5 dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP HCM đội vốn hơn 80.000 tỷ đồng
Trong báo cáo gửi Quốc hội về tiến độ 6 tuyến đường sắt đô thị ở Hà Nội và TP HCM, Chính phủ nêu nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, điển hình là tình trạng nhiều dự án tăng tổng mức đầu tư sau nhiều lần điều chỉnh.
Tại Hà Nội, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, tổng mức đầu tư ban đầu 8.769 tỷ đồng (552,8 triệu USD). Tuy nhiên, đến năm 2017 được điều chỉnh lên 18.000 tỷ đồng (khoảng 868 triệu USD), tăng 9.231 tỷ đồng (khoảng 315 triệu USD). Dự án này được sử dụng từ vốn vay của Chính phủ Trung Quốc và vốn đối ứng trong nước.
Nguyên nhân điều chỉnh tổng mức đầu tư được xác định do thay đổi phương án nhà ga (từ 2 thành 3 tầng); điều chỉnh vật liệu vỏ tàu; chi phí giải phóng mặt bằng; biến động về giá, nguyên vật liệu...
Tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội dài 12,5 km có tổng mức đầu tư 783 triệu Euro, trong đó vốn vay ODA là 653 triệu Euro, vốn đối ứng 130 triệu Euro.
Sau đó, tổng mức đầu tư điều chỉnh là 1.176 triệu Euro. Tổng mức đầu tư sau khi điều chỉnh của dự án tăng khoảng 10.400 tỷ đồng.
Dự án được đầu tư bằng nguồn vốn ODA và vốn đối ứng ngân sách thành phố Hà Nội. Về tiến độ, thời gian hoàn thành dự án ban đầu đặt ra là vào năm 2018, nhưng sau đó điều chỉnh lên thời vận hành toàn tuyến vào tháng 12/2022.
Tuyến Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo dài 11,5 km, có tổng mức đầu tư ban đầu 19.555 tỷ đồng. Tuy nhiên sau đó, tổng mức đầu tư dự kiến được điều chỉnh lên 35.679 tỷ đồng, tăng hơn 16.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, tại TP HCM có hai dự án đường sắt đô thị cũng lâm vào tình trạng tương tự.
Cụ thể, dự án đường sắt đô thị tuyến Bến Thành - Suối Tiên, có tổng mức đầu tư 17.387 tỷ đồng từ vốn vay Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của thành phố. Dự án này được điều chỉnh vốn hai lần, và năm 2019, tổng mức đầu tư dự án đội lên 43.757 tỷ đồng.
Như vậy, tổng mức đầu tư điều chỉnh của dự án tăng khoảng 26.400 tỷ đồng. Về tiến độ, dự án đang trong giai đoạn triển khai thi công, chưa hoàn thành xây lắp để đưa vào vận hành, khai thác.
Tuyến tàu điện ngầm Bến Thành - Tham Lương có tổng mức đầu tư năm 2010 là 1.374 triệu USD (tương đương 26.116 tỷ đồng). 9 năm sau, TP HCM điều chỉnh tổng mức đầu tư là 2.093 triệu USD (tương đương 47.890 tỷ đồng), tăng 21.700 tỷ đồng so với thời điểm ban đầu.
Như vậy, theo báo cáo của Bộ GTVT, có tới 5/6 dự án đường sắt đô thị đang được thực hiện trên địa bàn Hà Nội và TP HCM đều đội vốn với tổng mức đầu tư tăng hơn 80.000 tỷ đồng sau nhiều lần điều chỉnh.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/