Nhà đầu tư ngành điện thấy bất an vì vốn lớn, chi phí cao, chính sách thiếu ổn định
Đầu tư ngành điện cần vốn lớn, chi phí cao
Tại hội thảo "Khơi thông dòng vốn đầu tư vào ngành điện", ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo (Bộ Công Thương), cho biết tổng vốn đầu tư cho phát triển điện lực giai đoạn 2021-2030 của Việt Nam dự kiến là 141,5 tỷ USD, trong đó phần nguồn điện 127,4 tỷ USD và phần lưới khoảng 14,14 tỷ USD.
Như vậy, bình quân vốn đầu tư mỗi năm cho giai đoạn này khoảng 14,1 tỷ USD/năm, trong đó phần nguồn khoảng 12,7 tỷ USD/năm và phần lưới khoảng 1,4 tỷ USD/năm.
Ông Nguyễn Tài Anh, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cho biết để thực hiện cam kết của Chính phủ tại Hội nghị COP26 cần phát triển nguồn và phụ tải một cách cân bằng, hạn chế tối đa truyền tải liên miền và xây dựng mới các đường dây truyền tải liên miền giai đoạn tới năm 2030.
Đồng thời, xã hội hóa việc đầu tư phát triển lưới điện truyền tải để đấu nối các nguồn điện, nhằm giảm gánh nặng đầu tư cho ngành điện.
Thực tế, từ năm 2020 đến nay, chúng ta hầu như không có dự phòng do tăng trưởng phụ tải hầu như bằng không. Do đó, mỗi quốc gia cần cân đối tỷ trọng các nguồn điện cần hợp lý, cùng chính sách đủ hấp dẫn để khuyến khích các thành phần kinh tế bỏ vốn đầu tư vào ngành điện.
"Với 14 tỷ USD/năm đã tăng hơn nhiều mức 9 tỷ USD/năm của giai đoạn trước. EVN chỉ là một phần, chúng tôi không đủ khả năng chịu đựng nguồn vốn lớn như vậy, cần kêu gọi đầu tư từ các thành phần kinh tế ", ông Tài Anh nói.
Hiện nay, các nhà đầu tư tư nhân tính toán nhiều đến lợi nhuận tại mỗi dự án, việc thu xếp vốn từ các tổ chức tín dụng cũng đánh giá kỹ về triển vọng lợi nhuận của dự án. Do vậy, về dài hạn, chi phí điện còn gia tăng, ảnh hưởng đến thu hút nguồn vốn đầu tư cả trong lẫn ngoài nước vào các dự án điện.
Bình luận về điều này, ông Bùi Xuân Hồi, Chuyên gia kinh tế năng lượng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng điện lực miền Bắc cho rằng khi nhu cầu điện ngày càng lớn thì vốn cho các dự án để đủ điện phục vụ phát triển kinh tế cũng lớn tương ứng.
Nhưng để thu hút đầu tư thì khía cạnh lợi ích phải đặt hàng đầu, nhất là với các doanh nghiệp tư nhân, hay kể cả nguồn vốn đầu tư của nhà nước.
Ngành điện đã có thị trường phát điện cạnh tranh nhưng giá bán điện cho người tiêu dùng cuối cùng vẫn do Nhà nước quyết định, thì doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, kể cả với doanh nghiệp có vốn Nhà nước như EVN trong đảm bảo duy trì cung cấp điện.
Ông Hồi cho rằng sẽ không thể thu hút đầu tư vào ngành điện nếu không có cơ chế giá điện đủ hấp dẫn nhà đầu tư, từ đó khó đảm bảo an ninh trong cung cấp điện.
"Trọng tâm nhất là phải có cơ chế giá, lần điều chỉnh gần nhất là 2019 trong khi giá đầu vào luôn biến động. Khó khăn của đầu vào là than, khí tăng cao, kéo chi phí đầu vào tăng chóng mặt.
Lúc này, vai trò điều tiết của Chính phủ là vô cùng quan trọng để giá điện vừa đảm bảo lợi ích xã hội tổng thể, vừa đảm bảo lợi nhuận cho các nhà đầu tư", ông Hồi nhấn mạnh.
Nhà đầu tư lo ngại nhiều rủi ro
Các nhà đầu tư đánh giá ngành điện, đặc biệt là năng lượng tái tạo ở Việt Nam là miếng bánh hấp dẫn. Tuy nhiên, họ cũng lo ngại, rủi ro trong triển khai các dự án điện khi chính sách giá, đầu tư thiếu ổn định, khó huy động vốn...
