|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Bất chấp áp lực bán gia tăng, nhà đầu tư cá nhân đẩy mạnh mua ròng 1.400 tỷ đồng phiên 11/8

07:20 | 12/08/2021
Chia sẻ
Mặc dù áp lực chốt lời tăng mạnh khiến VN-Index giảm gần 5 điểm, nhà đầu tư cá nhân tiếp tục giải ngân gần 1.400 tỷ đồng trên sàn HOSE. Dòng tiền quay lại nhóm cổ phiếu chứng khoán và ngân hàng, trong đó tâm điểm là giao dịch mua ròng gần 340 tỷ đồng cổ phiếu SSI.

Sau những nỗ lực duy trì đà tăng điểm trong phiên sáng, áp lực chốt lời đột ngột tăng mạnh về cuối phiên, đặc biệt ở nhóm vốn hóa lớn kéo VN-Index đảo chiều giảm điểm trong phiên 11/8.

Đóng cửa, VN-Index giảm 4,64 điểm (0,34%) về mức 1.357,79 điểm, HNX-Index cũng giảm 0,63 điểm (0,19%) còn 334,44 điểm. Riêng UPCoM-Index tăng 1,49% lên 91,88 điểm.

Bất động sản vẫn là nhóm ảnh hưởng tiêu cực nhất trên thị trường khi lấy đi hơn 4 điểm của chỉ số. Đáng chú ý, sắc đỏ của VIC, GVR, VHM là những mã có tác động tiêu cực nhất đến chuyển động của VN-Index trong phiên.

Mặc dù đánh mất đà tăng, thanh khoản thị trường tăng hơn 10% so với phiên trước đó với tổng khối lượng khớp lệnh đạt trên 1 tỷ đơn vị, tương ứng giá trị 31.824 tỷ đồng. Tính riêng giao dịch khớp lệnh trên sàn HOSE đạt trên 24.600 tỷ đồng.

Bất chấp áp lực bán gia tăng, nhà đầu tư cá nhân vẫn  - Ảnh 1.

Xu hướng giao dịch theo nhóm nhà đầu tư và biến động của VN-Index trong 20 phiên gần nhất. (Nguồn: FiinPro).

Thanh khoản tăng cao đến từ áp lực xả hàng mạnh mẽ từ khối ngoại và các tổ chức trong nước. Theo đó, khối ngoại tiếp tục bán ròng 934,9 tỷ đồng qua khớp lệnh, còn nhóm tổ chức nội thì tăng lực xả lên gần 3 lần, đạt giá trị 769,4 tỷ đồng. Hai nhóm này bán ròng chủ yếu các cổ phiếu ngân hàng và dịch vụ tài chính.

Đối lập với áp lực bán từ hai nhóm trên, nhà đầu tư cá nhân gia tăng lực cầu lên mức 1.567 tỷ đồng, trong đó họ mua ròng khớp lệnh 1.400 tỷ đồng. Đồng thuận với giao dịch tích cực của các cá nhân trong nước, nhóm tự doanh công ty chứng khoán cũng trở lại mua ròng 304 tỷ đồng trong phiên 11/8.

Tâm điểm mua ròng chuyển dịch về nhóm dịch vụ tài chính, ngân hàng

Thống kê giao dịch theo phương thức khớp lệnh, nhà đầu tư cá nhân mua ròng tại 13/18 ngành. Dòng tiền tích cực trở lại nhóm dịch vụ tài chính và ngân hàng, khiến hai nhóm này chứng kiến sự tăng vọt về giá trị mua ròng, lần lượt là 437 tỷ đồng và 370 tỷ đồng. Các cổ phiếu bất động sản tuy vẫn được mua ròng 297 tỷ, nhưng quy mô giải ngân đã giảm 46% so với phiên liền trước.

Bất chấp áp lực bán gia tăng, nhà đầu tư cá nhân vẫn  - Ảnh 2.

Giao dịch theo nhóm ngành của NĐT cá nhân. (Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp).

Trái chiều, giao dịch bán ròng có phần "lép vế" khi chỉ diễn ra tại 5 nhóm ngành, chủ yếu là nhóm dầu khí bị bán ròng 47 tỷ đồng mặc dù đóng góp đáng kể cho sắc xanh của thị trường. Tiếp theo, nhóm này cũng rút vốn nhẹ khỏi hai nhóm ngành chịu ảnh hưởng nặng nề của COVID-19 là y tế (7 tỷ đồng) và du lịch, giải trí (6,3 tỷ đồng)

Cổ phiếu SSI tiếp tục dẫn đầu chiều mua ròng

Trong phiên thứ hai dẫn dắt chiều mua, SSI của CTCP Chứng khoán SSI được mua ròng gần 340 tỷ đồng, tương ứng khoảng 5,8 triệu đơn vị cổ phiếu. Đối ứng với lực cầu tăng trên 26% của các cá nhân trong nước là lực xả chủ yếu từ khối ngoại. 

Như vậy sau 2 phiên bán ròng, cổ phiếu SSI chỉ còn được mua ròng lũy kế 403 tỷ đồng kể từ đầu năm. Cùng với SSI, dòng tiền cũng tìm đến cổ phiếu VCI của Chứng khoán Bản Việt trong phiên nhóm chứng khoán liên tục bị chốt lời. Mã này ghi nhận giá trị vào ròng khiêm tốn hơn, ở mức 95,9 tỷ đồng.

Bất chấp áp lực bán gia tăng, nhà đầu tư cá nhân vẫn  - Ảnh 3.

Cổ phiếu được NĐT cá nhân mua/bán ròng nhiều nhất qua kênh khớp lệnh sàn HOSE. (Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp).

Bên cạnh các cổ phiếu chứng khoán, dòng tiền lan tỏa mạnh tại hai nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn trên thị trường là ngân hàng và bất động sản. Theo đó, các đại diện nhóm ngân hàng được mua ròng nhiều nhất lần lượt là VPB (122,3 tỷ đồng), MBB (79 tỷ đồng), CTG (71,3 tỷ đồng), LPB (71,3 tỷ đồng). 

Theo ghi nhận, giao dịch VPB xuất hiện sau phiên nhà băng này công bố phát hành 15 triệu cổ phiếu ESOP cho nhân viên với giá 10.000 đồng/cp. Kết phên 11/8, VPB đóng cửa ở 61.200 đồng, tăng 1,16%.

Tại nhóm bất động sản, lực mua mạnh nhất tập trung ở nhóm cổ phiếu Vingroup với hai đại diện là VHM (146 tỷ đồng) và VIC (74,6 tỷ đồng), theo sau là DIG (87,9 tỷ đồng). Không đứng ngoài xu hướng giao dịch nhóm cảng biển - logistics, GMD của Gemadept cũng được mua ròng nhẹ 47,2 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, lực rút vốn vẫn diễn ra với quy mô khiêm tốn khi không có cổ phiếu nào bị rút ròng trên 100 tỷ đồng. Danh mục bán ròng không có nhiều biến động khi STB của Sacombank tiếp tục bị xả ròng mạnh nhất 97,8 tỷ đồng.

Cùng chiều, giao dịch rút vốn nhẹ hơn được ghi nhận tại các cổ phiếu FLC (51,3 tỷ đồng), PLX (50,7 tỷ đồng), VNM (45 tỷ đồng), NLG (28,2 tỷ đồng). Kế tiếp, các cá nhân trong nước bán ròng dưới 20 tỷ đồng, nổi bật là một số mã như DGW, PTB, PVT, SCR, AGG.

Thảo Bùi