|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tự doanh mua ròng nhiều nhất VRE trong khi xả mạnh FLC trong tuần VN-Index 'bốc hơi' hơn 32 điểm

10:12 | 15/01/2022
Chia sẻ
Trong tuần VN-Index mất hơn 32 điểm và rơi khỏi mốc 1.500, bộ phận tự doanh công ty chứng khoán tiếp tục xuống tiền nâng đỡ thị trường với giá trị gom ròng đạt 171 tỷ đồng. Trong đó, tâm điểm rót vốn của khối này là cổ phiếu VRE, trong khi FLC là mã bị xả ròng mạnh nhất.

Trong tuần giao dịch 10 - 14/1, nhà đầu tư đã đón nhận hai tin xấu có ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý thị trường chung.

Khởi đầu tuần với thông tin ông Trịnh Văn Quyết thực hiện bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC mà không đăng ký giao dịch dẫn đến áp lực bán mạnh tại nhóm cổ phiếu liên quan (FLC, ROS, ART…). Tiếp theo đó là thông tin về việc Tân Hoàng Minh quyết định bỏ cọc lô 3-12 tại Thủ Thiêm đã kéo theo hiệu ứng bán tháo với cổ phiếu của doanh nghiệp bất động sản.

Tính chung cả tuần, VN-Index mất 32,46 điểm, tương ứng giảm 2,12% so với tuần trước, chốt tuần tại 1.496,02 điểm. Giá trị giao dịch trung bình một phiên trên sàn HOSE đạt 32.173 tỷ đồng, tăng 3,8% so với tuần trước đó và 18,7% so với trung bình 5 tuần.

Nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình của dòng bất động sản như DIG, FLC với các mức giảm 16,7% và 28,6% trong tuần đã lọt Top10 cổ phiếu ảnh hưởng tiêu cực đến VN-Index, lần lượt lấy đi 2,6 và 1,2 điểm của chỉ số. Tương tự, VHM và VIC là 2 mã tác động tiêu cực nhất lên thị trường với mức ảnh hưởng giảm là 3,7 và 3,6 điểm.

Bên chiều tăng điểm, 3 mã ngân hàng quốc doanh là BID, VCB và CTG đã trở thành cứu cánh quan trọng cho chỉ số với mức ảnh hưởng lần lượt là 6,7 điểm, 4 điểm và 2,8 điểm.

Khối ngoại có tuần mua ròng hơn 700 tỷ đồng trên HOSE, gần như toàn bộ giá trị mua ròng của tuần tập trung trong phiên cuối tuần. Có vẻ như khối này đã tranh thủ mua vào nhiều cổ phiếu bất động sản trong nhịp hoảng loạn vừa qua.

Tương tự, bộ phận tự doanh công ty chứng khoán cũng tiếp tục xuống tiền nâng đỡ thị trường với giá trị gom ròng đạt 171 tỷ đồng. Tính riêng kênh khớp lệnh thì họ mua ròng 315 tỷ đồng.

 - Ảnh 1.

Thống kê giao dịch khối tự doanh mua/bán ròng tuần 10 - 14/1. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Tự doanh chủ yếu xả cổ phiếu BĐS, ngắt chuỗi mua ròng nhóm cổ phiếu "vua"

Thống kê của Fiinpro cho thấy hoạt động giải ngân của khối tự doanh công ty chứng khoán khá dàn trải khi không nhóm ngành nào được mua ròng trên trăm tỷ đồng. Bộ phận tự doanh gom ròng 11/18 ngành, trong đó cổ phiếu bán lẻ nổi lên là nhóm được bộ phận tự doanh mua ròng mạnh nhất qua kênh khớp lệnh với giá trị 65 tỷ đồng. Bên cạnh đó, khối tự doanh cũng gom ròng 52 tỷ đồng cổ phiếu dịch vụ tài chính.

Theo thống kê, dòng tiền từ khối tự doanh còn tìm đến các ngành dầu khí (50,7 tỷ đồng), công nghệ thông tin (50 tỷ đồng), thực phẩm và đồ uống (38,5 tỷ đồng).

Tự doanh mua ròng nhiều nhất VRE trong khi xả mạnh FLC trong tuần VN-Index 'bốc hơi' hơn 32 điểm - Ảnh 2.

Giao dịch khớp lệnh của tự doanh theo nhóm ngành. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Ở chiều ngược lại, áp lực rút vốn của khối tự doanh tuần qua cũng ở mức thấp, nhóm bất động sản bị bán ròng nhiều nhất nhưng giá trị rút ròng cũng chưa đến 70 tỷ đồng.

