|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tuần 2 - 6/8: Khối ngoại giải ngân gần 2.500 tỷ đồng, tâm điểm mua vào VHM, STB, SSI

15:47 | 07/08/2021
Chia sẻ
Trong tuần VN-Index tăng hơn 31 điểm (2 - 6/8), khối ngoại trở thành lực mua chính trên thị trường khi mua ròng trên 2.477 tỷ đồng trên toàn sàn. Giao dịch mua ròng tập trung ở bộ ba ngân hàng - bất động sản và dịch vụ tài chính, với tâm điểm giao dịch thuộc về VHM, STB, SSI.

VN-Index đóng cửa tuần thứ 32 của năm 2021 với 4 phiên tăng điểm so với 1 phiên điều chỉnh nhẹ cuối tuần. Sau chuỗi 9 phiên tăng điểm liên tiếp, áp lực chốt lời tại vùng đỉnh xuất hiện nhiều khiến chỉ số sàn HOSE không thể đóng cửa ở mức cao nhất tuần.

Theo đó, VN-Index dừng lại ở 1.341,45 điểm, có thêm 31,4 điểm tương đương 2,39%, Tương tự, HNX-Index cũng tăng thêm 10,61 (3,37%) điểm dừng lại ở 325,46 điểm. UPCoM-Index tăng nhẹ hơn 1,55% lên mức 88,28 điểm.

Thanh khoản trung bình một phiên trên sàn HOSE được cải thiện đáng kể, đạt 19.224 tỷ đồng và tăng 14% so với mức 16.807 tỷ đồng của tuần trước đó.

Trong tuần dòng tiền chuyển biến tích cực hơn, khối ngoại mua ròng trên cả 5 phiên. Lực mua xuất hiện mạnh nhất trong phiên VN-Index tăng 10,81 điểm (5/8), theo đó NĐT nước ngoài có phiên mua ròng trên ngưỡng 1.000 tỷ đồng đầu tiên sau 2 tuần. Tổng quy mô giải ngân đạt 1.134 tỷ đồng trong đó 655 tỷ đồng được thực hiện qua phương thức khớp lệnh.

Khối ngoại giải ngân trên 2.477 tỷ đồng trong tuần qua, tâm điểm mua vào VHM, STB, SSI - Ảnh 1.

Xu hướng phân bổ vốn của NĐT nước ngoài trên sàn HOSE tuần qua. (Nguồn: Algo Platform).

Tiếp tục xu hướng trong tuần trước, nhóm ngân hàng vẫn là tâm điểm giao dịch của khối ngoại khi ghi nhận trên 1.336 tỷ đồng mua ròng. Dịch vụ tài chính và bất động sản cũng duy trì thu hút lực cầu giúp thị trường tăng điểm tích cực. Cụ thể, nhóm dịch vụ tài chính được mua ròng 814 tỷ đồng, theo sau là bất động sản với 568 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, hoạt động bán ròng phân bổ chủ yếu ở nhóm thực phẩm & đồ uống (202 tỷ đông), đồng thời diễn ra với quy mô nhỏ hơn ở nhóm bán lẻ (121 tỷ đồng), nước & khí đốt (73 tỷ đồng)...

Tại HOSE: Mua ròng 2.410 tỷ đồng, tâm điểm là giao dịch VHM, STB, SSI

Chiều mua chiếm vị thế áp đảo so với chiều bán trên sàn HOSE với giá trị tương ứng 8.203 tỷ đồng so với 5.792 tỷ đồng. Theo đó, khối ngoại mua ròng tổng cộng trên 2.410 tỷ đồng, chủ yếu thực hiện qua phương thức khớp lệnh.

Tuần  - Ảnh 1.

Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.

Nổi bật là giao dịch mua ròng 985,2 tỷ đồng cổ phiếu VHM của Vinhomes. Trên đường đua lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2021 của 759 doanh nghiệp niêm yết, Vinhomes vươn lên giành lấy ngôi đầu với lãi sau thuế 10.303 tỷ đồng, tăng trưởng 202% so với cùng kỳ 2020.

Thống kê từ đầu tháng 7, nhà đầu tư nước ngoài đã liên tục đẩy mạnh mua vào cổ phiếu VHM bất chấp nhịp điều chỉnh của thị trường. Tính đến hết phiên 6/8, cổ phiếu VHM đã hồi phục 4,5% giá trị từ đáy tháng trước, giao dịch ở mức 113.900 đồng/cp.

Kế tiếp, lực cầu tập trung ở STB (Sacombank) của nhóm ngân hàng với giá trị vào ròng trên 702 tỷ đồng. Trong tháng 7, các nhà đầu tư nước ngoài đã gom trên 1.100 tỷ đồng STB cùng khoảng thời gian Sacombank bán ra toàn bộ 81,6 triệu cổ phiếu quỹ. Bước sang tháng 8, xu hướng mua ròng không dừng lại mà còn có dấu hiệu được củng cố khi STB tiếp tục được gom ròng hơn 23 triệu đơn vị.

