|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Toàn cảnh tiến độ loạt dự án đường sắt đô thị trăm nghìn tỷ của Hà Nội

17:08 | 21/10/2021
Chia sẻ
Theo báo cáo gửi Quốc hội về tình hình triển khai các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội, dự án nào cũng đang trong tình trạng dang dở. Trong khi tuyến số 1 Ngọc Hôi - Yên Viên vẫn bất động sau 15 năm khởi động, tuyến số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo lại tăng tổng mức đầu tư lên 35.679 tỷ đồng.

Chính phủ vừa có báo cáo gửi Quốc hội về tình hình triển khai thực hiện các dự án đường sắt đô thị trên địa bàn TP Hà Nội và TP HCM, trong đó có nêu chi tiết về tiến độ 4 tuyến đường sắt đô thị của Hà Nội.

Tuyến số 1 đoạn Ngọc Hồi - Yên Viên giai đoạn 1 vẫn bất động

Tuyến đường sắt số 1 Ngọc Hồi - Yên Viên được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt đầu tư tại Quyết định ngày 31/10/2008, thời gian thực hiện từ năm 2007 đến năm 2017; phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định ngày 24/4/2017 với dự kiến thực hiện từ năm 2017 đến năm 2024.

Dự án có tổng mức đầu tư được phê duyệt là 19.460 tỷ. Trong đó, vốn vay ODA là gần 14.000 tỷ đồng của Chính phủ Nhật Bản thông qua JICA, vốn đối ứng là trên 5.400 đồng. Dự án được khởi động từ 2004. Nhưng đến nay, sau 15 năm vẫn chưa chính thức khởi công.

Báo cáo của Chính phủ cho biết về kế hoạch vốn và tình hình giải ngân của dự án, nguồn vốn ODA đã giải ngân 842 tỷ đồng để thực hiện công tác thiết kế kỹ thuật của dự án (từ năm 2009 đến năm 2014).

Toàn cảnh tiến độ loạt dự án đường sắt đô thị trăm nghìn tỷ của Hà Nội - Ảnh 1.

Tuyến đường sắt số 1 gồm hai nhánh: Ngọc Hồi - Ga trung tâm Hà Nội - Gia Lâm - Yên Viên và Gia Lâm - Dương Xá (Phú Thụy). (Đồ họa: Alex Chu).

Với nguồn vốn đối ứng đã giải ngân 1.412 tỷ đồng để thực hiện các công tác như: giải phóng mặt bằng, quản lý dự án, chi phí tư vấn trong nước, chi phí khác,... Hiện nay, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 không bố trí vốn cho dự án do còn có các ý kiến về kế hoạch thực hiện và thủ tục điều chỉnh dự án.

Theo đó, công tác giải phóng mặt bằng được thực hiện từ năm 2009, đến nay đã giải phóng được 130 ha đất tại khu Tổ hợp Ngọc Hồi với tổng giá trị giải ngân 1.097 tỷ đồng; đã hoàn thành xây dựng khu tái định cư tại xã Liên Ninh năm 2013.

Báo cáo của Chính phủ cho biết, dự án đã được thông qua từ năm 2004, song do có quy mô lớn, kỹ thuật - công nghệ mới, quá trình triển khai đã gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc.

Mặt khác, với việc điều chỉnh dự án đang trong quá trình thực hiện thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia (tổng mức đầu tư trên 10.000 tỷ đồng) còn nhiều ý kiến băn khoăn về thủ tục, thẩm quyền điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án và đề nghị cần phải rà soát kỹ lưỡng để báo cáo Quốc hội.

Bên cạnh đó, đây là dự án đường sắt đô thị trên địa bàn TP Hà Nội, còn có ý kiến đề nghị làm rõ cơ quan chủ quản đầu tư là Bộ GTVT hay UBND TP Hà Nội nhằm bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Đường sắt; làm rõ cơ chế tài chính của dự án (nhất là cơ quan vay lại) để hạn chế các vướng mắc theo quy định; làm rõ khả năng giải ngân của Hiệp định vay; xem xét điều chỉnh công năng các ga đường sắt trong khu đầu mối TP Hà Nội…

Hiện nay, theo kết quả lập quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đề xuất đường sắt quốc gia sẽ không đi vào khu vực trung tâm TP Hà Nội, phía Nam sẽ dừng tại Ngọc Hồi, phía Bắc dừng tại Yên Viên và tuyến đường sắt đô thị số 1: Ngọc Hồi - Yên Viên chỉ đáp ứng công năng đường sắt đô thị. 

