|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

NĐT cá nhân vẫn rót tiền nhóm bất động sản phiên VN-Index tăng hơn 18 điểm

07:31 | 10/08/2021
Chia sẻ
Trong phiên đầu tuần VN-Index tăng hơn 18 điểm, NĐT cá nhân quay lại mua ròng 142 tỷ đồng trên sàn HOSE sau khi đã chốt lời một phần trong tuần trước. Giao dịch mua gom vẫn tập trung ở nhóm bất động sản vốn hóa lớn như VIC, DIG, NVL.

VN-Index tăng hơn 18 điểm, thanh khoản thị trường được cải thiện

Mặc dù xuất hiện những nhịp giảm điểm trong phiên mở cửa tuần, đà tăng liên tục được nới rộng về cuối phiên chiều nhờ sắc xanh lan tỏa rộng khắp trên thị trường. Đặc biệt, sự trở lại của bộ ba 'bank, chứng, thép' kéo VN-Index bứt phá mạnh mẽ trước ngưỡng cản 1.350 điểm.

Kết phiên, VN-Index tăng 18,41 điểm (1,37%) lên 1.359,86 điểm, HNX-Index tăng 5,22 điểm (1,6%) lên 330,68 điểm, UPCoM-Index tăng 1,1 điểm (1,25%) lên 89,38 điểm.

Tổng khối lượng giao dịch đạt 936,3 triệu đơn vị, tương ứng 28.632 tỷ đồng, tăng 0,6% so với phiên liền trước. Trong đó, thanh khoản khớp lệnh trên HOSE ghi nhận ở mức tương đương, gần 20.600 tỷ đồng.

NĐT cá nhân vẫn hướng về nhóm bất động sản khi VN-Index quay lại đà tăng điểm - Ảnh 1.

Nguồn: FiinPro.

Tính riêng trên sàn HOSE, nhà đầu tư cá nhân mua ròng 454,6 tỷ đồng, trong đó họ mua ròng khớp lệnh là 141,6 tỷ đồng. Mặc dù duy trì xu hướng tích cực, giao dịch nhóm này có phần thu hẹp khi giá các cổ phiếu đã có nhịp hồi phục kể từ nửa cuối tháng 7. Cùng chiều với các cá nhân, tổ chức nội cùng nhóm tự doanh công ty chứng khoán cũng đồng loạt mua ròng 135,8 tỷ đồng và 57,7 tỷ đồng trên HOSE.

Trái ngược, khối ngoại là bên duy nhất bán ròng trong phiên 9/8. Nhóm này rút ròng qua khớp lệnh 335,2 tỷ đồng, qua đó chấm dứt chuỗi 6 phiên mua ròng kể từ cuối tháng 7. Khối ngoại ghi nhận giao dịch chủ yếu tại nhóm cổ phiếu Vingroup khi tiếp tục bán ròng VIC, nhưng lại mua ròng mạnh VHM và VRE qua cả kênh khớp lệnh và thỏa thuận.

Bất động sản vẫn là tâm điểm thu hút dòng tiền

NĐT cá nhân vẫn hướng về nhóm bất động sản khi VN-Index quay lại đà tăng điểm - Ảnh 2.

Giao dịch theo nhóm ngành của NĐT cá nhân. (Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp).

Mặc dù mua ròng gần 142 tỷ đồng, chiều mua chỉ được ghi nhận tại 8/18 nhóm ngành. Trong đó, nhóm bất động sản vẫn duy trì vị thế của mình khi thu hút tới 171 tỷ đồng mua ròng, tiếp tục dẫn đầu ở chiều mua.

Theo sau, cá nhân trong nước giải ngân với quy mô khoảng 60 tỷ đồng vào các nhóm thực phẩm & đồ uống, hóa chất và hàng cá nhân & gia dụng.

Ở chiều ngược lại, giao dịch bán ròng xuất hiện tại 10/18 nhóm ngành. Áp lực bán chốt lời vẫn duy trì mạnh nhất tại các nhóm dịch vụ tài chính, chủ yếu là nhóm chứng khoán (78 tỷ đồng), công nghệ thông tin (57,8 tỷ đồng) và ngân hàng (46,2 tỷ đồng).

