/10/2021
Chia sẻ
Hai dự án đường sắt đô thị số 1 và số 2 tại TP HCM đã đội vốn lên hơn 48.000 tỷ đồng so với phê duyệt ban đầu. Riêng tuyến Bến Thành - Suối Tiên được dự báo khó có thể đưa vào vận hành khai thác vào đầu năm 2022 như dự kiến.

Chính phủ vừa có báo cáo gửi Quốc hội về tình hình triển khai thực hiện các dự án đường sắt đô thị trên địa bàn TP Hà Nội và TP HCM, trong đó có tuyến đường sắt đô thị số 1 và số 2 TP HCM.

Metro số 1: Vận hành khai thác đầu năm 2022 chưa khả thi

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 TP HCM, tuyến Bến Thành - Suối Tiên được UBND TP HCM phê duyệt vào tháng 4/2007, điều chỉnh vào tháng 9/2011 tháng 11/2019.

Tuyến đường sắt đi ngầm dài 2,6 km; trên cao dài 17,1 km; 11 ga trên cao, ba ga ngầm và một depot; đi qua quận 1, TP Thủ Đức và TP Dĩ An (Bình Dương).

Hai tuyến metro số 1 và 2 TP HCM đội vốn hơn 48.000 tỷ đồng, khó khai thác đầu năm 2022 - Ảnh 1.

Tuyến Bến Thành - Suối Tiên có tổng mức đầu tư ban đầu vào năm 2007 và 2008 là 17.387 tỷ đồng, tương đương 126.582,65 triệu yên Nhật. Đến năm 2019, UBND TP HCM đã phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng, tăng khoảng 26.370 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư được duyệt ban đầu.

Dự án sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản (38.265,55 tỷ đồng) và vốn đối ứng từ ngân sách TP. HCM (5.491,6 tỷ đồng).

Về tình hình giải ngân, lũy kế giải ngân vốn ODA đến thời điểm báo cáo là 18.530 tỷ đồng (tương đương 91.702,68 triệu yên), đạt 48,4% tổng vốn ODA. Vốn ngân sách thành phố giải ngân 2.151 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 39,2% vốn đối ứng.

Theo kế hoạch, dự án được bắt đầu thực hiện vào tháng 3/2007, đưa vào khai thác vào năm 2018.

Do việc chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng và phải lập lại thiết kế kỹ thuật cho nhà ga ngầm Bến Thành nhằm tích hợp giữa các tuyến đường sắt đô thị số 1, số 2, số 3a và số 4 nên thời gian thực hiện dự án được điều chỉnh hoàn thành vào quý IV/2021, kết thúc hỗ trợ vận hành bảo dưỡng vào năm 2026.

Dự án có 6 gói thầu, trong đó có 4 gói thầu chính đang triển khai thi công, lũy kế khối lượng tổng thể của toàn dự án đạt khoảng 87,5%, dự kiến đến cuối năm 2021 đạt khoảng 91%.

Hai tuyến metro số 1 và 2 TP HCM đội vốn hơn 48.000 tỷ đồng, khó khai thác đầu năm 2022 - Ảnh 2.

Đường trên cao metro số 1 đoạn đi song song Xa lộ Hà Nội, gần cầu Rạch Chiếc, TP Thủ Đức. (Ảnh: Khải An).

Theo báo cáo của UBND TP HCM, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thi công dự án do thiếu vật tư, thiết bị, nhân lực, chuyên gia nước ngoài, không thể làm việc trực tiếp với nhà tài trợ đối tác,...

Đến nay, dự án đang trong giai đoạn triển khai thi công, chưa hoàn thành xây lắp để đưa vào vận hành, khai thác.

Báo cáo của Chính phủ cho thấy việc hoàn thành thi công dự án trong năm 2021, đưa vào vận hành khai thác đầu năm 2022 khó có thể khả thi.

Metro số 2: Giải phóng mặt bằng vẫn chậm, chưa rõ ngày hoàn thành

Dự án đầu tư Xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2, TP HCM, tuyến Bến Thành - Tham Lương được phê duyệt vào tháng 10/2010, điều chỉnh vào năm 2013, 2016 và 2019.