Nội dung quy hoạch nêu trên đã được Hội đồng thẩm định quy hoạch thông qua và đang trình Thủ tướng xem xét, quyết định.

Sau khi quy hoạch được duyệt, Thủ tướng sẽ chỉ đạo Bộ GTVT bàn giao dự án tuyến đường sắt đô thị số 1, Yên Viên - Ngọc Hồi cho UBND TP Hà Nội để tiếp tục triển khai.

Dự án Cát Linh - Hà Đông chưa rõ ngày vận hành

Với dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông vay vốn Trung Quốc, báo cáo của Chính phủ cho biết: Tổng mức đầu tư điều chỉnh của dự án được Bộ GTVT phê duyệt  là: 18.001 tỷ đồng (tương đương 868 triệu USD), tăng hơn 9.200 tỷ đồng (tương đương 315,18 triệu USD) so với tổng mức đầu tư được duyệt ban đầu.

Tiến độ 4 dự án đường sắt đô thị Hà Nội: Tuyến số 1 vẫn bất động, tuyến số 2 điều chỉnh tăng vốn - Ảnh 2.

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN).

Công tác giải phóng mặt bằng và di dời hạ tầng kỹ thuật đã hoàn thành và bàn giao cho Tổng thầu từ tháng 5/2015. Tuy nhiên, trong quá trình thi công Dự án thường xuyên bị gián đoạn bởi hạ tầng kỹ thuật chưa được di chuyển hết làm ảnh hưởng đến tiến độ một số hạng mục.

Dự án đã hoàn thành nghiệm thu tổng thể toàn dự án ngày 24/3 theo tiêu chuẩn và thiết kế, bảo đảm đầy đủ công năng cũng như các chỉ tiêu yêu cầu. Đã được cấp chứng nhận an toàn hệ thống, đủ điều kiện để bàn giao đưa vào vận hành khai thác. Toàn bộ kết quả này đã được báo cáo gửi Hội đồng kiểm tra Nhà nước.

Lũy kế giá trị giải ngân tính đến hết kỳ thanh toán 62 (tháng 10) là 731/868 triệu USD, đạt 84,2% (trong đó, vốn nước ngoài 618/669 triệu USD, đạt khoảng 92,3%; vốn trong nước 149/198 triệu USD, đạt khoảng 75,2%). 

Theo báo cáo của Chính phủ, để dự án được vận hành ngay sau khi bàn giao, Tổng thầu EPC phải đưa các chuyên gia kỹ thuật của nhà sản xuất, nhà cung cấp thực hiện công tác bảo hành thiết bị và mua sắm các vật tư dự phòng.

Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh COVID-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp như hiện nay nên tác động rất lớn và kéo dài thời gian huy động nhân sự của tổng thầu. Đồng thời, khi đưa các chuyên gia kỹ thuật sang Việt Nam sẽ phải thực hiện công tác cách ly y tế, do vậy cần thời gian tối thiểu khoảng 30 ngày thì các chuyên gia này mới có thể có mặt tại Việt Nam và bắt đầu thực hiện công tác vận hành dự án.

Đáng chú ý, báo cáo cho biết, do dự án chậm hoàn thành bàn giao nên UBDN TP Hà Nội chưa tiếp nhận và thực hiện nghĩa vụ trả nợ gốc khoản vay lại theo cơ chế tài chính đã được phê duyệt. Vừa qua, đến kỳ trả nợ gốc khoản vay lại của các Hiệp định vay, Bộ Tài chính đã ứng từ quỹ tích lũy để trả nợ theo cam kết của Chính phủ tại các Hiệp định vay đã ký.

Thủ tướng đang chỉ Bộ GTVT sớm hoàn thành thủ tục để bàn giao Dự án cho UBND TP Hà Nội làm cơ sở chuyển giao khoản nợ để Thành phố thực hiện trả nợ theo cơ chế tài chính của Dự án.

