Phiên 9/8: Khối ngoại có phiên mua ròng thứ 7 trên sàn HOSE, tâm điểm gom VHM
Nối tiếp xu hướng điều chỉnh của tuần trước sau những phút đầu giao dịch, chỉ số nhanh chóng lấy lại sắc xanh và giao dịch khởi sắc trở lại nhờ vào dòng tiền đổ vào nhóm mid-cap. Đặc biệt, sự trở lại của bộ ba 'bank, chứng, thép' kéo thị trường bứt phá mạnh mẽ trước ngưỡng cản mạnh tại 1.350 điểm.
Đóng cửa phiên, VN-Index tăng 18,41 điểm (1,37%) lên 1.359,86 điểm, HNX-Index tăng 5,22 điểm (1,6%) lên 330,68 điểm, UPCoM-Index tăng 1,1 điểm (1,25%) lên 89,38 điểm.
Độ rộng thị trường tích cực với 591 mã tăng, 233 mã giảm và 207 mã tham chiếu. Tổng khối lượng giao dịch đạt 936,3 triệu đơn vị, tương ứng 28.632 tỷ đồng. Trong đó, thanh khoản khớp lệnh trên HOSE gần 20.600 tỷ đồng, tương đương phiên cuối tuần trước.
Trên sàn HOSE, xu hướng mua ròng vẫn được duy trì với quy mô giao dịch ròng khoảng 131,43 tỷ đồng, tập trung tại thị trưởng cổ phiếu và chứng chỉ ETF nội.
Cổ phiếu VHM của Vinhomes quay trở lại dẫn dắt chiều mua ngay trong ngày giao dịch đầu tiên của tuần mới. Khối ngoại mạnh tay mua ròng với quy mô 379,5 tỷ đồng, tương ứng khối lượng 3.280.000 cổ phiếu và cũng là mã duy nhất được giao dịch tên 100 tỷ đồng trên sàn.Theo ghi nhận, cổ phiếu VHM đã liên tục được NĐT nước ngoài gom ròng kể từ giữa tháng 7 bất chấp nhịp điều chỉnh chung. Lực cầu liên tục gia tăng giúp VHM đóng cửa ở 117.400 đồng/cp, tăng 3,07% và đóng góp 3,1 điểm cho đà tăng của VN-Index.
Theo sau, dòng vốn ngoại tìm đến 2 chứng chỉ quỹ ETF là FUEVFVND và E1VFVN30, với quy mô mua ròng lần lượt 71,5 tỷ đồng và 23,9 tỷ đồng. Khối ngoại cũng duy trì mua ròng ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, trong đó nổi bật là các giao dịch mua ròng tại STB (51,5 tỷ đồng), HDB (16,1 tỷ đồng), MBB (15,3 tỷ đồng), BID (12,9 tỷ đồng).
Cổ phiếu SSI vẫn thu hút 48,5 tỷ đồng vốn ngoại, theo sau hai cổ phiếu bluechips là PLX và HPG lần lượt được vào ròng 24,3 tỷ đồng và 22,5 tỷ đồng.
Mặc dù mua ròng mạnh VHM, dòng vốn ngoại lại bán ròng hơn 776.900 đơn vị cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup. So với cuối tuần trước, lực xả đã tăng gần 1,6 lần lên mức 87,4 tỷ đồng.
Khối ngoại cũng thực hiện chốt lời một số cổ phiếu thuộc nhóm bất động sản như NVL (52,6 tỷ đồng), DIG (31,1 tỷ đồng), PC1 (22,1 tỷ đồng). Đáng chú ý, cổ phiếu PC1 của CTCP Xây lắp điện I bất ngờ tăng trần lên mức 28.950 đồng/cp và được giao dịch hơn 3,6 triệu đơn vị trong phiên, gấp 3,5 lần lượng giao dịch thông thường.
Bên cạnh đó, dòng vốn ngoại cũng rút ròng khỏi một số cổ phiếu trong phiên tăng điểm, phải kể đến VNM (72,7 tỷ đồng), CTG (63,4 tỷ đồng), DPM (43,1 tỷ đồng), VCB (36,5 tỷ đồng), MSN (25,6 tỷ đồng) và GMD (20,3 tỷ đồng).
Tại HNX, tương quan giữa chiều mua/bán lần lượt là 28,99 tỷ đồng và 42,16 tỷ đồng. Theo đó, khối ngoại đảo chiều bán ròng 13,17 tỷ đồng, tương ứng khối lượng 731.480 cổ phiếu.
Sau khi gom ròng gần 80 tỷ đồng VND trong tuần trước, NĐT nước ngoài có động thái chốt lời hơn 9,8 tỷ đồng cổ phiếu của Chứng khoán VNDirect trong phiên mã này tăng 3,79% giá trị.
Lực xả cũng gia tăng tại nhiều cổ phiếu như PVS (6,3 tỷ đồng), BVS (3,59 tỷ đồng), CDN (2,4 tỷ đồng), BSI (2,2 tỷ đồng). Cùng chiều, nhiều mã bị bán ròng trên 1 tỷ đồng phải kể đến PVC (1,8 tỷ đồng), VCS (1,6 tỷ đồng), PVI (1,1 tỷ đồng), NTP (1 tỷ đồng).
Chiều ngược lại, cổ phiếu DXS của Đất Xanh Services dẫn đầu với giá trị vào ròng 19,3 tỷ đồng, khá tương đồng với phiên cuối tuần trước. Một mã thuộc nhóm ngân hàng là SHB cũng bất ngờ được mua ròng 2,3 tỷ đồng trên sàn HNX.
Theo sau, dòng tiền ngoại mua gom một số cổ phiếu với giá trị nhẹ hơn, lần lượt là BCG (414 triệu đồng), GMX, NSC, PLC, DTD, PAN...
Tại thị trường UPCoM, khối ngoại chấm dứt chuỗi mua ròng, chuyển bán ròng nhẹ 3,84 tỷ đồng hay 12.314 đơn vị.
Ở chiều bán ròng, cổ phiếu ABI của Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam cùng QNS của Đường Quảng Ngãi nối tiếp nhau bị bán ròng 5,6 tỷ đồng và 5,1 tỷ đồng. Đây là 2 mã tập trung lực xả mạnh nhất trong phiên. Một số cổ phiếu cũng ghi nhận giao dịch cùng chiều là BVB (257 triệu đồng), VGT (143 triệu đồng), ORS (120 triệu đồng)...
Trái chiều, dòng vốn ngoại mua vào mạnh nhất cổ phiếu ACV của TCT Cảng hàng không Việt Nam (2,1 tỷ đồng). Nối tiếp, nhóm này rót vốn vào ròng 1,9 tỷ đồng mã VTP của Viettel Post và 1,7 tỷ đồng BSR của Lọc hóa Dầu Bình Sơn. Lực cầu nhẹ hơn cũng xuất hiện tại PVP, HPP, VAB, BTD, MSR...