|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Ngoài tiềm năng bán lẻ, ‘đất hứa’ Việt Nam còn mang lại cho Uniqlo những gì?

14:30 | 06/12/2019
Chia sẻ
Việt Nam đang dần trở thành một “cứ điểm” sản xuất hàng dệt may cực kì quan trọng cho Uniqlo và một số thương hiệu khác thuộc sở hữu của Fast Retailing.

Với hơn 2.000 cửa hàng trên toàn thế giới, Uniqlo, thuộc sở hữu của đại gia bán lẻ Nhật Bản Fast Retailing, hiện là một trong những thương hiệu thời trang quyền lực nhất trên thế giới. 

Song phải tới hôm nay (6/12), Uniqlo mới chính thức có sự hiện diện ở Việt Nam, thị trường thứ 6 tại Đông Nam Á mà nó thâm nhập.

uniqlo 2

Hình ảnh náo nhiệt tại lễ khai chương cửa hàng Uniqlo đầu tiên tại Việt Nam sáng ngày 6/12. (Ảnh: Yên Khê)

Cửa hàng đầu tiên của Uniqlo tại Việt Nam toạ lạc tại TTTM Parkson Saigon Tourist với tổng diện tích mặt sàn lên tới trên 3.100 mét vuông. 

Không có mặt tạị Việt Nam từ sớm, nhưng Fast Retailing nhìn nhận quốc gia này là một "miền đất hứa" với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và dân số trẻ.

Việt Nam theo đó sẽ là nhân tố giúp Uniqlo tăng trưởng tại khu vực Đông Nam Á trong bối cảnh Fast Retailing đang mong muốn có tới 800 cửa hàng Uniqlo tại đây trong vòng 10 năm tiếp theo. 

Ở thời điểm hiện tại, con số này đang dừng lại ở khoảng 200. Thế nhưng sức hấp dẫn của Việt Nam với Fast Retailing không chỉ nằm ở câu chuyện bán lẻ.

"Cứ điểm" sản xuất hàng dệt may lớn thứ hai của Uniqlo

Bên cạnh tiềm năng bán lẻ, Việt Nam đang đóng vai trò là "cứ điểm" sản xuất hàng dệt may lớn thứ hai của Fast Retailing tại Việt Nam. Con số nhà máy đối tác công bố hiện tại lên tới 50, theo Nikkei.

Ông Tadashi Yanai, CEO và Chủ tịch Fast Retailing, tiết lộ Uniqlo xuất khẩu giá trị sản phẩm chạm mốc 3 tỉ USD mỗi năm. Ông đánh giá chất lượng sản phẩm do các nhà máy ở Việt Nam sản xuất đạt tiêu chuẩn cao và được chấp nhận trên toàn thế giới. 

"Việt Nam sẽ có hiện diện đậm nét trên thị trường thế giới", người đàn ông giàu có nhất Nhật Bản khẳng định.

UNIQLO 1

Việt Nam ngày càng quan trọng với Fast Retailing, trong vai trò một nhà sản xuất hàng dệt may. (Nguồn: Nikkei/ Fast Retailing, Việt hoá: Thái Sơn)

Đầu năm nay, ông chủ Fast Retailing thừa nhận tập đoàn do ông sáng lập đang mong muốn giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc bằng cách đẩy mạnh tốc độ mở rộng sản xuất ra các quốc gia khác để giảm thiểu rủi ro liên quan đến chính trị và kinh tế. Trong khoảng hai năm, số nhà máy đối tác tại Việt Nam của "ông lớn" này đã tăng trưởng khoảng 60%.

Các đối tác cung ứng của Uniqlo tại Việt Nam cũng kì vọng việc chính thức có cửa hàng tại Việt Nam sẽ giúp tình hình kinh doanh của họ khởi sắc hơn.

"Chúng tôi rất háo hức được thấy sản phẩm của mình dưới thương hiệu Uniqlo cuối cùng cũng được bán ra ở Việt Nam, sau khi được xuất khẩu đi Nhật Bản, ASEAN, Mỹ và EU suốt một thời gian dài", ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Công ty cổ phần May Sài Gòn 3, chia sẻ với Nikkei. Công ty của ông là đối tác của Uniqlo từ năm 1999 và hơn một nửa sản phẩm của nó được cung ứng cho Uniqlo.

"Uniqlo là một trong số ít thương hiệu Nhật Bản đang mở rộng mạng lưới của mình ra cả 5 châu lục", ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc phát triển kinh doanh của Kim Thành Group nói. 

Kim Thành Group hiện đang sản xuất hàng dệt may cho 6 thương hiệu song Uniqlo chiếm tỉ trọng trên 50%.

Những nhà cung cấp cho Uniqlo đứng trước áp lực

Là một trong 5  quốc gia xuất khẩu hàng dệt may lớn nhất thế giới, ngành dệt may rất quan trọng với Việt Nam. 

Theo Sheng Lu, giáo sư ngành thời trang và dệt may tại Đại học Delaware, nhận định những hiệp định thương mại như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đang khiến Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn.

Uniqlo không phải thương hiệu quốc tế duy nhất đầu tư vào Việt Nam và nhiều quốc gia khác khác như Campuchia, nhất là trong bối cảnh thương chiến Mỹ - Trung không có dấu hiệu giảm nhiệt và chi phí nhân công tại Trung Quốc cũng ngày càng đắt đỏ.

Song thực tế này cũng tạo ra những thách thức. Đại diện của những công ty như May Sai Gòn 3 hay Kim Thành Group cho biết họ đang đứng trước áp lực nâng cấp dây chuyền sản xuất và tự động hoá để đáp ứng được những tiêu chuẩn rất cao của Uniqlo.

Theo một nhà sản xuất dệt may Nhật Bản, các nhà máy Việt Nam đang "nóng" đến mức rất khó để các thương hiệu nhỏ có thể tìm được một nhà cung ứng ở Việt Nam.

Thái Sơn

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.