Đồng thời, theo chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng đề xuất báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép bổ sung danh mục “Trả nợ gốc các Hiệp định vay của dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông” trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 của Bộ GTVT để trả nợ gốc khoản vay lại của Dự án.

Tuyến Nhổn - ga Hà Nội chưa thể chạy đoạn trên cao vào cuối năm nay

Dự án đường sắt đô thị đoạn Nhổn - ga Hà Nội do Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội làm chủ đầu tư, Công ty Systra (Pháp) được chọn làm đơn vị tư vấn. Quy mô toàn tuyến dài 12,5km, trong đó trên cao 8,5km, đi ngầm 4km; điểm đầu là Nhổn, điểm cuối là ga Hà Nội. Tổng mức đầu tư dự án được tăng từ 783 triệu euro lên 1.176 triệu euro.

Về tình hình giải ngân, lũy kế giải ngân từ đầu dự án đến 15/8 là 15.611 tỷ đồng (đạt 47,4% so với tổng mức đầu tư). Trong đó, vốn ODA là 12.843 tỷ đồng (cấp phát 6.845 tỷ đồng, vay lại 5.997 tỷ đồng) và vốn đối ứng là 2.768 tỷ đồng.

Tiến độ 4 dự án đường sắt đô thị Hà Nội: Tuyến số 1 vẫn bất động, tuyến số 2 điều chỉnh tăng vốn - Ảnh 3.

Đoàn tàu Nhổn - ga Hà Nội chạy thử nghiệm dọc tuyến đường Xuân Thủy. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN).

Theo tiến độ được phê duyệt ban đầu với thời gian hoàn thành dự án là năm 2018. Tuy nhiên, do việc triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và di chuyển các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm nổi toàn tuyến bị chậm so với kế hoạch ban đầu.

UBND TP Hà Nội đã phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện dự án từ năm 2009-2022 (trong đó: đưa vào khai thác, vận hành đoạn trên cao vào tháng 4/2021; đưa vào khai thác, vận hành toàn tuyến vào tháng 12/2022). 

Theo báo cáo của Chính phủ, dự án có 10 gói thầu chính, gồm 9 gói thầu về xây lắp, thiết bị và một gói Tư vấn chung. Đến nay, đã hoàn thành công tác ký hợp đồng và triển khai thi công 9/9 gói thầu chính về xây lắp và thiết bị. 

Tiến độ chung dự án đạt khoảng 74%, tiến độ tổng thể đoạn trên cao đạt 89,41%, do nhiều khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện nên chưa đưa vào khai thác đoạn trên cao theo kế hoạch và dự kiến sẽ phải điều chỉnh tiến độ hoàn thành đoạn ngầm và toàn tuyến.

Về công tác giải phóng mặt bằng, đối với đoạn trên cao, đến nay đã hoàn thành bàn giao toàn bộ mặt bằng cho Nhà thầu thi công từ năm 2014.

Đối với các ga ngầm, trong tổng số 186.522 m2 (gồm 185.879 m2 và 643 m2 theo thu hồi đất bổ sung), đã thu hồi 186.464 m2 (chiếm 99.97%). Phần diện tích còn lại chưa được thu hồi là 57,62 m2 tại các ga S9 và S11.

Hiện nay UBND TP Hà Nội đang tiếp tục chỉ đạo UBND các quận đề xuất tháo gỡ khó khăn vướng mắc và hoàn thành giải phóng mặt bằng các ga ngầm chậm nhất vào quý IV/2021.

Báo cáo Chính phủ cũng cho biết, từ giữa tháng 2/2020 khi đại dịch COVID-19 bùng phát đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ dự án. Ngoài ra, dự án đang bước vào giai đoạn lắp đặt và thử nghiệm thiết bị và hệ thống, do vậy cần số lượng lớn chuyên gia của nhà thầu và tư vấn từ nước ngoài tới Việt Nam để thực hiện công việc nhưng không thể huy động được.

Trong khoảng thời gian từ tháng 2/2020 đến nay, các gói thầu đều thi công giãn cách, có lúc tạm dừng thi công vì không thể huy động được công nhân cũng như các chuyên gia nước ngoài và tuân thủ các biện pháp phòng dịch. 

