Người dân Hàn Quốc đổ xô đi mua đồ Chanel trước tin đồn tăng giá
Trong vài ngày qua, hàng trăm người đã xếp hàng xung quanh những cửa hiệu Chanel tại Hàn Quốc để mua sắm trước tin đồn giá sẽ tăng trong tháng tới. Các thương hiệu xa xỉ, bao gồm Chanel thường sẽ tăng giá mạnh sau tin đồn như vậy. Đây được cho là một trong những cách kinh doanh của họ, theo Korea Times.
Hãng tin Yonhap cho biết số lượng người xếp hàng trước những cửa hàng Chanel trong Trung tâm thương mại Lotte ở thành phố Seoul vào sáng thứ Hai dường như đông gấp đôi bình thường. Một nhân viên cửa hàng tiết lộ rằng số lượng người xếp hàng đó thậm chí có thể đủ dài để bao quanh tòa nhà.
Trước đó, tại Hàn Quốc xuất hiện một số tin đồn về việc giá các mặt hàng chính hãng của Chanel sẽ tăng 12% trong tháng tới. Mặc dù Chanel không lên tiếng xác nhận điều này nhưng khách hàng có thể tìm thấy rất nhiều bài đăng về kế hoạch tăng giá của Chanel trên các diễn đàn trực tuyến.
Theo Korea Times, một chiếc túi nắp gập cỡ trung cổ điển của Chanel hiện có giá 8,64 triệu won (7.641 USD) tại Hàn Quốc. Trên các diễn đàn, nhiều tín đồ thời trang cho rằng giá của chiếc túi này có thể tăng thêm 1.000 USD, rơi vào khoảng 10 triệu won.
Tại Hàn Quốc, trong khi nhiều người tỏ ra không mấy quan tâm tới việc mua các sản phẩm của Chanel vì lý do giá đắt đỏ, một số người lại vô cùng sốt sắng, thậm chí họ cho biết sẵn sàng xếp hàng nhiều giờ để được vào mua sắm tại những cửa hàng Chanel chính hãng.
Thực tế, trong thời gian qua Chanel cũng đã tăng giá một vài lần. Cụ thể, đầu năm 2021, khách hàng đã chứng kiến một đợt tăng giá của Chanel. Năm 2020, hãng thời trang xa xỉ này cũng đã tăng giá hai lần vào tháng 5 và tháng 11.
Bất chấp những ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 và giá cả tăng cao, Chanel Hàn Quốc đã báo lãi 149,1 tỷ won trong năm 2020, tăng 34% so với năm 2019.
Kim Yae-ri, một giáo sư ngành digital marketing tại Đại học Sejong Cyber cho rằng đại dịch COVID-19 vô tình trở thành nguyên nhân thúc đẩy sự tăng trưởng cho Chanel
"Mọi người cố gắng làm thỏa mãn cuộc sống của mình thông qua các hình thức tiêu dùng đa dạng, nhưng giờ đây, những kênh này bị hạn chế do đại dịch. Ví dụ, việc đi du lịch nước ngoài hiện gặp rất nhiều khó khăn vì dịch bệnh. Do đó, mọi người dường như đang chuyển hướng sang mua hàng xa xỉ, thứ mà họ coi là biểu tượng cho đẳng cấp", bà Kim chia sẻ.
Chia sẻ với Korea Times, giáo sư Kim Yae-ri cũng tin rằng các hãng thời trang xa xỉ sẽ nhận thức được điều này. "Họ biết rằng khách hàng sẽ mua sắm ngay cả khi họ tăng giá", bà nói. Hàn Quốc là thị trường hàng xa xỉ lớn thứ 7 thế giới tính đến cuối năm 2020.