Nhà đầu tư cá nhân chốt lời mạnh giữa lúc thị trường giảm điểm, xả ròng gần 1.000 tỷ đồng FLC
Nhà đầu tư cá nhân là bên bán ròng duy nhất tại HOSE
Đà giảm của chỉ số chính sàn HOSE xuất hiện ngay từ đầu tuần khi sự cố trả kết quả tại sàn HOSE đã khiến áp lực chốt lời mạnh xuất hiện kể từ cuối phiên chiều. Ngay sau đó, thông tin kém tích cực của một vài cổ phiếu nhóm bất động sản đã khiến nhóm này giảm sàn hàng loạt trong những phiên tiếp theo.
Mặc dù sự dẫn dắt của cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán giúp VN-Index lấy lại mốc 1.510 điểm trong phiên thứ 4, đà giảm quay lại ngay sau đó trước tâm lý kém lạc quan của thị trường.
Kết thúc tuần thứ 2 của năm 2022, VN-Index trải qua 1 phiên tăng so với 4 phiên giảm điểm, mất đi 32,46 điểm tương đương 2,12% và đóng cửa tại 1.496,02 điểm. Giá trị giao dịch trung bình một phiên trên sàn HOSE đạt 32.173 tỷ đồng, tăng 3,8% so với tuần trước đó và 18,7% so với trung bình 5 tuần.
Xét hành vi của các nhóm nhà đầu tư, cá nhân trong nước là bên bán ròng duy nhất với quy mô 1.647 tỷ đồng trên HOSE. Tính riêng khớp lệnh, nhóm này bán ròng 1.824 tỷ đồng trong tuần chốt lời thứ 3 liên tiếp.
Chiều ngược lại, nhà đầu tư tổ chức trong nước, khối ngoại và tự doanh đồng loạt duy trì trạng thái mua ròng trong tuần điều chỉnh mạnh của thị trường. Ba nhóm này mua gom lần lượt 927 tỷ, 582 tỷ và 315 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh sàn HOSE.
Cá nhân trong nước bán ròng trên 1.120 tỷ đồng các cổ phiếu bất động sản
Xét giao dịch theo từng nhóm ngành, xu hướng bán ròng chiếm vị thế áp đảo khi nhà đầu tư bán ròng tại 12/18 nhóm ngành. Trong đó, tỷ trọng bán ròng ở nhóm bất động sản, xây dựng và vật liệu có xu hướng gia tăng.
Theo thống kê, các cá nhân nội bán ròng hơn 1.127 tỷ đồng ở nhóm cổ phiếu của các doanh nghiệp địa ốc, tăng hơn 10% so với tuần trước đó.
Mặc dù tìm lại thanh khoản trong phiên cuối tuần, nhóm bất động sản chịu tác động mạnh sau sự kiện chủ tịch FLC bán 74,8 triệu cổ phiếu không đăng ký, gây mất niềm tin trên thị trường và việc Tân Hoàng Minh bỏ cọc sau khi đấu giá đất tại Thủ Thiêm. Các cổ phiếu có giá trị giao dịch cao nhất là FLC, DIG, CEO, KBC, VHM, DXG, NLG đều có mức giảm điểm đáng kể trong tuần.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư cá nhân cũng rút ròng nhẹ hơn khỏi các nhóm cổ phiếu, lần lượt là ngân hàng (236 tỷ đồng), bán lẻ (213 tỷ đồng), thực phẩm & đồ uống (177 tỷ đồng), tài nguyên cơ bản (100 tỷ đồng)...
Ngược lại, chỉ có 6/18 nhóm cổ phiếu ghi nhận lực cầu từ các cá nhân. Theo đó, cổ phiếu nhóm dịch vụ tài chính quay lại thu hút phần lớn sức mua ròng với quy mô 254 tỷ đồng.
Nối tiếp, nhóm này chỉ rót ròng nhẹ hơn vào một số nhóm cổ phiếu như hàng & dịch vụ công nghiệp (64 tỷ đồng), hóa chất (35 tỷ đồng)...
Dòng tiền nội xả mạnh FLC, chuyển hướng mua gom DIG, CII
Xét giao dịch cụ thể theo từng mã, cổ phiếu FLC của Tập đoàn FLC tập trung phần lớn lực xả ròng với giá trị gần 1.000 tỷ đồng trong tuần qua.
Sau hai phiên đầu tuần giao dịch với khối lượng kỷ lục lên tới gần 155 triệu đơn vị, FLC đã trải qua 3 phiên giảm sàn liên tiếp. Đóng cửa tuần, FLC đánh mất hơn 28% giá trị từ vùng 22.550 đồng/cp về mức 16.100 đồng/cp.
Tương tự, cổ phiếu ROS của CTCP Xây dựng FLC Faros cũng bị bán ròng 194 tỷ đồng. Mã này thậm chí "nằm sàn" liên tục và kết tuần trong tình trạng trắng bên mua với khối lượng dư bán sàn hơn 88 triệu cổ phiếu.
Nối tiếp, áp lực chốt lời được nối dài ở hàng loạt cổ phiếu thuộc nhóm bất động sản, xây dựng. Trong đó, lần lượt phải kể đến là DXG (286 tỷ đồng), VHM (266 tỷ đồng), KBC (262 tỷ đồng), KDH (211 tỷ đồng), IJC (163 tỷ đồng).
Mặc dù cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực, cổ phiếu DIG của Tổng Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng tiếp tục thu hút 899 tỷ đồng mua ròng từ các cá nhân trong nước. Lực cầu bắt đáy xuất hiện chủ yếu trong 3 phiên cuối tuần trong những nhịp giảm sàn của DIG.
Một bộ phận nhà đầu tư cá nhân cũng mua ròng ở một vài cổ phiếu nhóm bất động sản, xây dựng đã tăng nóng trong thời gian vừa qua như CII (290 tỷ đồng), NVL (207 tỷ đồng), VRE (128 tỷ đồng), NBB (104 tỷ đồng).
Cũng ở chiều mua, xu hướng mua ròng trở lại ở nhóm cổ phiếu của các nhà băng, công ty chứng khoán khi lần lượt gom ròng ACB (148 tỷ đồng), TCB (120 tỷ đồng), VCI (95 tỷ đồng), HCM (87 tỷ đồng)...