|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Nhà đầu tư cá nhân giao dịch ra sao trong phiên mua ròng mạnh nhất kể từ đầu tháng 6?

07:20 | 11/08/2021
Chia sẻ
Trong phiên VN-Index duy trì đà tăng điểm, dòng tiền nhà đầu tư trở lại với quy mô 1.372 tỷ đồng trên HOSE, đánh dấu phiên mua ròng mạnh nhất trong 2 tháng gần đây. Tâm điểm giao dịch nhóm này vẫn thuộc về các cổ phiếu bất động sản.

VN-Index tăng nhẹ với thanh khoản cải thiện, dòng tiền NĐT cá nhân trở lại thị trường

Kết thúc phiên giao dịch ngày 10/8, VN-Index vẫn duy trì xu hướng tăng với 2,57 điểm (0,19%), đóng cửa ở 1.362,43 điểm. HNX-Index tăng 1,33% lên 335,08 điểm, UPCoM-Index tăng 1,29% lên 90,53 điểm.

Tuy vậy, áp lực bán gia tăng kể từ cuối phiên sáng khiến chỉ số không giữ được mức cao nhất trong phiên. Cá biệt, với 17 mã giảm giá so với 12 mã tăng, VN30 đóng cửa dưới ngưỡng tham chiếu.

Thanh khoản toàn thị trường tính cả 3 sàn đạt 28.630 tỷ đồng, tăng 0,6% so với phiên liền trước. Trong đó giá trị giao dịch trên sàn HOSE đạt 22.700 tỷ đồng.

Nhà đầu tư cá nhân có phiên mua ròng mạnh nhất kể từ đầu tháng 6 - Ảnh 1.

Xu hướng giao dịch theo nhóm nhà đầu tư và biến động của VN-Index trong 20 phiên gần nhất. (Nguồn: FiinPro).

Trong phiên thị trường diễn biến giằng co, khối ngoại gia tăng bán ròng gần 580 tỷ đồng trên HOSE, xả mạnh nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn như HPG, SSI, VIC. Đồng thuận với giao dịch khối ngoại, các tổ chức trong nước cũng đảo chiều bán ròng khớp lệnh 293 tỷ đồng, còn nhóm tự doanh công ty chứng khoán rút ròng nhẹ 2,8 tỷ đồng.

Điểm sáng trong phiên đến từ giao dịch của nhóm cá nhân trong nước. Cụ thể, nhóm này mua ròng 1.550 tỷ đồng, trong đó mua khớp lệnh 1.372 tỷ đồng, hấp thụ lực xả đến từ các nhóm còn lại. Theo thống kê, đây là quy mô giải ngân lớn nhất trong 2 tháng trở lại đây từ nhóm nhà đầu tư cá nhân.

Lực mua dàn trải nhiều nhóm ngành, tâm điểm là cổ phiếu bất động sản

Thống kê tại phương thức khớp lệnh, giao dịch mua ròng diễn ra dàn trải tại 14/18 nhóm ngành. Trong đó lực mua mạnh nhất tập trung tại nhóm cổ phiếu bất động sản khoảng 559 tỷ đồng, tăng mạnh so với phiên liên trước.

Nhóm cổ phiếu được mua ròng trở lại có sự góp mặt của bộ ba chứng khoán, bất động sản và ngân hàng sau những phiên chốt lời. Theo đó, ba nhóm trên được vào ròng lần lượt 188 tỷ đồng, 170 tỷ đồng và 62 tỷ đồng.

Nhà đầu tư cá nhân có phiên mua ròng mạnh nhất kể từ đầu tháng 6 - Ảnh 2.

Giao dịch theo nhóm ngành của NĐT cá nhân. (Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp).

Ở phía bán ròng, các cá nhân chỉ còn bán ròng tại 4 nhóm ngành, lần lượt là ngành dầu khí (23 tỷ đồng), công nghệ thông tin (7,8 tỷ đồng), và xả ròng đồng thời 17,2 tỷ đồng tại hai nhóm bán lẻ và ô tô & phụ tùng.

Tâm điểm mua ròng: SSI, DIG, HPG

Lượng tiền lớn đổ vào thị trường của các cá nhân trong nước khiến lực mua vào tại các cổ phiếu được gia tăng đáng kể so với những phiên trước.

Cụ thể, cổ phiếu SII của Chứng khoán SSI bất ngờ có sự đảo chiều ngoạn mục khi được mua ròng 190,1 tỷ đồng sau khi dẫn đầu chiều bán trong phiên 9/8. Đối ứng với các cá nhân là áp lực chốt lời gần 150 tỷ đồng SSI sau 10 phiên mua ròng liên tiếp của khối ngoại. Kết phiên, SSI dừng lại ở 59.400 đồng/cp, tăng 8,79% so với đầu tháng 8.

Top 3 ở chiều mua ròng còn có sự góp mặt của DIG của CTCP Đầu tư và Phát triển xây dựng và HPG của Tập đoàn Hòa Phát. Theo đó, DIG được mua ròng 183,6 tỷ đồng, gấp gần 3 lần phiên trước, còn HPG được mua ròng trở lại 163,2 tỷ đồng.

Nhà đầu tư cá nhân có phiên mua ròng mạnh nhất kể từ đầu tháng 6 - Ảnh 3.

Cổ phiếu được NĐT cá nhân mua/bán ròng nhiều nhất qua kênh khớp lệnh sàn HOSE. (Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp).

Dòng vốn cá nhân cũng lan tỏa tới nhiều cổ phiếu bluechips khác với quy mô dưới 100 tỷ đồng. Bộ đôi 'họ' Vingroup là VHM (Vinhomes) và VIC (Vingroup) ghi nhận giao dịch tích cực khi được mua ròng lần lượt 89,7 tỷ đồng và 65,3 tỷ đồng. Nối tiếp, lực mua cũng tìm đến LPB (70,3 tỷ đồng), MSN (58,2 tỷ đồng), GAS (54,6 tỷ đồng), KBC (50,9 tỷ đồng).

Đáng chú ý là giao dịch vào ròng trên 88 tỷ đồng mã DPM (Đạm Phú Mỹ). Theo thống kê, nhóm phân bón đã đồng loạt tăng kịch trần trong phiên đầu tuần và vẫn duy trì sức nóng trong phiên hôm qua. Chỉ sau hai ngày giao dịch, DPM đã tăng 12,41% lên 32.600 đồng/cp.

Chiều ngược lại, quy mô bán ròng được thu hẹp trên sàn HOSE khiến không có cổ phiếu nào bị xả ròng trên 100 tỷ đồng.

Mặc dù vẫn nằm trong danh mục bán ròng của nhà đầu tư cá nhân, cổ phiếu STB chỉ còn ghi nhận giao dịch 35,8 tỷ, giảm gần 50%. Theo sau, một cổ phiếu cũng bị bán khá mạnh là PLX của Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam, với 31,5 tỷ đồng. Ghi nhận trong phiên, PLX được giao dịch hơn 4,1 triệu cổ phiếu, tăng 1,4 lần so với khối lượng bình quân sau thông tin cổ đông chiến lược là Eneos Corporation vừa đăng ký mua thêm 8 triệu cp PLX từ ngày 6/8 - 3/9.

Cùng chiều, giao dịch rút ròng nhẹ hơn được ghi nhận tại DRC (22,5 tỷ đồng), MWG (15,2 tỷ đồng), HCM (13 tỷ đồng), TCB (11,7 tỷ đồng). Các cá nhân cũng bán ra dưới 10 tỷ đồng các mã FPT, ACB và DHC.

Thảo Bùi

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.