Ông Nguyễn Thái Hà, Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn năng lượng T&T, cho biết công ty đã khởi công hợp phần kỹ thuật dự án lớn tại Quảng Trị, tổng mức đầu tư 55.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn đang gặp nhiều vướng mắc do dự án triển khai trong thời gian dài, rủi ro lớn khi giá khí đã tăng gấp 3 lần chỉ trong thời gian ngắn.
"Đặc thù của dự án nhiệt điện khí LNG là dự án rất lớn và gồm nhiều giai đoạn triển khai, với nhiều cấu phần luôn biến động và nhiều rủi ro.
Cụ thể là rủi ro ở khâu thượng nguồn (nguồn khí, biến động giá), hạ nguồn (giá bán điện), rủi ro đối tác, rủi ro trong quá trình thi công, … sẽ dẫn tới nhiều khó khăn khi triển khai hơn các dự án có quy mô tương tự như nhiệt điện than vốn đã phải đối mặt với tình trạng chậm tiến độ", ông Hà nói.
Trước đó năm 2021, đại dịch COVID-19 lan rộng tại nhiều địa phương khiến các dự án điện gió của tập đoàn gặp khó khăn trong vận chuyển, gián đoạn cung ứng turbine, huy động nhân lực trong và ngoài nước….
Điều này khiến một số dự án chưa kịp COD, đang được đặt trong tình trạng chờ “xem xét hướng dẫn thực hiện với cơ chế đề xuất mới - cơ chế chuyển tiếp”.
Một số dự án của tập đoàn cũng đang gặp trở ngại lớn về tài chính khi đã hoàn thành thi công xây dựng, nhưng chưa được ghi nhận sản lượng và doanh thu, đối mặt với việc thiếu nguồn thu trả nợ tới hạn cho các tổ chức tài chính.
Điều này không chỉ ảnh hưởng tới tập đoàn mà còn có hệ lụy dây chuyền tới các nhà thầu và các nhà đầu tư tài chính cho dự án.
Tương tự, ông Lê Như Phước An, Phó tổng giám đốc Trungnam Group cũng thừa nhận đầu tư điện gió ở Việt Nam, hấp dẫn nhưng lắm rủi ro.
Tại tọa đàm, ông An đưa ra 6 điểm bất cập trong cơ chế, chính sách với các nhà đầu tư ngành điện, trong đó có cơ chế tính giá điện.
“Cơ chế giá hiện cũng khá bất lợi với nhà đầu tư. Nguồn vốn dùng ngoại tệ nhưng giá điện tính bằng đồng (VND), rủi ro cho doanh nghiệp khá hiện hữu”, ông An nói.
Trungnam Group đã đầu tư toàn bộ chi phí xây dựng cũng như chi phí vận hành từ năm 2020 cho đến nay, nên việc chỉ khai thác một phần công suất của dự án Điện mặt trời Thuận Nam do chưa có cơ chế giá điện rõ ràng đang gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp, gây khó khăn trong việc đảm bảo dòng tiền và trả nợ ngân hàng.
Ngoài ra, đại diện Trungnam Group cũng nêu ra một khó khăn về huy động vốn. Cụ thể, hiện Ngân hàng Nhà nước quy định không được dùng vốn nước ngoài để trả nợ trong nước. Trong khi, các nhà máy đã hoạt động và có doanh thu ổn định lại rất thu hút các ngân hàng, tổ chức tài chính ở nước ngoài.
Rõ ràng, nhà đầu tư có dư địa vay vốn để thực hiện các dự án trong nước. Do vậy, đại diện Trungnam Group đề nghị xem xét quy định này, khơi thông và thu hút nguồn vốn nước ngoài vào ngành điện.
Nhà đầu tư cảm thấy rằng rủi ro đang được đẩy về phía họ và đây là bất lợi, khó trong kêu gọi vốn đầu tư cả trong và ngoài nước.
“Phải giảm được rủi ro, tăng tỷ suất lợi nhuận mới đảm bảo thu hút vốn đầu tư vào các dự án điện", ông An nói.
Phó tổng Trungnam Group cho rằng cần hoàn thiện cơ chế huy động và đảm bảo nguồn tài chính tư nhân và quốc tế, chính sách tài chính nhằm đẩy mạnh vốn đầu tư cho năng lượng tái tạo. Đồng thời, cần có cơ chế giá điện ưu đãi và cạnh tranh, các chính sách thuế ưu đãi cho năng lượng tái tạo.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/