|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Nhà đầu tư cá nhân tiếp tục mua vào, dòng tiền tăng đột biến nhóm xây dựng và vật liệu

07:23 | 13/08/2021
Chia sẻ
Trong phiên VN-Index tiếp tục điều chỉnh hơn 5 điểm, nhà đầu tư cá nhân là bên mua ròng duy nhất gần 899 tỷ đồng tên HOSE. Giao dịch tập trung phần lớn ở nhóm bất động sản với tâm điểm là giao dịch mua ròng gần 190 tỷ đồng cổ phiếu DIG.

Bất chấp những nỗ lực duy trì sắc xanh, áp lực bán dâng cao đặc biệt tại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn khiến thị trường tiếp tục có phiên giảm điểm. Tuy nhiên, điểm sáng là chỉ số vẫn giữ được mốc 1.350 điểm.

Đóng cửa phiên 12/8, VN-Index giảm 4,74 điểm (0,35%) còn 1.353,05 điểm, HNX-Index giảm nhẹ 0,03% về 334,33 điểm, còn UPCoM-Index giảm 0,03% xuống 91,98 điểm.

Thanh khoản thị trường suy giảm đáng kể so với phiên trước, tuy nhiên vẫn cao hơn mức thanh khoản bình quân trong 1 tháng gần đây. Tổng giá trị giao dịch toàn thị trường là 27.804 tỷ đồng, tính riêng giá trị khớp lệnh trên HOSE là 21.630 tỷ đồng, giảm 12% so với phiên hôm qua.

Nhà đầu tư cá nhân trở thành bên mua ròng duy nhất trong phiên điều chỉnh thứ 2 của thị trường - Ảnh 1.

Xu hướng giao dịch theo nhóm nhà đầu tư và biến động của VN-Index trong 20 phiên gần nhất. (Nguồn: FiinPro).

Áp lực bán dâng cao khi cả ba nhóm nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức trong nước và khối tự doanh công ty chứng khoán đồng loạt bán ròng. Tính riêng giao dịch khớp lệnh tại sàn HOSE, các nhóm này bán ròng lần lượt 143,8 tỷ đồng, 660,8 tỷ đồng và 94,1 tỷ đồng.

Giao dịch đối ứng đến từ phía các cá nhân trong nước khi nhóm này tiếp tục mua ròng khớp lệnh 899 tỷ đồng. Mặc dù lực mua có phần suy giảm sau hai phiên mua mạnh trước đó, nhà đầu tư cá nhân vẫn là lực cầu duy nhất trên thị trường, giữ chỉ số không giảm sâu.

Dòng tiền tập trung mạnh nhất ở nhóm bất động sản, ngân hàng

Thống kê giao dịch theo nhóm ngành, lực mua gia tăng khiến bất động sản trở lại vị trí dẫn dắt dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân. Nhóm này được mua ròng 421 tỷ đồng, tăng hơn 41% so với phiên trước đó. Mặc dù không còn tăng mạnh, cổ phiếu bất động sản vẫn là nhóm ảnh hưởng tích cực nhất lên chỉ số trong phiên 12/8.

Nhà đầu tư cá nhân trở thành bên mua ròng duy nhất trong phiên điều chỉnh thứ 2 của thị trường - Ảnh 2.

Giao dịch theo nhóm ngành của NĐT cá nhân. (Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp).

Bên cạnh nhóm bất động sản, giao dịch mua ròng diễn ra tại 13/18 ngành khác. Trong đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng tập trung gần 265 tỷ đồng mua ròng bất chấp áp lực điều chỉnh mạnh trong phiên. Cũng hưởng lợi từ làn sóng đầu tư công, cổ phiếu ngành xây dựng và vật liệu thu hút 101 tỷ đồng.

Chiều ngược lại, các cá nhân bán ròng nhẹ tại 4 nhóm cổ phiếu, lần lượt là hàng & dịch vụ công nghiệp (27,7 tỷ đồng), dầu khí (24,5 tỷ đồng), tài nguyên cơ bản (11,8 tỷ đồng) và y tế (5,5 tỷ đồng).

Tâm điểm mua ròng hơn 188 tỷ đồng cổ phiếu DIG

Thống kê giao dịch theo từng mã, cổ phiếu DIG của Tổng Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng vươn lên trở thành mã được mua ròng nhiều nhất với giá trị 188,6 tỷ đồng, tương đương khoảng 5,7 triệu đơn vị. So sánh với phiên liền trước, lực cầu tại DIG đã tăng mạnh 115% và là mã duy nhất được mua ròng trên 100 tỷ đồng.

Theo thông tin công bố tại HOSE, Phó Chủ tịch DIG đã hoàn tất giao dịch mua trên 3 triệu đơn vị trong khoảng thời gian từ 12/7 đến 10/8/2021, nâng tổng tỷ lệ sở hữu lên 9,45%. Trong 1 tháng gần đây, cổ phiếu DIG đã tăng hơn 38%, đóng cửa phiên 12/8 tăng gần kịch trần lên mức 32.550 đồng/cp.

Nhà đầu tư cá nhân trở thành bên mua ròng duy nhất trong phiên điều chỉnh thứ 2 của thị trường - Ảnh 3.

Cổ phiếu được NĐT cá nhân mua/bán ròng nhiều nhất qua kênh khớp lệnh sàn HOSE. (Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp).

Dòng tiền vào cũng tìm đến các cổ phiếu nhóm bất động sản - xây dựng và vật liệu, với các đại diện NLG (68,3 tỷ đồng), PC1 (45,5 tỷ đồng), NVL (44,5 tỷ đồng), SCR (34,5 tỷ đồng). Đồng thời nhóm này mua ròng bộ đôi cổ phiếu "họ" Vingroup là VRE (66,3 tỷ đồng) và VIC (54,7 tỷ đồng). Với việc giải ngân đầu tư công được đẩy mạnh trong hai quý cuối năm, các nhóm bất động sản, xây dựng và vật liệu được kỳ vọng là những nhóm thượng nguồn, hưởng lợi trực tiếp từ chính sách đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng.

Bên cạnh nhóm ngành tâm điểm, lực mua trở lại với các cổ phiếu nhóm ngân hàng. VPB của VPBank được mua ròng 98,6 tỷ đồng, nối tiếp SSB của SeABank ghi nhận giao dịch 51,6 tỷ đồng. Mặc dù lực xả dồn dập vào cuối phiên khiến DPM quay đầu giảm gần sàn (6,74%), đại diện nhóm phân bón cũng được mua ròng 52,3 tỷ đồng.

Tại chiều bán, giao dịch vẫn diễn ra khá ảm đạm khi không có mã nào ghi nhận lực xả đột biến. Với việc dòng tiền quay đầu chốt lời mạnh tại nhóm cảng biển sau chuỗi tăng điểm, cổ phiếu GMD của Gemadept trở thành mã bị bán ròng nhiều nhất bởi các cá nhân trong nước với 39,7 tỷ đồng

Theo sau, nhà đầu tư cá nhân thực hiện bán chốt lời hai cổ phiếu vốn hóa lớn là VCB (21,4 tỷ đồng) và VNM (17,4 tỷ đồng). Nối tiếp, lực rút ròng phân bổ tại các mã PLX (28 tỷ đồng), NKG (18,6 tỷ đồng), SZC (12,2 tỷ đồng), NTL (11,8 tỷ đồng), theo sau bán ròng dưới 10 tỷ đồng các cổ phiếu HSG, DXG, AGG.

Thảo Bùi