Một cái tên cũng được gom ròng đều đặn trên 2 triệu đơn vị mỗi phiên kể từ đầu tháng 8 là SSI của Chứng khoán SSI. Lũy kế trong tuần, khối ngoại rót vốn ròng 639,2 tỷ đồng vào SSI, đưa mã này trở thành cổ phiếu được mua ròng nhiều thứ 3.

Bên cạnh những đại diện nổi bật, lực cầu cũng tìm đến một số cổ phiếu thuộc nhóm ngân hàng như MBB (379,2 tỷ đồng), HDB (208,1 tỷ đồng), LPB (65,1 tỷ đồng). Theo sau, dòng tiền phân bổ nhẹ tại các mã large-cap như HPG (146,6 tỷ đồng), MSN (138,9 tỷ đồng), HCM (69,6 tỷ đồng) và chứng chỉ quỹ FUEVFVND (136 tỷ đồng).

Trái chiều, dòng tiền rút mạnh 374,7 tỷ đồng khỏi cổ phiếu VIC của Vingroup. Dù công ty con là Vinhomes báo lãi khủng, VIC chỉ ghi nhuận tương đương năm 2020 do chi phí thuế TNDN hiện hành tăng cao. Theo thông báo, ngày 18/8 tới đây là ngày đăng ký cuối cùng nhận cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 12,49% của VIC.

Một cổ phiếu khác cũng bị bán ròng là VRE của Vincom Retail. Tuy vẫn nằm trong nhóm ngành chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19, VRE vẫn ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 12,7% và 39,9% so với nửa đầu năm ngoái.

Theo sau, dòng tiền ngoại cũng rút ròng khỏi nhiều cổ phiếu bất động sản gồm SZC (63,6 tỷ đồng), NVL (62,7 tỷ đồng), DIG (61,3 tỷ đồng). Một số bluechips ghi nhận giao dịch cùng chiều là VNM (203,7 tỷ đồng), GAS (103,6 tỷ đồng), SAB (59 tỷ đồng), CTG (58,9 tỷ đồng), DPM (49,7 tỷ đồng).

Trên sàn HNX: Mua ròng 28,1 tỷ đồng, tâm điểm giải ngân vào VND, DXS

Trong tuần giao dịch khởi sắc, khối ngoại tiếp tục mua ròng 28,1 tỷ đồng trên sàn HNX, tăng 10% về giá trị so với tuần cuối tháng 7.

Khối ngoại giải ngân trên 2.477 tỷ đồng trong tuần qua, tâm điểm mua vào VHM, STB, SSI - Ảnh 3.

Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.

Giao dịch mua ròng tập trung ở hai cổ phiếu VND và DXS. Trong đó cổ phiếu VND được mua vào với sức mua gấp 6 lần trước đó, đạt 79,2 tỷ đồng. Kết thúc tuần qua, giá cổ phiếu VND đã tăng 8,68% so với thời điểm đầu tháng 8, đóng cửa tuần ở 50.100 đồng/cp.

Lực cầu cổ phiếu DXS của Đất Xanh Services cũng tăng gấp 9 lần, lên mức 39,7 tỷ đồng khi ngành bất động sản đồng loạt dậy sóng. Cùng chiều, dòng tiền phân bổ với giá trị nhỏ hơn tại những cổ phiếu khác như THD (4,3 tỷ đồng), PAN (2,1 tỷ đồng), CDN (1,9 tỷ đồng).

Trái chiều, VCS của Vicostone tiếp tục dẫn đầu chiều xả ròng với giá trị hơn 22,2 tỷ đồng. Khối ngoại gia tăng rút ròng khỏi các mã PVS (17,8 tỷ đồng), NTP (17,1 tỷ đồng), SHB (15,3 tỷ đồng) và PLC (9,9 tỷ đồng).

Tại UPCoM: Duy trì mua ròng 39,61 tỷ đồng

Diễn biến tương tự, chiều mua chiếm ưu thế so với chiều bán tại thị trường UPCoM. Theo đó, khối ngoại mua ròng 39,61 tỷ đồng.

Khối ngoại giải ngân trên 2.477 tỷ đồng trong tuần qua, tâm điểm mua vào VHM, STB, SSI - Ảnh 4.

Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.

Cụ thể, cổ phiếu VEA của CTCP Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam vẫn dẫn đầu về giá trị mua ròng trong tuần, tuy lực cầu giảm gần 50% chỉ còn với 30,1 tỷ đồng.

Nối tiếp, dòng tiền ngoại cũng tìm đến các mã BSR (17 tỷ đồng), ACV (16,9 tỷ đồng), MCH (13,7 tỷ đồng), đồng thời mua ròng nhẹ CTR (5,7 tỷ đồng)

Tại chiều bán, cổ phiếu QNS tiếp tục bị xả ròng mạnh nhất với quy mô 32,9 tỷ đồng, tăng gần 62%. Danh sách cổ phiếu bị bán ròng tuần qua còn có sự góp mặt của LTG (10,2 tỷ đồng), MPC (3,7 tỷ đồng), NTC (0,9 tỷ đồng)...

Thảo Bùi