Tuyến đi ngầm dài khoảng 9,091 km; đoạn tuyến đi trên cao, chuyển tiếp và đường dẫn depot dài khoảng 1,951 km; gồm ga ngầm, một ga trên cao và một depot, đi qua các quận 1, 3, 10, 12, Tân Phú và Tân Bình.

Hai tuyến metro số 1 và 2 TP HCM đội vốn hơn 48.000 tỷ đồng, khó khai thác đầu năm 2022 - Ảnh 3.

Tuyến Bến Thành - Tham Lương có tổng mức đầu tư ban đầu được duyệt vào năm 2010 là 1.374 triệu USD (tương đương 26.116 tỷ đồng). Tổng mức đầu tư sau khi điều chỉnh vào năm 2019 là 2.093,59 triệu USD (tương đương 47.890 tỷ đồng), tăng hơn 21.770 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư được duyệt ban đầu.

Dự án sử dụng vốn vay ODA từ ba nhà tài trợ, gồm Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) và Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB).

Lũy kế giải ngân vốn ODA đến nay là 931,6/37.468 tỷ đồng, đạt 2,5%; vốn đối ứng là 217,8/10.403 tỷ đồng, đạt 2,09%.

Giai đoạn 1 (Bến Thành - Tham Lương) đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân từ trung tâm về phía tây bắc thành phố, làm cơ sở phát triển các tuyến đường sắt đô thị khác sau này; góp phần quan trọng trong việc giảm tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông và cải thiện môi trường đô thị dọc tuyến; kết nối với tuyến đường sắt đô thị số 1 và tương lai là tuyến số 5, số 3b, số 4 và số 6 tạo nên mạng lưới đường sắt đô thị, thuận lợi trung chuyển hành khách dọc theo trục đông - tây vào trung tâm thành phố.

Về lâu dài, sau khi hoàn thành đầu tư cả giai đoạn 2 (Bến Thành – Thủ Thiêm, Tham Lương – Bến xe Tây Ninh) và giai đoạn 3 (Bến xe Tây Ninh – Tây Bắc Củ Chi) chỉnh trang đô thị dọc tuyến, thúc đẩy phát triển nhanh ha khu đô thị mới của thành phố là Khu đô thị mới Thủ Thiêm và Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi, cải thiện môi trường sống, góp phần xây dựng một lối sống văn minh, hiện đại, thân thiện với môi trường cho cộng đồng dân cư.

Thời gian hoàn thành dự án ban đầu được duyệt là năm 2018. Do thực hiện điều chỉnh thiết kế cơ sở, tính toán, cập nhật lại tổng mức đầu tư nên thời gian hoàn thành dự án dự kiến trong giai đoạn 2022 – 2026, vận hành chạy thử và khai thác vào năm 2026.

Hai tuyến metro số 1 và 2 TP HCM đội vốn hơn 48.000 tỷ đồng, khó khai thác đầu năm 2022 - Ảnh 4.

Công tác giải phóng mặt bằng tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) đang được đẩy nhanh. (Ảnh: Thanh Niên).

Dự án có diện tích chiếm dụng 251.136 m2 với 603 hộ bị ảnh hưởng. Đến nay, đã bàn giao mặt bằng đạt 78,7%, chủ đầu tư đã tiếp nhận bàn giao mặt bằng 5/10 nhà ga và đoạn đường dẫn vào depot Tham Lương từ UBND các quận Tân Bình, Tân Phú, 10 và 12.

Quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng trên địa bàn quận 3 kéo dài và vướng mắc do phải cập nhật, điều chỉnh chính sách và giá đất bồi thường đến thời điểm hiện tại. Hiện nay, UBND TP HCM đang chỉ đạo khẩn trương điều chỉnh các thủ tục nêu trên, phấn đấu trong năm 2021 cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng để có mặt bằng cho thi công.

Hiện nay, dự án đang trong giai đoạn thực hiện đầu tư; Ban Quản lý Đường sắt đô thị đang tiếp tục phối hợp với Công ty HURC1 về rà soát định hướng vận hành và bảo dưỡng tuyến đường sắt đô thị số 2 và thực hiện các kiến nghị của hội đồng thẩm định điều chỉnh dự án liên quan đến công tác vận hành bảo dưỡng như công nghệ thẻ vé điện tử, khai thác quỹ đất xung quanh nhà ga, việc kết nối với hệ thống giao thông công cộng khác,...

Huy Hoàng