Ngoài ra, dự án chậm trễ bàn giao mặt bằng trong thời gian dài do vướng mắc về thủ tục và sự chấp hành của các hộ dân, đến nay vẫn còn tồn tại vướng mắc mặt bằng chủ yếu là nhà số 23 Quốc Tử Giám (ảnh hưởng thi công ga S11). 

Bên cạnh đó, nhà tài trợ ADB yêu cầu phải phê duyệt chính sách bồi thường, hỗ trợ và quy trình thực hiện bồi thường cho các hộ dân có nhà bị ảnh hưởng khi thi công tuyến hầm (có móng nhà xung đột với tuyến hầm) trước khi đào tuyến ngầm, đây là việc chưa có tiền lệ và chưa được hướng dẫn theo các quy định pháp luật hiện hành...

Tuyến số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo tăng tổng mức đầu tư lên 35.679 tỷ 

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị TP Hà Nội tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo với tổng mức đầu tư là 19.555 tỷ đồng, do Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội làm chủ đầu tư. Dự án có chiều dài 11,5 km (trong đó đoạn đi ngầm dài 8,9 km; đoạn đi trên cao dài 2,6 km) và một khu Depot.

Toàn cảnh tiến độ loạt dự án đường sắt đô thị trăm nghìn tỷ của Hà Nội - Ảnh 4.

Tuyến đường sắt đô thị số 2 gồm đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo và Cát Linh - Hà Đông. (Đồ họa: Alex Chu).

Thời gian thực hiện từ năm 2009 - 2015. Tuy nhiên, do việc điều chỉnh dự án nên dự kiến thời gian hoàn thành xây dựng, đưa vào vận hành toàn tuyến năm 2027; thời điểm kết thúc công tác đào tạo vận hành bảo dưỡng là 5 năm (từ năm 2027 đến năm 2032).

Về tình hình giải ngân, lũy kế giải ngân từ khi bắt đầu thực hiện dự án đến tháng 8 đạt 974 tỷ đồng, bao gồm nguồn vốn đối ứng đạt 355 tỷ đồng và nguồn vốn ODA đạt 619 tỷ đồng.

Hiện nay, dự án đang làm thủ tục phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 35.679 tỷ đồng, phát sinh tiêu chí dự án quan trọng quốc gia. Trong đó, vốn vay ODA Nhật Bản là 164.762 triệu Yên ~ 30.129 tỷ đồng và vốn đối ứng từ ngân sách TP Hà Nội là 5.549 tỷ đồng.

Báo cáo của Chính phủ cũng nêu rõ những lý do khiến tổng mức đầu tư tăng so với quyết định phê duyệt năm 2008. 

Cụ thể: Thay đổi về quy mô đầu tư; thay đổi tỷ giá quy đổi; các nguyên nhân về giá, bao gồm: tăng do sự biến động về giá đối với nhiên liệu, vật tư, thiết bị, nhân công và thay đổi chế độ chính sách tiền lương; do thay đổi tỷ lệ trượt giá và thay đổi chế độ chính sách và các quy định của nhà nước liên quan đến quản lý chi phí đầu tư.

Về công tác giải phóng mặt bằng, tại khu vực depot, diện tích thu hồi là 17,58 ha, đã GPMB được 100% diện tích đất nông nghiệp, đất cơ quan, đất quốc phòng; phần đất ở đang thực hiện các thủ tục kiểm đếm GPMB.

Tại phần tuyến và ga trên cao đã GPMB được khoảng 82% diện tích và phần ga ngầm đã thực hiện GPMB khoảng 79% diện tích.

Ngoài ra, UBND TP Hà Nội đã có công văn đề nghị Bộ Tài chính xem xét, tổng hợp báo cáo Thủ tướng quyết định việc gia hạn thời hạn giải ngân Hiệp định vay thêm ba năm và xác nhận trả phí cam kết và các chi phí phát sinh (lãi vay cho hạng mục xây dựng và tư vấn) trong thời gian gia hạn Hiệp định.

Sau khi Dự án được phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ đạo UBND TP Hà Nội phối hợp với Bộ Tài chính làm việc với JICA về gia hạn Hiệp định vay.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Phương Trang

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.