Mua ròng VIC, DIG, NVL, chuyển chốt lời VHM sau tuần gom mạnh

NĐT cá nhân vẫn hướng về nhóm bất động sản khi VN-Index quay lại đà tăng điểm - Ảnh 3.

Cổ phiếu được NĐT cá nhân mua/bán ròng nhiều nhất qua kênh khớp lệnh sàn HOSE. (Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp).

Có thể thấy, tương quan giữa chiều mua/bán của các cá nhân ở phương thức khớp lệnh khá cân bằng, không có mã nào ghi nhận giao dịch ròng trên 100 tỷ đồng. Trong đó, ngành bất động sản đóng góp tới 4 đại diện trong top 10 mã được mua gom nhiều nhất trên sàn HOSE.

Cụ thể, cổ phiếu VIC của Vingroup vươn lên vị trí đầu bảng nhờ lực mua ròng 65,1 tỷ đồng, gấp gần 2 lần so với phiên cuối tuần trước. Mặc dù vậy, lực bán mạnh từ các nhà đầu tư nước ngoài khiến VIC đóng cửa trong sắc đỏ, giảm 0,18% đóng cửa ở mức 113.100 đồng/cổ phiếu.

Cũng được mua ròng gần 65 tỷ đồng là cổ phiếu DIG của Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng. Với lực cầu tăng hơn 2 lần so với phiên trước đó, DIG tiếp tục có phiên tăng điểm thứ 5. Thống kê sau 5 phiên gần đây, giá cổ phiếu DIG đã tăng xấp xỉ 21,7% và dừng lại ở 30.800 đồng/cp. 

Theo sau, hai đại diện khác của nhóm bất động sản là NVL của Địa ốc Nova và FLC của Tập đoàn FLC cũng được mua ròng, lần lượt với giá trị 53,1 tỷ đồng và 21,7 tỷ đồng.

Dòng tiền cá nhân vẫn tìm đến cổ phiếu của hai ngân hàng quốc doanh là CTG (63,7 tỷ đồng) và VCB (28,3 tỷ đồng), đồng thời mua ròng LPB (33,1 tỷ đồng). Một số mã cũng thu hút giao dịch trong phiên phải kể đến DPM (52,5 tỷ đồng), VNM (35,8 tỷ đồng), PC1 (23,6 tỷ đồng).

Tại chiều bán ròng, danh mục chốt lời của nhà đầu tư cá nhân không có sự biến động lớn so với những phiên trước. Tiếp tục dẫn dắt lực xả ròng là SSI (76,1 tỷ đồng) và STB (62,4 tỷ đồng). Đối ứng với giao dịch của các cá nhân, bộ đôi đã được khối ngoại mua ròng kể từ đầu tháng 8.

Kế tiếp, dòng vốn tiếp tục rút khỏi nhiều cổ phiếu của các "ông lớn" trong ngành như FPT (62,1 tỷ đồng), HDB (32,5 tỷ đồng), MBB (28,6 tỷ đồng), HPG (27 tỷ đồng), VPB (24,9 tỷ đồng)...

Đáng chú ý, mặc dù mua ròng trên 1.500 tỷ đồng cổ phiếu của Vinhomes trong tuần 2/8 - 6/8, dòng tiền có động thái đảo chiều khi bán ròng hơn 36,5 tỷ đồng cổ phiếu VHM trong phiên. Với mức tăng 3,07% chỉ trong phiên 9/8, VHM là cổ phiếu ảnh hưởng tích cực nhất, đóng góp tới 3,1 điểm cho đà tăng của VN-Index.

Thảo Bùi

ĐHĐCĐ Vincom Retail: Lãi 1.080 tỷ đồng trong quý I, lãnh đạo khẳng định không đổi tên khi xuất hiện cổ đông mới
Năm 2024, ban lãnh đạo Vincom Retail trình cổ đông kế hoạch kinh doanh với doanh thu thuần hoạt động sản xuất kinh doanh khoảng 9.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 4.420 tỷ đồng.