Tròng tuần 10 - 14/1, cổ phiếu địa ốc chịu sự tác động mạnh của sự kiện chủ tịch Tập đoàn FLC bán cổ phiếu mà không đăng ký, gây mất niềm tin trên thị trường và sự kiện Tân Hoàng Minh bỏ cọc. Tuy nhiên, nhóm này đã có được thanh khoản phiên cuối tuần trừ cổ phiếu nhóm FLC tiếp tục giảm sàn không có cầu.

Nhóm cổ phiếu có giá trị giao dịch cao nhất trong tuần là FLC, DIG, CEO, KBC, VHM, DXG, NLG, tất cả đều giảm điểm trong tuần.

Trở lại với giao dịch tự doanh, áp lực rút vốn còn được chứng kiến ở nhóm xây dựng & vật liệu (15,8 tỷ đồng), ngân hàng (2,7 tỷ đồng). Như vậy, dòng vốn tự doanh chính thức ngắt chuỗi mua ròng nhóm cổ phiếu "vua" 6 tuần liên tiếp. Tuần qua, cổ phiếu của các nhà băng đã ghi nhận tăng điểm dù tỷ trọng giá trị giao dịch giảm nhẹ. Nhóm ngân hàng có 2 phiên tăng mạnh nhưng xu hướng tăng cũng như thanh khoản đã hạ nhiệt đáng kể ở phiên cuối tuần.

Tự doanh mua ròng nhiều nhất VRE trong khi xả mạnh FLC

Thống kê giao dịch cụ thể từng mã, khối tự doanh CTCK chủ yếu rút vốn khỏi cổ phiếu FLC với giá trị 243,5 tỷ đồng. Tuần qua, cổ phiếu FLC nói riêng và các mã đầu cơ khác trong hệ sinh thái của FLC đồng loạt lao dốc giữa những lùm xùm liên quan đến việc ông Trịnh Văn Quyết thực hiện bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC mà không đăng ký giao dịch.

Tính chung cả tuần, FLC giảm cả 5 phiên với 3 phiên nằm sàn trắng bên mua, giá cổ phiếu theo đó bốc hơi gần 30% giá trị. Với việc không có lực cầu đỡ giá, cộng thêm nhà đầu tư liên tục kê lệnh để "thoát hàng" khiến khối lượng khớp lệnh mã này trong các phiên giảm sàn chưa đến 3 triệu đơn vị/ phiên trong khi giá trị giao dịch trung bình trong 10 phiên gần đây lên tới hơn 45 triệu đơn vị/phiên.

Theo sau FLC, khối tự doanh còn rút ròng 103,6 tỷ đồng khỏi chứng chỉ quỹ FUEVFVND. Cùng chiều, bộ phận tự doanh còn tạo áp lực bán lên các cổ phiếu bluechips như STB (45,8 tỷ đồng), KDH (37,5 tỷ đồng), CTG (22,2 tỷ đồng), POW (19,5 tỷ đồng) và NVL (17,9 tỷ đồng).

Dòng vốn tự doanh trong tuần còn rút khỏi một số mã như VCG (20,5 tỷ đồng), DBC (15,5 tỷ đồng) và LCG (13,3 tỷ đồng).

 - Ảnh 2.

Top10 cổ phiếu khối tự doanh mua/bán ròng tuần 10 - 14/1. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Ở chiều mua, VRE dẫn đầu Top mua ròng với giá trị vào ròng đạt 85,3 tỷ đồng. Giữa bối cảnh cổ phiếu bất động sản lao dốc hàng loạt sau thông tin Tân Hoàng Minh bỏ cọc lô đất tại Thủ Thiêm, cổ phiếu VRE mặc dù có bị ảnh hưởng, nhưng không phiên nào giảm kịch biên độ.

Tính chung cả tuần, cổ phiếu của Vincom Retail giảm nhẹ 1% so với tuần trước đó, chốt phiên 14/1 tại 34.400 đồng/cp.

Ngoài mã VRE, khối tự doanh tập trung rót tiền vào các cổ phiếu MWG (61 tỷ đồng), FPT (50,1 tỷ đồng), E1VFVN30 (44,9 tỷ đồng) và PNJ (36,8 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, khối này còn tìm đến các mã PVD (33 tỷ đồng), DPM (29,9 tỷ đồng), VPB (29,2 tỷ đồng), KBC (28,9 tỷ đồng) và HQC (28,6 tỷ đồng).

Thu Thảo