‘Gà đẻ trứng vàng’ Uniqlo quan trọng như thế nào với đại gia bán lẻ Fast Retailing?
Là một trong những ông lớn bán lẻ của Nhật Bản, Fast Retailing ngày càng thể hiện được vị thế của mình trong lĩnh vực thời trang và may mặc trên phạm vi toàn cầu.
Fast Retailing được biết đến nhiều nhất thông qua thương hiệu thời trang Uniqlo, song thực tế tập đoàn này còn rất nhiều thương hiệu con khác như GU, Comptoir des Cotonniers, Helmut Lang, Princesse Tam-Tam hay Theory.
Với hơn 2.000 cửa hàng trên toàn thế giới, Uniqlo hiện tại vẫn là thương hiệu quan trọng nhất của Fast Retailing.
Uniqlo vẫn là "gà đẻ trứng vàng"
Uniqlo là thương hiệu đóng góp vào hoạt động kinh doanh của Fast Retailing nhiều nhất. (Số liệu: Công ty, đồ hoạ: Thái Sơn)
Trong năm tài chính kết thúc vào tháng 8 năm 2019, Fast Retailing ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt mức 2.290,5 tỉ yên, cho thấy mức tăng trưởng 7,5% so với cùng kì năm trước, cùng mức lợi nhuận hoạt động ở mức 267,6 tỉ yên.
Fast Retailing cho biết động lực tăng trưởng chính trong giai đoạn này đến từ Uniqlo International và thương hiệu GU.
Cũng trong năm tài chính 2019, tổng doanh thu từ thương hiệu Uniqlo đóng góp tỉ trọng tới 83% trong doanh thu hợp nhất của Fast Retailing.
Trong lãnh thổ Nhật Bản, doanh thu từ Uniqlo tăng lên mốc 872,9 tỉ yên (+0,9% so với cùng kif0 song lợi nhuận hoạt động lại giảm mạnh 13,9% so với cùng kì năm trước xuống mức 102,4 tỉ yên.
Mùa đông ấm tại Nhật Bản khiến lợi nhuận của Uniqlo Japan giảm mạnh trong nửa đầu năm tài chính song lại duy trì mức tăng trưởng hai con số trong nửa sau của năm.
Uniqlo Ấn Độ, Đông Nam Á và Úc được kì vọng sẽ tăng trưởng doanh số bán hàng 30% mỗi năm, Uniqlo công bố mới đây khi chính thức có mặt ở Việt Nam. (Ảnh: Nikkei)
Điều đáng nói trong hoạt động kinh doanh của Fast Retailing trong năm 2019 là việc doanh thu của Uniqlo International lần đầu tiên vượt mốc 1 nghìn tỉ yên, cụ thể là 1,026 nghìn tỉ yên (+14,5%) và lợi nhuận hoạt động ghi nhận ở mức 138,9 tỉ yên.
Như vậy, lúc này, hoạt động Uniqlo quốc tế đã cho thấy hiệu quả cao hơn trên chính sân nhà.
Cụ thể, Uniqlo Greater China (Trung Quốc Đại lục) báo cáo kết quả kinh doanh tăng mạnh cả về doanh thu và lợi nhuận với doanh thu tăng 14,3% so với cùng kì lên mức 502,5 tỉ yên và lợi nhuận hoạt động tăng lên 89 tỉ yên (20,8%).
Doanh thu và lợi nhuận của UNIQLO Southeast Asia & Oceania (Đông Nam Á và Châu Đại dương) tăng xấp xỉ 20% so với cùng kì trong năm tài chính 2019. Dù vậy, doanh thu và lợi nhuận của Uniqlo Hàn Quốc lại đi xuống.
Ở Mỹ, hoạt động của Uniqlo có những chuyển biến tích cực khi lỗ hoạt động giảm. Uniqlo Châu Âu có mức doanh số đạt 100 tỉ yên và tăng trưởng dương, trong khi đó Uniqlo Nga cũng cho thấy tình hình tương tự.
Nhiều thương hiệu thời trang lớn đang lỗ
Thương hiệu GU đón nhận tăng trưởng kỉ lục trong năm 2019 với doanh thu tăng lên 238,7 tỉ yên (+12,7%) và lợi nhuận hoạt động chạm mốc 28,1 tỉ yên (+139,2%).
Những con số này là kết quả của việc giảm chiết khấu, giảm chi phó bán hàng và quản trị, đặt mua sớm các nguyên vật liệu sản xuất.
Trái lại, các thương hiệu như Comptoir des Cotonniers, Helmut Lang, Princesse Tam-Tam hay Theory lại cho thấy sự đi xuống.
Doanh thu từ nhóm thương hiệu giảm 2,9% so với cùng kì xuống chỉ còn 149,9 tỉ yên và lợi nhuận hoạt động dừng lại ở con số 4,1 tỉ yên. Comptoir des Cotonniers, Princesse tam.tam và J Brand đều đang lỗ.
Uniqlo Coi Việt Nam là "miền đất hứa"
Fast Retailing kì vọng cửa hàng Uniqlo tại Hà Nội sẽ sớm mở cửa. (Ảnh: highsnobiety, đồ hoạ: Thái Sơn)
Hôm nay (6/12), Fast Retailing chính thức có hiện diện bán lẻ ở Việt Nam với cửa hàng Uniqlo đầu tiên được đặt tại Đồng Khởi, TP HCM. Nằm trên ba tầng lầu cùng diện tích mặt sàn 3.107 m2, Uniqlo Đồng Khởi là một trong những cửa hàng lớn nhất của thương hiệu này ở Đông Nam Á.
Mặc dù là thị trường thứ 6 ở Đông Nam Á của Uniqlo, ông Tadashi Yanai, CEO và Chủ tịch Fast Retailing, vẫn nhìn nhận Việt Nam là một thị trường có tiềm năng khổng lồ và là một trong những thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới. Ông gọi Việt Nam là "miền đất hứa" với dân số trẻ và tăng trưởng kinh tế ấn tượng.
Ông Tadashi Yanai cũng chia sẻ trước sự kiện khai trương Uniqlo Đồng Khởi rằng ông muốn cửa hàng Uniqlo thứ hai sẽ sớm đi vào hoạt động tại Hà Nội. "Chúng tôi không nói về 100 cửa hàng ở Việt Nam. Phải nhiều hơn thế", ông khẳng định.
Bên cạnh tiềm năng bán lẻ, Việt Nam sẽ còn là một "cứ điểm" sản xuất quan trọng của Fast Retailing. 'Ông lớn' bán lẻ cho biết mỗi năm Uniqlo đang xuất khẩu giá trị hàng hóa khoảng 3 tỉ USD từ Việt Nam.