Cú hích cho ngành thủy sản khi người tiêu dùng Trung Quốc bớt ghiền thịt heo?
Thay đổi về nhân khẩu học, sự cải thiện trong thu nhập, cùng với lo ngại về sức khỏe đang khiến người Trung Quốc giảm mức tiêu thụ thịt heo trong rổ thực phẩm. Điều này sẽ mở ra cơ hội cho ngành thủy sản, Bu Rui Ke - công ty nghiên cứu thị trường chủ yếu ở mảng hàng hóa nông nghiệp cho biết, theo Seafoodsource.
Tuy nhiên, công ty này cho rằng các mặt hàng thủy sản đang phải cạnh tranh với thịt bò để trở thành loại protein được tầng lớp trung lưu Trung Quốc (nhóm người đang gia tăng nhanh và có mức chi tiêu cao) lựa chọn.
Theo khảo sát, mức tiêu thụ thịt heo bình quân đầu người của Trung Quốc đạt đỉnh 42 kg/người vào năm 2014, tăng từ 11,7 kg vào năm 1981.
Tuy nhiên, con số đó hiện giảm xuống dưới 40 kg, mặc dù từ cuối năm 2021, giá thịt heo đã giảm đáng kể khi đàn heo toàn quốc phục hồi sau khi dịch tả heo châu Phi (ASF) tàn phá đàn heo của Trung Quốc.
Từ lâu, thịt heo được coi là loại protein chính trong chế độ ăn uống của người Trung Quốc và thường rẻ hơn hải sản. Mặt khác, người tiêu dùng Trung Quốc thường mua hàng dựa vào giá, điều này khiến thủy sản không được ưa chuộng bằng thịt heo vì giá cao hơn.
Tuy nhiên, chênh lệch tiêu thụ giữa thủy sản và thịt heo dần được thu hẹp khi thu nhập trung bình của người Trung Quốc tăng lên, cho nhiều người tiêu dùng cơ hội chọn thủy sản để có chế độ ăn uống lành mạnh hơn.
Theo Bu Rui Ke, dân số già hóa của Trung Quốc cũng là một trong những động lực thúc đẩy sự chuyển hướng sang tiêu thụ hải sản, cũng như thịt bò và thịt gà, đặc biệt ở các nhóm người tiêu dùng lớn tuổi. Người trẻ thành thị ưa chuộng các loại protein có lợi cho sức khỏe cũng đang tìm tới thủy sản.
Nhờ các yếu tố trên, nhập khẩu thủy sản của đất nước tỷ dân đang trên đà tăng. Cụ thể, nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc năm 2021 tăng 0,7% so với năm 2020, lên 5,71 triệu tấn, trong đó có cả nguyên liệu thủy sản để chế biến và các sản phẩm thủy sản không dùng cho người, chẳng hạn như bột cá.
Năm 2021, kim ngạch nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc đạt khoảng 14,15 tỷ USD, tăng đáng kể so với mức 12,7 tỷ USD vào năm 2020. Dù vậy, con số đó vẫn chưa vượt qua mức kỷ lục năm 2019 là 15,8 tỷ USD.
Đáng chú ý, trong năm 2021, trong số các mặt hàng thủy sản nhập khẩu của Trung Quốc, phân khúc phát triển nhanh nhất là sản phẩm có giá trị cao cho tiêu dùng nội địa.
Mức tiêu thụ thủy sản tại Trung Quốc trong thời gian qua không bị ảnh hưởng mấy, ngay cả khi giá thủy sản trung bình tăng 8,8% trong tháng 1 và thêm 4,9% trong tháng 2 so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời, việc giá thịt heo giảm 41,6% cũng không tác động đáng kể đến nhu cầu thủy sản của người tiêu dùng tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Trong một thông báo về hiện đại hóa nông nghiệp Trung Quốc, kế hoạch 5 năm lần thứ 15 được công bố vào đầu tháng 2, Quốc vụ viện Trung Quốc cho biết sản lượng thủy sản của nước này, bao gồm nuôi trồng và đánh bắt tự nhiên sẽ lên tới 69 triệu tấn vào năm 2025.
Năm 2021, sản lượng thủy sản của Trung Quốc đạt 66,9 triệu tấn, tăng 2,2% so với năm 2020, trong đó, sản lượng nuôi trồng chiếm 53,8 triệu tấn. Cũng theo kế hoạch, sản lượng thịt heo của Trung Quốc năm 2025 sẽ đạt 55 triệu tấn.
Như vậy, việc thủy sản dần chiếm được thị phần của thịt heo sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp bán lẻ dự trữ thủy sản. Những doanh nghiệp này cũng đang trông đợi chính phủ Trung Quốc sẽ ban hành nhiều chính sách kích thích sự tăng trưởng bền vững của hoạt động nuôi trồng thủy sản và đánh bắt xa bờ.
Tuy nhiên theo báo cáo Bu Rui Ke, các nhà sản xuất thịt heo của Trung Quốc đang có cơ hội lấy lại thị phần bằng cách chuyển hướng sang các sản phẩm có giá trị cao. Rõ ràng, ngành công nghiệp thịt heo của Trung Quốc có nền tảng và lợi thế hơn so với thủy sản, việc thực hiện mục tiêu này sẽ dễ dàng hơn.